Ngoài hàm lượng khí nitơ, hàm lượng kim loại crôm vượt giới hạn cho phép, vẫn còn hai yếu tố chưa được công bố là Hiđro sunfua (H2S) và Xyanua.
Ngày 26/4, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa có kết quả phân tích các mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An và cửa biển Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) vào thời điểm cá lồng nuôi ở khu vực này chết hàng loạt.
Bảng kết quả đo đạc các mẫu nước ở đầm Lập An cho thấy, kết quả các thông số về Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH 4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) đã vượt giới hạn cho phép.
Kết luận ban đầu nhận định khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
[caption id="attachment_139481" align="aligncenter" width="410"]
Bảng kết quả đo đạc các mẫu nước ở đầm Lập An cho thấy, kết quả các thông số về Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) đã vượt giới hạn cho phép[/caption]
Trước những phân tích trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 27/4, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho biết: "Kết quả công bố trên của Sở TN&MT Thừa Thiên Huế vẫn chưa phân tích đầy đủ các thông tin, theo tôi, còn thiếu khí H2S và chất Xyanua.
Theo chỉ số NH4 tôi nhìn thấy, mức này là khá cao khi tăng gấp 3 lần so với mức cho phép, gây độc cho cá. Nhưng chất xyanua mới là chất độc nguy hại, nó từng được sử dụng làm phương tiện đánh bắt bằng cách tác động lên hệ thần kinh của cá và như liều thuốc an thần khiến việc đánh bắt dễ dàng hơn.
Ngoài ra hai chất độc nhất khiến cá có thể đột tử đó là thủy ngân và chì, nhưng không làm chết cá mà gây độc cho người ăn. Tuy nhiên, yếu tố chính gây ra cá chết hàng loạt thời gian vừa qua, theo tôi là do H2S, chất độc như xyanua, yếu tố chưa được phân tích".
Dựa theo kết quả phân tích trên, dự báo nguyên nhân, ông Tề vẫn giữ nguyên quan điểm ngay từ ban đầu ông đã khẳng định, đây chắc chắn phải là nguồn xả thải cực độc, gấp 50-70 lần chỉ số cho phép. Ngày 3/3/2016, ông đã đề nghị Hà Tĩnh phân tích nguồn xả thải, 2h/lần những vùng nghi ngờ ô nhiễm, chưa làm thì cá đã chết.
"Để thấy trong bảng phân tích các chất có trong nước, hai yếu tố quan trọng nhất thì chưa có kết luận. Trong khi, được biết, Formosa nhập rất nhiều chất tẩy rửa đường ống, nếu sử dụng hóa chất trên, sẽ tạo điều kiện cho khí H2S tăng lên, vì rửa bằng axit sẽ có lưu huỳnh nên sinh ra loại chất cực độc trên.
Nghi ngại của người dân là việc hóa chất tẩy rửa đường ống nguy hiểm là hoàn toàn đúng. Đặc biệt, thiếu oxy sẽ nhanh chóng sinh ra H2S. Càng xuống dưới sâu càng tác động mạnh, trên mặt nước có thể 0,4 nhưng xuống dưới 20-30cm sẽ nhiều hơn", ông Tề chỉ rõ.
Chất độc tạo nên vùng biển chết
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, một chuyên gia thủy sản khác xin giấu tên cho biết: "Chúng ta không chỉ phân tích 1 hay 2 chỉ tiêu, tự mình chủ quan áp đặt, chỉ nhằm phân tích chỉ tiêu đó thì sẽ không kết luận chung được.
Tôi không biết Thừa Thiên Huế phân tích bao nhiêu chỉ tiêu, trong nước có NH4 và Crom, thông thường, người ta dự đoán có bao nhiêu chỉ tiêu độc, thì người ta phải phân tích bấy nhiêu chỉ tiêu, trong đó cái nào vượt mức cho phép thì đưa ra kết luận, hoàn chỉnh hơn.
Tôi chỉ đặt câu hỏi kết luận này đã đầy đủ hay chưa? Hơn nữa, nếu dựa trên hai số liệu trên, sẽ suy đoán ra được rất nhiều, khí Ni tơ có một gốc Axit nitric, khi tác động với các yếu tố ngoài môi trường, sẽ sinh ra khí NH4.
Như vậy, chắc chắn là do chất xả thải của nhà máy nào đó, có chứa gốc axit được xả thẳng ra môi trường biển, nhiễm ra nước và theo dòng hải lưu tràn ra các khu vực khác.
Vì nếu muốn xúc rửa đường ống phải cho axit đậm đặc làm lỏng tất cả các chất dơ bẩn quanh đường ống, rồi thải ra môi trường với lượng axit dư rất nhiều, chính axit dư không xử lý thải ra sẽ gây hại môi trường".
Mặt khác, vị chuyên gia trên chỉ rõ, để xác định được nguyên nhân cần dùng máy dò độ cứng chắc của bê tông trong xây dựng, rồi tìm đường ống nước thải ở khu vực nào dưới đáy biển, bắt đầu từ đâu, từ đó, sẽ phát hiện đường ống xả thải có đi vào xử lý trước khi xả hay có một nhánh khác thải thẳng ra môi trường mà không xử lý.
Trong khi, đã có thợ lặn chết ngay dưới biển, thì cần lấy mẫu đất ngay cửa đường ống, tìm dưới nước chỉ trong phạm vi 300m sẽ thấy được đường ống xả thải đó. Đặc biệt, cá bây giờ vẫn chết, thì nên vớt những con cá vừa chết, lấy mẫu mang, mẫu dạ dày phân tích bằng đó chỉ tiêu giống như mẫu đất.
"Những gì chúng ta nhìn thấy, đó là cá chết hàng loạt, nhưng hệ quả còn nguy hại hơn nhiều, thức ăn của cá là phù du động vật, thức ăn của phù du thực vật cũng chết theo, những loài này chết trước cá, từ đó sẽ biến vùng biển này thành vùng biển chết. Còn lại tồn dư bao lâu thì phải dựa trên chất độc", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Bao Datviet