Cải cách thể chế cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

17/05/2023 19:55

Với gần 50 bài tham luận và các ý kiến phát biểu tham luận, trao đổi trực tiếp, nhiều tác giả vừa có tri thức khoa học, vừa đắm mình với thực tiễn của nền kinh tế địa phương nên có rất nhiều đề xuất, kiến nghị có chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Đó là phát biểu của ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức tại Hà Nội, sáng 16/5.

1-1684300941.jpg

TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững đã và đang trở thành xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Quan điểm lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Đảng ta vẫn là kế thừa xuyên suốt, phát triển và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội Đảng.

Đặc biệt, quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng được khẳng định toàn diện, đó là: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ...

Theo TS Trần Doãn Tiến, sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra, đó là việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý...

Phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với cải cách thể chế quyết liệt

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cụ thể, năm 2023, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023) với dự kiến khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Việc triển khai các chính sách về thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã đạt kết quả tích cực. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng); năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng); năm 2022 là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang theo dõi tình hình thực tế để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

2-1684300964.jpg

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng, nguồn lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay, đó là cần phải đẩy mạnh việc cải cách thể chế, xoá bỏ những rào cản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển.

“Chính phủ đang kiên định, bền bỉ, quyết liệt và thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trong cải thiện thể chế. Nhưng so với yêu cầu đòi hỏi nhanh và bền vững đòi hỏi quá trình này phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và việc này cần phải làm thường xuyên với quyết tâm mới, mục tiêu mới cũng như cách làm mới”, ông Hiếu nêu giải pháp.

Nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển, ông Khuất Mạnh Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn TKV khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp, các đơn vị trong Tập đoàn đã tích cực triển khai đổi mới cơ cấu lao động, thực hiện các giải pháp nhằm tinh gọn tổ chức, bộ máy, hợp lý hóa quy trình sản xuất, từng bước đưa tỷ lệ lao động giữa các khối về mức hợp lý. Nhờ đó, nguồn nhân lực của Tập đoàn đã có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao, khuyến khích, mở rộng cơ hội học tập, nâng cao trình độ... Cùng với đó, tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương cho người lao động, quan tâm các chế độ hỗ trợ, bổ sung chính sách ưu đãi theo thâm niên làm việc.

3-1684300964.jpg

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, xây dựng dân cư, xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, những năm qua, Binh đoàn 15 đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế quốc phòng, khai thác, sử dụng nguồn lực sẵn có, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết, để bảo đảm việc làm và thu nhập cho nhân dân trong vùng, cùng với 2 sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, binh đoàn từng bước mở rộng thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất, đời sống, đào tạo nghề, đóng góp nguồn lao động chất lượng cao, thu dung, điều trị, khám chữa bệnh... Thường xuyên tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%.

Từ hiệu quả kinh tế, Binh đoàn 15 có điều kiện hỗ trợ kinh phí để nâng cao hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng, hoạt động phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác dân vận và an sinh xã hội. Với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững, diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển

Từ góc độ của các địa phương, một số tham luận tại Hội thảo của lãnh đạo tỉnh như Khánh Hoà, Bắc Giang… đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp; phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại; đề xuất các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu;...

4a-1684300964.jpg

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng

Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh, thời gian qua, Bắc Giang đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết vùng, khẳng định được vai trò động lực trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng GRDP 10 năm gần đây của tỉnh tăng bình quân 13,7%/năm, trong đó năm 2022 đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước. Hết năm 2022, quy mô GRDP của tỉnh vươn lên đứng thứ 13 cả nước.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, để phát triển bền vững cần phải có quy hoạch tốt và quy hoạch này phải chuẩn xác, được quản lý thật tốt. Cùng với đó, cần phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ việc phát triển chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. “Mỗi địa phương phải tính toán để phát huy được lợi thế riêng, cùng đó là đẩy mạnh việc liên kết vùng của các tỉnh Bắc Trung, Bộ Duyên Hải Nam, Trung bộ cũng như liên kết cùng với các tỉnh Tây Nguyên”, ông Tuân nói.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển

4-1684300964.jpg

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng, Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Với quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, thách thức.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận các ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những thành tựu kinh tế Việt Nam; quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển nhanh, bền vững đất nước từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nội dung thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ hơn về những tiềm năng, nguồn lực của đất nước; chỉ ra những cơ hội để Việt Nam tận dụng được thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị và địa phương để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền về phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Bạn đang đọc bài viết "Cải cách thể chế cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin