(Pháp lý) - Việc một số ngân hàng cho vay qua thẻ tín dụng mà không cần chứng minh năng lực tài chính cho thấy pháp luật điều chỉnh vấn đề này có lỗ hổng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM ) liên quan đến hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng để chấn chỉnh và có các hình thức phương án xử lý đối với từng tổ chức tín dụng vi phạm.
Thời gian qua, nhiều chủ thẻ tín dụng được nhân viên của một số NHTM tư vấn cho vay tiêu dùng với lãi suất 1,69%/tháng (20,28%/năm). Theo đó, các chủ thẻ tín dụng chỉ cần đề nghị ngân hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại các NHTM khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng. Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng.
Được biết, không chỉ các ngân hàng trong nước mà các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng đã triển khai chương trình vay tiền từ thẻ tín dụng với mức lãi suất dao động trên dưới 2%/tháng.
Cho vay qua thẻ tín dụng là không đúng quy định hiện hành?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, việc các ngân hàng thương mại chuyển tiền từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân là không đúng với quy định hiện hành. Bởi về nguyên tắc, thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán hoặc rút tiền tại máy ATM. Tuy nhiên, việc rút tiền mặt không được khuyến khích.
Dưới góc nhìn kinh tế, PGS - TS.Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, vay theo thẻ tín dụng là một hình thức vay phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức vay theo thẻ tín dụng tương đối mới và việc quản lý và cho vay theo thẻ tín dụng đang có nhiều vấn đề, chưa đi vào nề nếp.
Ở các quốc gia khác trên thế giới, việc cho vay theo thẻ tín dụng cũng đều làm việc chấm điểm trên thẻ tín dụng để xác định người vay có hạn mức vay bao nhiêu, thời hạn vay và yêu cầu lãi suất là bao nhiêu.
Như vậy, hình thức vay qua thẻ tín dụng phải dựa trên nhiều yếu tố. Các ngân hàng đều có nhóm chấm điểm khác nhau (thường chia làm 5 nhóm) để chấm điểm người làm thẻ tín dụng, trong đó có cả lịch sử thanh toán, nguồn thu nhập, yêu cầu về mức độ quá hạn/bị từ chối thông qua thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán không bằng tiền mặt khác,… của cá nhân đó. Căn cứ vào đó, ngân hàng sẽ xem xét thời gian bao nhiêu để người vay không bị tính lãi hoặc lãi suất thấp,….
Tuy nhiên, ông Thịnh đưa ra thực trạng ở Việt Nam, việc mở thẻ tín dụng đang lỏng lẻo, thậm chí mở một cách ồ ạt. “Việc mở thẻ tín dụng vẫn được xem xét dựa trên mức thu nhập, tài sản,… song vì lý do cạnh tranh khi cho vay theo thẻ, việc ngân hàng xác định người đó được cho vay bao nhiêu, trong thời hạn như thế nào, lãi suất ra sao… lại trở thành vấn đề không chính xác”, ông Thịnh thông tin.
Thêm vào đó, hình thức vay theo thẻ tín dụng có lãi suất cho vay tương đối cao do ngân hàng đã tính rủi ro mất vốn hoặc rủi ro tín dụng trong mức lãi suất đó. Việc cho vay không đúng với quy định của một số ngân hàng đang đi ngược với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, các ngân hàng phát hành thẻ không đúng quy định sẽ đối diện với nhiều rủi ro lớn, mặc dù có thể tính lãi suất tương đối cao và các yếu tố khác với người vay để tính và các yếu tố khác đối với người vay để tính vào việc giảm thiểu hoặc bù trừ rủi ro cho khoản tín dụng mà họ cấp, PGS – TS Thịnh nói.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, hiện nay, các ngân hàng cho phép chủ thẻ tín dụng được phép chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân thông thường tại ngân hàng mở thẻ tín dụng, hoặc tài khoản mở tại các ngân hàng khác với lãi suất "ưu đãi" không phải chịu lãi suất và phí cao khi rút tiền từ máy ATM (rút tiền từ thẻ tín dụng phải chịu lãi suất 18% trở lên/năm cộng với phí 4,4% phí rút tiền). Theo đó, chủ thẻ chỉ cần liên hệ với tổng đài của ngân hàng yêu cầu chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại ngân hàng khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng.
Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng, lãi suất 1,69%/tháng (gần 20,3%/năm), thấp hơn nhiều so với vay nóng bên ngoài hoặc từ các công ty tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng sai phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính?
Nhận định rủi ro lớn của các ngân hàng cho vay theo thẻ tín dụng là mất vốn, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay, xét các yếu tố vay nợ và cho vay trong nền kinh tế, rõ ràng các khoản vay nêu trên sẽ tác động đến nguồn vốn và tính cạnh tranh trong cho vay của nền kinh tế. Điều này cũng dễ làm bùng phát cạnh tranh cho vay không lành mạnh và có thể gây tổn hại đối với hệ thống tín dụng.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng cho biết, Ngân hàng có thể bị xử lý phạt hành chính số tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng căn cứ theo Điều 15 Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Hoặc, phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm cấp tín dụng dưới hình thức khác khi chưa được NHNN chấp thuận.
Bàn về kẽ hở của hình thức vay theo thẻ tín dụng, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc cho vay theo thẻ và xử lý thẻ thuộc thẩm quyền của các doanh nghiệp cho vay. Do vậy, rủi ro lớn nhất nằm ở phía ngân hàng.
“Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp, ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ nên phải có quá trình phát sinh phát triển và có cả việc vỡ nợ, phá sản,… theo đúng luật định. Có lẽ đây là lỗ hổng lớn nhất”, ông Thịnh phân tích.
Ngược lại, Luật sư Trần Minh Hùng lại cho rằng, hiện nay chưa có quy định nào cụ thể cấm các ngân hàng cho phép chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang một tài khoản khác.
Thông thường việc này do các ngân hàng tự quy định để kiểm tra mục đích vay của người vay, đây là cơ sở để ngân hàng lợi dụng để cho vay. Tuy nhiên, hình thức này không phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để tránh các NHTM lách luật
Thực trạng một số ngân hàng thương mại lách luật cho vay qua thẻ tín dụng, mời gọi người dân mở thẻ tín dụng, phê duyệt hạn mức cho vay rồi chuyển hạn mức đó vào tài khoản cá nhân thay thế cho việc phê duyệt một khoản vay thông thường, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định điều này làm ảnh hưởng tới thị trường, không phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
“Do vậy, NHNN sẽ kiểm tra và có phương án thích hợp xử lý đối với từng tổ chức tín dụng vi phạm”, ông Hùng khẳng định.
Để khắc phục những rủi ro từ hình thức vay theo thẻ tín dụng, ông Đinh Trọng Thịnh đề xuất các quy định về phát hành thẻ, cho vay theo thẻ, độ bảo mật khi cho vay qua thẻ,… từ các ngân hàng cần phải tiếp tục hoàn thiện. Phía doanh nghiệp phát hành thẻ cũng cần có những quy định bắt buộc đăng ký mở thẻ. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý có căn cứ giám sát đến việc mở thẻ, tránh vô tội vạ.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, việc xem xét mức vay và kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay của từng ngân hàng. Nếu có mức vay quá lớn, không đủ cơ sở đảm bảo cho các khoản vay thì phía nhà quản lý cần phải đưa ra cảnh báo. Đồng thời, phải có cơ chế quản lý nghiêm khắc để bảo vệ cả hệ thống tín dụng; pháp luật phải hoàn thiện các quy định trong cơ chế phát hành thẻ cũng như cho vay theo thẻ sẽ là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn việc các ngân hàng lách luật. Vì thế, các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ tín dụng không đúng hoặc cho vay không đúng với yêu cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoặc người phát hành thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho khoản vay của mình, chịu lỗ vốn theo kinh tế thị trường.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng, NHNN cần tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của các NHTM liên quan đến thẻ tín dụng, để chấn chỉnh hình thức cho vay này và có các hình thức phương án xử lý đối với từng tổ chức tín dụng vi phạm.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, sở dĩ một số NHTM cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng là do các ngân hàng này có thị phần thẻ thấp. Để cạnh tranh thị phần thẻ với các ông lớn, các ngân hàng này triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng vay tiền từ thẻ tín dụng với lãi suất "ưu đãi", không phải chịu lãi suất và phí cao ngất ngưởng khi rút tiền từ máy ATM (thông thường, rút tiền từ thẻ tín dụng phải chịu lãi suất 47,88%/năm cộng với phí 4,4%). Việc các ngân hàng lợi dụng cho vay qua thẻ cho thấy, bản thân các ngân hàng này đang cạnh tranh trực tiếp với các công ty cho vay tiêu dùng mà không cần chứng minh năng lực tài chính. Bởi theo quy định, người có nhu cầu vay tiêu dùng tín chấp thường phải chứng minh việc làm, thu nhập ổn định, năng lực tài chính trả góp hằng tháng… mới được các tổ chức tài chính tiêu dùng hoặc ngân hàng chấp nhận cho vay.
Việt Nguyễn