Cấm di chuyển từ vùng dịch – phản ứng chính sách cần thiết

Giải pháp cấm di chuyển từ vùng dịch đòi hỏi phải xử lý được hai vấn đề sẽ được đặt ra ngay lập tức: An toàn dịch bệnh cho những người bị cấm di chuyển về quê - An sinh cho những người này. Muốn làm được vậy trong bối cảnh dịch bệnh, ngoài trách nhiệm trước tiên của các chính quyền địa phương nơi dịch đang bùng phát thì sự trợ giúp của chính quyền Trung ương là rất cần thiết.

5-1627870026.jpeg
Người dân rời khỏi vùng dịch về quê, nguy cơ mang theo dịch bệnh rất lớn.

Nội dung quan trọng nhất trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ chiều ngày 31/7/2021 là: “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)”. Đây là một phản ứng chính sách hết sức cần thiết. Phản ứng chính sách này sẽ giúp xử lý được bốn vấn đề rất lớn mà đất nước đang phải đối mặt.

Trước hết là vấn đề dịch bệnh lây lan. Hàng nghìn, hàng vạn người rời khỏi vùng dịch về quê, nguy cơ mang theo dịch bệnh. Đặc biệt là trong điều kiện dịch COVID-19 đang hoành hành,  biến chủng Delta có thể lây lan qua không khí và với tốc độ rất nhanh. Dịch bệnh từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh vùng động lực kinh tế Nam bộ có thể theo đoàn người di tản mà lây lan ra cả nước.

Thứ hai là vấn đề rủi ro, cực nhọc của hàng ngàn, hàng vạn người dân di tản về quê. Do các phương tiện giao thông công cộng bị cấm để phòng chống dịch bệnh, người dân đã phải vượt hàng trăm, ngàn cây số trên những phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp, thậm chí bằng cách đi bộ. Trong lúc đó, các địa phương - nơi những người dân di tản phải đi qua đều đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, cho nên không ai có điều kiện để hỗ trợ cho họ chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ám ảnh cả xã hội là cảnh khốn khó của những người dân cùng với con nhỏ nằm ngủ vạ vật ngoài đường, ngoài bụi.

Thứ ba là vấn đề khó khăn, tiến thoái lưỡng nan của các địa phương. Mục tiêu đón người từ vùng dịch về để phòng chống dịch bệnh là xung đột với nhau. Nếu để dịch bệnh lây lan thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, thì khuyến khích là không tiếp nhận người từ vùng dịch về. Nhưng nếu không tiếp nhận đồng bào của mình, thì đạo lý lại không cho phép. Sự tiến thoái lưỡng nan này làm cho nhiều địa phương đã không thể phản ứng một cách nhanh chóng và mạch lạc.

Thứ tư là vấn đề tâm trạng xã hội. Cảnh khốn khó của những người dân rời khỏi các địa phương vùng dịch cộng với sự phản ứng thiếu nhất quán, thiếu mạch lạc của các địa phương có liên quan đã gây ra một tâm trạng xã hội thật sự không lành mạnh, nếu không muốn nói là bất an.

Giải pháp cấm di chuyển từ vùng dịch chắc chắn sẽ giúp xử lý một lúc cả bốn vấn đề nói trên. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi phải xử lý được hai vấn đề sẽ được đặt ra ngay lập tức: An toàn dịch bệnh cho những người bị cấm di chuyển về quê; An sinh cho những người này. Đây trước hết là trách nhiệm của các chính quyền địa phương nơi dịch đang bùng phát. Nhưng sự trợ giúp của chính quyền Trung ương là rất cần thiết. Bởi vì rằng, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ khó có đủ nguồn lực. Điều chuyển nguồn lực từ các địa phương có dịch bệnh ít cấp bách hơn là rất quan trọng ở đây. Mà như vậy thì chính quyền Trung ương phải có đủ thẩm quyền để làm điều này. Hàm ý chính sách quan trọng ở đây là: Nếu trong hoàn cảnh bình thường, phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết, thì trong tình trạng khẩn cấp như dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát hiện nay thì phải tập quyền cho Trung ương.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=440786

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin