Bổ sung “lá cây Khat” vào danh mục chất ma túy

Thời gian gần đây, lá cây Khat bị lạm dụng như một chất ma túy trong khu vực Đông Nam Á và tại Việt Nam, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng vận chuyển lá cây này.

Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP.

Theo cơ quan soạn thảo, tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng. Tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ta đã xuất hiện nhiều chất ma túy mới nhưng chưa được quy định trong danh mục kiểm soát dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý các đối tượng liên quan gặp rất nhiều khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý.

Thời gian gần đây, lá cây Khat bị lạm dụng như một chất ma túy trong khu vực Đông Nam Á và tại Việt Nam các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng vận chuyển lá cây này. Thành phần chính có chứa trong lá cây Khat là cathinone, chất ma túy được quy định tại Danh mục I, Nghị định số 82/2013/NĐ-CP. Vì vậy để có căn cứ xử lý các vụ việc trên, Bộ Công an đề xuất bổ sung “Lá cây Khat” vào danh mục các chất ma túy.

Lá cây Khat bị lực lượng Hải quan phát hiện (ảnh: theo baohaiquan.vn)
Lá cây Khat bị lực lượng Hải quan phát hiện (ảnh: theo baohaiquan.vn))

Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị bổ sung 13 chất ma túy được Ủy ban kiểm soát ma túy thế giới đưa vào danh mục kiểm tra tại phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy năm 2016 và 2017; bổ sung 6 chất ma túy mới được Viện Khoa học hình sự giám định, phát hiện. Đồng thời, bổ sung 233 chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp (theo thống kê của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc UNODC).

Hiện nay, các chất ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều, số lượng các chất hướng thần mới được Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc ghi nhận trên 600 chất xuất hiện ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện chưa quy định trong Danh mục kiểm soát của Công ước quốc tế.

Đặc biệt thời gian gần đây tại khu vực Đông Á nổi lên tình hình lạm dụng các chất ma túy tổng hợp mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp, trong đó có 6 chất ma túy mới do Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giám định năm 2016. Các chất ma túy thuộc nhóm này có tác dụng kích thích thần kinh mạnh, nhiều chất khi sử dụng gây ảo giác. Các đối tượng khi lạm dụng các chất ma túy này bị kích thích, hoang tưởng, rất manh động, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ thảm sát nghiêm trọng.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đồng thời có chế tài xử lý đối với các chất ma túy mới này, Bộ Công an bổ sung các chất hướng thần thuộc nhóm cần sa tổng hợp vào danh mục chất ma túy.

Dự thảo Nghị định này đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ ban hành.

Theo PL&XH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin