Chủ đầu tư BOT phải lấy người dân làm mục tiêu để phục vụ, nhưng phải là đại đa số người dân, chứ không phải một nhóm người dân.
Chiêu bài của chủ đầu tư
Sau khi, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT và khẩn trương đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2016.
Cùng với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ GTVT đàm phán với các nhà đầu tư, giảm 10-20% phí BOT trên một số tuyến cao tốc. Sau những động thái này, một số tuyến đường, chủ đầu tư cũng đã đề xuất giảm phí, nhưng chỉ giảm cho xe cỡ lớn.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/8, bà Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Vừa qua, vấn đề chênh lệch trong báo cáo thu phí BOT đã được làm rõ ở tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho thấy kẽ hở của việc quản lý, gây thất thoát cho nhà nước.
Thời gian qua, cử tri cũng kêu rất nhiều về việc giá đấu thầu BOT quá đắt, nghĩa là suất đầu tư đường cao tốc quá cao, làm cho dân chịu thiệt.
Trong khi, mục tiêu lấy chất lượng cuộc sống vì dân phục vụ, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh Chính phủ là kiến tạo, phục vụ, tức là phải lấy người dân làm mục tiêu để phục vụ, nhưng phải là đại đa số người dân, chứ không phải một nhóm người dân.
Cho nên, việc giảm phí BOT cũng đề nghị thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, đề xuất của Bộ Tài chính.
[caption id="attachment_145966" align="aligncenter" width="410"]
Xe tải đóng tiền qua trạm thu phí trên quốc lộ 5[/caption]
Đối tượng giảm phải lấy người dân là chính, doanh nghiệp cũng là người dân nhưng chỉ là một phần, mục tiêu hướng đến phải là đa số người dân. Việc giảm phí cần phục vụ làm sao để người dân được hưởng lợi một cách hợp lý, tức những người tham gia giao thông với lượng xe tham gia lớn.
Trong lượng xe tham gia đó có một phần biển xanh của nhà nước, chi bằng tiền ngân sách thì đó cũng là tiền của dân đóng thuế, nên phải áp dụng tất cả đối tượng toàn dân, chứ không phải một số xe trọng tải lớn".
Bên cạnh đó, bà An hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, lượng xe tải trọng lớn từ trước đến nay cũng không lựa chọn tuyến đường cao tốc để sử dụng, nên việc giảm phí BOT cho dòng xe này cũng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu của chủ đầu tư.
Thậm chí đây chỉ là chiêu bài để chủ đầu tư kêu gọi, thu hút các dòng xe này sử dụng với mức phí thấp.
Chính vì thế, đề nghị Bộ chủ quản chính là Bộ GTVT phải vào cuộc, thực hiện đúng, chỉ đạo rõ ràng. Nếu không làm được thì yêu cầu chủ đầu tư công bố, công khai lượng xe tải trọng lớn là bao nhiêu trong tỷ số nói chung của toàn bộ lượng xe qua lại.
Đơn giản là các xe trọng tải lớn họ có đường khác để chọn, vì không quá sát sao chuyện thời gian di chuyển, còn xe nhỏ cần đi nhanh thì "bắt chẹt" họ bằng phí.
Mặt khác, bà An cũng nhắc đến việc, các chủ đầu tư làm đường BOT chủ yếu sử dụng vốn của Ngân hàng, trong khi, số tiền đó là tiền của người dân gửi, ngân hàng kinh doanh một lần thông qua lãi suất cho vay, giờ đến nhà đầu tư BOT kinh doanh lần nữa thì sẽ đẩy mức phí đội lên cao.
"Trong khi, tất cả đều là tiền của dân đóng thuế, mà chủ trương tiêu một đồng đóng thuế của dân cũng phải hiệu quả. Vay thì dân phải trả, thế hệ chúng ta không trả, thì con cháu phải trả, dù dưới hình thức nào. Làm gì có chuyện chủ đầu tư lấy tiền xây đường, rồi lại thu tiền phí của dân quá đắt", bà An chỉ rõ.
Về việc giám sát, theo bà An, nếu như Quốc hội chưa hoàn thiện được thì Mặt trận Tổ quốc hãy vào cuộc. Câu chuyện minh bạch việc thu phí BOT là rất cần thiết, tránh việc thiệt hại cho dân, không được để cho chủ đầu tư có điều kiện để lách luật.
"Cùng với đó, trên cơ sở những năm vừa rồi, phải tính toán, minh bạch ra số tiền thu được từ xe trọng tải lớn là bao nhiêu, trên tỷ số chung tiền thu được, là sẽ biết ngay vì sao họ lại giảm cho dòng xe này.
Đây là bài toán hoàn toàn có lời giải. Sau đó, yêu cầu phải giảm tổng thể các dòng xe, chứ không phải được quyền lựa chọn loại hình giảm phí", bà An nhấn mạnh.
Phải giám sát công khai, minh bạch
Bàn về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, giảm phí hay không giảm phí thì Bộ Tài chính, Thanh tra phải vào cuộc xem xét mức phí đang thu là cao hay thấp.
Đây là vấn đề mà Bộ Tài chính phải vào cuộc sát sao, chỉ đạo làm sao để người dân có lợi, nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho chủ đầu tư.
Giải thích cho việc chủ đầu tư giảm mức phí cho các xe tải trọng lớn, ông Phương nói: " Theo chỉ đạo của Chính phủ là giảm gánh nặng phí cho cả người dân và doanh nghiệp, có lẽ họ quan tâm đến doanh nghiệp trước.
Vừa qua, với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có kẽ hở đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước mỗi ngày lên tới 500 triệu, đặc biệt là làm tăng thêm phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.
Vì thế, lực lượng kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Bộ Tài chính phải vào cuộc xem xét, cân đối giữa đầu tư xây dựng với mức chi phí để tính toán, sắp xếp, điều chỉnh lại mức phí".
Riêng việc giám sát, theo ông Phương, Quốc hội sẽ không trực tiếp giám sát bằng những hành động cụ thể mà Quốc hội có chủ trương, có Nghị quyết của Quốc hội để giám sát. Sau đó, Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng như kiểm toán, tài chính, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội sẽ làm rõ vấn đề này.
Chắc chắn rằng, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề đó, đã có nội dung đưa vào chương trình giám sát thì các vấn đề liên quan tới BOT sẽ được làm rõ, minh bạch để từ đó lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Hơn nữa, trong vấn đề BOT, ngoài việc báo cáo không trung thực về số thu phí thì còn một điểm mà cử tri cũng như ĐBQH rất quan tâm đó là gian lận trong quá trình lập dự án. Có thể, dự án đó đã được nâng khống lên, chính vì thế nên yêu cầu phải kéo dài thời gian thu phí.
Cùng quan điểm, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Việc giảm phí BOT là bài toán kinh tế, nên phải bảo vệ quyền lợi của cả chủ đầu tư làm sao có lãi và quyền lợi của người dân.
Muốn làm được thì phải công khai, đầu tư cái gì, làm con đường mới dân có được hưởng lợi hay không. Phải công khai đầu tư bao tiền, thu bao nhiêu lâu thì hoàn vốn mà vẫn có lợi, chia tiền như thế nào cho từng dòng xe, đó là bài toán phải minh bạch".
Theo Bao Datviet