'Bốn mùa, trời và đất': Quan sát và suy tưởng

18/03/2017 17:35

Cuốn sách chia thành hai tập: "Bốn mùa" (1938) và "Trời và Đất" (1942), hai tập tản văn quan trọng trong sự nghiệp của Márai Sándor, một bậc thầy trong thể loại đoản văn.

Tác phẩm được viết trong thời kỳ nhà văn đã bước vào tuổi tráng niên, với tâm tư lắng dịu, sự từng trải và đầy tràn của kinh nghiệm sống cũng như trải nghiệm viết văn.

Bốn mùa gồm 12 chương, đặt theo tên của mười hai tháng trong năm, tuần tự nêu lên những trải nghiệm của nhà văn mà ông cho là phù hợp với các tiết khí trong năm: Đông – Xuân - Hạ - Thu. Bằng con mắt quan sát tinh tế, cẩn trọng, Márai Sándor đã viết nên những đoạn văn ngắn đầy thơ mộng, và chiêm nghiệm sâu sắc về vạn vật của đất trời.

Trời và Đất gồm ba phần: Trời và đất, Ars Poetica (Nghệ thuật thơ ca), Muối và Tiêu. Mượn ẩn dụ về con người sống giữa cao và thấp, hiện hữu và tinh thần, Márai khắc họa và lý giải những ranh giới tinh vi của đạo đức, những biến chuyển về tâm lý, cảm xúc của con người, qua nhiều thời điểm, và những triết lý nghề nghiệp quan trọng nhất của một đời cầm bút, qua đó tác giả đề cao giá trị tinh thần bền vững, sự kiến tạo một thế giới bằng tri thức, suy tưởng và tâm hồn rộng mở.

 Nhà văn người Hungary Márai Sándor.
Nhà văn người Hungary Márai Sándor.)

Trong những vấn đề nêu ra ở trên, có lẽ vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là tình yêu. Ở đây, Sandor đã có sự liên tưởng cực kỳ thú vị: "Trong tình yêu, việc hành xử 'tự nhiên' cũng khó khăn chẳng khác gì trong nghệ thuật. Cảm xúc và khao khát chỉ lên tiếng trong những ngôn ngữ hình thức nhất định".

Márai Sándor cũng chia sẻ những suy nghĩ vô cùng đẹp đẽ, nên thơ và đầy trải nghiệm về tình yêu giản dị, dịu dàng mà mỗi người trong đời có khi vì những đắm say vội vã rất khó để nhận ra: “Hãy yêu rất bình thường và hiền dịu, yêu hơi vô tư, như ta hít thở, hay như ta sống vào một ngày thứ Ba, khi “không có chuyện gì xảy ra”.

Tôi không còn mong muốn cái cách người ta yêu nhau như trong màn hai của một vở opera, khi cả dàn kèn đều tấu lên, khi những chùm đèn màu sáng hết công suất, và những nhân vật chính được một ngàn pengo mỗi tối. Hãy yêu anh như một chuyện riêng tư không quá quan trọng, không cần chú ý. Như thế, có thể rồi anh cũng sẽ để ý đến em”.

Đọc tập tản văn của Márai Sándor, độc giả yêu văn chương cũng có cơ hội tìm thấy chân dung văn chương đặc sắc của những tên tuổi vĩ đại của văn học châu Âu và thế giới, từ F.Villon, W.V.Goethe, F.R. Chateaubriand, W.Shakespeare, C.Baudelaire, S.Freud, M.Rilke, G.Flaubert, A.Gide… cho tới những thiên tài của dân tộc Hungary như Arany János, Vörösmarty Mihály, Sandor Petőfi… và những nhà văn đương thời như Maurice Maeterlinck, L.F.Céline, Ibsel…

Ông hình dung về họ không giống bất cứ một chân dung nào của các nhà nghiên cứu. Márai gặp gỡ con người thực của các nhà văn, chỉ thông qua nhân cách bộc lộ trên tác phẩm, tình yêu nghề nghiệp, con mắt nhìn cuộc đời và cái đẹp; những chân dung do ông viết là tính cách và thành tựu sinh động, xác thực.

Tác giả tự nhận rằng, ở tuổi của ông, con người “không còn cay nghiệt và nóng vội, muốn gìn giữ và cứu vớt”. Sống cho thực tại, “vì không có hạnh phúc nào khác, chỉ có sự tìm tòi, chấp nhận và hiểu biết thực tại”.

Những dòng ông viết về nhà văn Krúdy Gyula cũng đặc trưng cho chính ông: “Krúdy không cho một ai vào 'trong cuộc', vào những bí mật trong thế giới của ông. Ông phớt lờ độc giả, phớt lờ thế giới. Với chủ ý trong sáng ấy, kết cục chỉ có thể là căn nhà một tầng ở Óbuda này. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể đạt được. Đó là sự thật”. Và đó cũng là Márai.

 Tác phẩm Bốn mùa, trời và đất của nhà văn Hungary Márai Sándor.
Tác phẩm Bốn mùa, trời và đất của nhà văn Hungary Márai Sándor.)

Không chỉ được đắm chìm trong những suy nghiệm về thiên nhiên và con người, trong Bốn mùa, trời và đất, tác giả còn bày tỏ những trăn trở cũng như quan niệm của bản thân về nghề viết, nghề mà ông dành cả cuộc đời để dấn thân và hiến mình.

Márai dành hẳn một mục riêng để bàn luận về vấn đề này. "Hãy đến thật gần điều anh định nói. Hãy nhìn thật gần, từ mọi phía. Hãy cầm lên, xem xét bằng kính lúp, ngửi, nếm, sờ nắn. Và khi đã biết tất cả về nó, hãy quẳng đi và quên nó đi. Sau đó mơ về nó. Và rồi viết về nó". Mỗi ngày đều viết. Suy nghĩ thật tận tụy nhưng viết thật cao sang.

Đã là người viết thì việc đọc cũng là một việc vô cùng quan trọng. Tác giả cũng chia sẻ cách đọc của mình, sao cho hiệu quả.

“Đọc thôi không đủ. Đọc lại - theo tất cả những chuyên gia - là quan trọng nhất.

Và cần đọc lại, không chỉ những cuốn sách mà ký ức về nó mờ nhạt dần hoặc lần đọc đầu tiên của chúng ta không hiểu kỹ; phải đọc lại cả câu, danh từ, tính từ nhằm xác định một điều gì đó vĩnh viễn trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Muốn được hiểu đúng. Điều đó diễn ra từ từ, chậm rãi và phức tạp gần như trong cuộc đời”

Bốn mùa, trời và đất không chỉ cho độc giả thấy tài văn của Márai Sándor, mà còn tái hiện lại một đất nước Hungary với vẻ đẹp tráng lệ mà não nùng của cuộc sống, đồng thời từ ấy làm toát lên một tình yêu cuộc sống mãnh liệt của một tâm hồn đa cảm.

Đây là một cuốn sách phải đọc chậm, thật chậm, và đọc đi đọc lại. Một cuốn sách mà bạn có thể mang theo bên mình, suốt trong năm, trong đời mình, để thỉnh thoảng lật giở ngẫu nhiên đôi trang sách, để đọc, rồi ngâm ngợi. Một cuốn sách dài về cuộc đời, và thực sự có thể đọc nó cả cuộc đời.

Márai Sándor, nhà văn Hungary duy nhất được xếp trong số những nhà văn lớn nhất Châu Âu thế kỷ XX, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Di sản của Eszter, Những ngọn nến cháy tàn, Thị dân… Cũng là người đã chủ động kết thúc đời mình bằng một phát súng lục vào năm 1989. Một năm sau khi mất, Márai Sándor được trao Giải Kossuth (Giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật của Hungary).

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "'Bốn mùa, trời và đất': Quan sát và suy tưởng" tại chuyên mục Xem - Đọc - Ngẫm. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin