Bế mạc Phiên họp thứ 32 UBTVQH: Cần làm rõ tiêu chí nào để xóa nợ thuế

Với tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, nhiều đại biểu cho rằng xóa nợ thuế là công việc có tính chất thường xuyên, tuy nhiên, muốn xóa nợ thuế thì phải làm rõ tại sao phải xóa nợ, tiêu chí nào để xóa nợ thuế.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ Ba mươi hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ Ba mươi hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Chiều 13/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh năm dự án luật, một dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2019 tới; đồng thời hoàn thiện dự thảo bốn nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vừa qua do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32. Vì vậy, phiên họp tháng Tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (dự kiến từ ngày 10-19/4).

Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng Tư chưa đến một tuần. Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng Năm tới.

Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (gọi chung là nợ đọng thuế).

 

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về việc xây dựng Nghị quyết của QH về xử lý nợ đọng thuế. Theo đó, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng (bao gồm nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi, tiền phạt vi phạm hành chính thuế…).

Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của QH về xử lý nợ đọng thuế, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của QH và Chính phủ đối với việc quản lý nợ thuế; xử lý tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng; xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu ngân sách do người nộp thuế thực tế đã phá sản nhưng không thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế chưa có quy định xóa nợ khoản tiền thuê đất nộp hàng năm, nên việc xóa nợ đối với tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai. Tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thì không có quy định xóa nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Do đó, hiện nay tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp bị phá sản đã xóa các khoản nợ thuế theo Luật Quản lý thuế, song khoản nợ tiền thuê đất không thuộc đối tượng xóa nợ vẫn đang còn tồn tại.

Làm rõ tại sao phải xóa nợ, tiêu chí nào để xóa nợ thuế

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng, trong những năm qua, QH đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Quản lý thuế và các đạo luật khác về thuế dẫn đến việc thay đổi các các chính sách thuế.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để giải quyết các vấn đề về nợ thuế tồn đọng trong thời gian dài. Hàng năm, bên cạnh việc có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đăng ký tham gia hoạt động kinh doanh, cũng có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất khả năng thanh toán, hoặc ngừng kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc có nhiều trường hợp do chủ doanh nghiệp tư nhân do bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không được xóa nợ do không đảm bảo các điều kiện được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành. Đồng thời, do các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh còn lỏng lẻo, việc phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, cấp phép đăng ký kinh doanh chưa thực sự hiệu quả dẫn đến việc có rất nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, sau đó lại đăng ký thành lập doanh nghiệp mới cũng là nguyên nhân gây nợ đọng thuế lớn. Vì vậy, nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017.

Các Ủy viên UBTVQH khẳng định sự cần thiết phải có Nghị quyết và cho biết, việc thu thuế, xử phạt, xóa nợ thuế là công việc có tính chất thường xuyên, quốc gia nào cũng vậy. Tuy nhiên, các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đều là khoản thu của ngân sách nhà nước. Khi xóa nợ thuế phải hết sức thận trọng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đã đề cập đến ngân sách nhà nước, tài sản công thì mọi hoạt động phải công bằng, công khai, minh bạch. Do vậy, muốn xóa nợ thuế thì phải làm rõ tại sao phải xóa nợ, tiêu chí nào để xóa nợ thuế.

Có ý kiến UBTVQH cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của người nộp thuế và trách nhiệm của người quản lý thuế, trách nhiệm của chính quyền liên quan đến công tác thu thuế. Qua đó rút ra bài học, giảm tỷ lệ nợ thuế ở mức thấp nhất, trong giới hạn cho phép, tăng cường công tác quản lý thuế, kiên quyết chống gian lận, trốn thuế, chây ì thuế.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/be-mac-phien-hop-thu-32-ubtvqh-can-lam-ro-tieu-chi-nao-de-xoa-no-thue-290006.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin