Bầu cử Quốc hội khóa XIV: Làm sao để bầu ra những Đại biểu tiêu biểu và xứng đáng?

(Pháp lý) - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 - Chủ nhật 22-5-2016. Các cơ quan chức năng đang khởi động những bước đi ban đầu cho lộ trình bầu cử. Làm thế nào để bầu chọn được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân là câu hỏi lớn…

>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa

>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử

Những ý kiến thiết thực và thẳng thắn

“Cùng với thành công đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016” - ngày 4/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nêu rõ.

[caption id="attachment_137173" align="aligncenter" width="410"]Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa II (1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa II (1960)[/caption]

Để thực hiện chỉ thị của Tống Bí thư, chuẩn bị cho công tác bầu cử, các địa phương đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngày 24-2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Phó chủ tịch MTTQVN , ông Nguyễn Văn Pha cho biết, trong hồ sơ ứng cử phải có bản kê khai tài sản. Ông Pha thông tin, bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình, trong đó có tài sản, phải chịu trách nhiệm về bản kê khai đó. "Không phải kê khai xong rồi là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung bản kê khai đó. Nếu có khiếu nại tố cáo của cử tri về người đó thì Mặt trận sẽ yêu cầu xác minh theo đúng quy trình pháp luật", ông Pha cho hay.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Hoàng Thám mong muốn giảm 50% đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, vì không đủ thời gian tham gia Quốc hội. "Họ đã quá nhiều việc. Nếu giảm được 9 người (trong cơ cấu 18 người) ở Chính phủ thì chuyển sang đại biểu Quốc hội chuyên trách, hoặc thêm cho khu vực mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó, cần có cơ chế để tăng thêm, lựa chọn được những người tự ứng chế", ông Thám nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng vì đại biểu khối hành pháp có nhiều việc phải giải quyết hàng ngày nên có những buổi họp Quốc hội ghế trống rất nhiều.

Tại hội nghị, ông Lù Văn Que đề nghị mở rộng số lượng đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức. Bởi theo ông, cơ cấu 35 đại biểu ngoài Đảng chỉ là định hướng, nếu phát hiện được nhiều trường hợp tiêu biểu hoàn toàn có thể đưa vào để dân bầu. “Nếu đại biểu ngoài Đảng chỉ 35 thì Quốc hội toàn đảng viên, không cẩn thận người ta nói Quốc hội là hội nghị đảng viên mở rộng. Tôi cho rằng điều này chưa hợp lòng dân”, ông Que nói.

Bà Hà Thị Liên thì mong muốn tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phải được đảm bảo, tránh tình trạng cả nhiệm kỳ “không có tiếng nói nào”.

Kết luận hội nghị hiệp thương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân năm 2016.

"Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cơ bản đồng tình số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội ở Trung ương là 198. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn thì nên tăng số lượng người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ, phân bổ đại biểu tôn giáo phù hợp. Về ý kiến tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại diện cơ quan hành pháp cần tiếp tục bàn thảo kỹ", ông Nhân nhấn mạnh.

Bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Cách đây 70 năm, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã diễn ra trong một tình thế hết sức khó khăn, nguy hiểm, “thù trong giặc ngoài”, tình trạng đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính phủ mới được thành lập còn non trẻ phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, quyết tâm phải giữ lấy chính quyền của nhân dân vừa mới giành được. Vì mất chính quyền là mất tất cả, dân tộc ta sẽ phải trở lại kiếp đời nô lệ.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Đồng thời để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân và tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.

[caption id="attachment_137174" align="aligncenter" width="410"] Một cử tri Đà Nẵng bị bệnh đi xe lăn đi bỏ phiếu bầu QH khóa XIII
Một cử tri Đà Nẵng bị bệnh đi xe lăn đi bỏ phiếu bầu QH khóa XIII[/caption]

Quốc hội khóa I đã thành công tốt đẹp, bầu ra được tổng số đại biểu là 403, gồm 333 đại biểu được bầu chính thức. Bắc bộ có 152 đại biểu, Trung bộ có 108 đại biểu, Nam bộ có 73 đại biểu và đặc thù có 70 đại biểu không thông qua bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh được 98,4% số phiếu bầu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam. Về thành phần xã hội có trí thức, nông dân, công kỹ nghệ gia, thợ thuyền, buôn bán. Về tuổi tác, từ 18 - 70 tuổi. Thời gian Quốc hội khóa I hoạt động kéo dài đến ngày 15-4-1960. Qua hơn 14 năm đầy thử thách, cam go, Quốc hội đã giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Thắng lợi của Quốc hội khóa I, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới ra đời khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa tổng tuyển cử" của Bác Hồ. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: "…Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”..

Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chiều 5/1/1946, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội đang mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: "Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung..." Hướng về phía cử tri Bác đã căn dặn: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình". Hướng về phía các ứng cử viên Bác nhắn nhủ: "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng"...

Năm 1953, trong các bài viết về “Thường thức chính trị” đăng trên báo Cứu Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”.
Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất của đại biểu Quốc hội. Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Các đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra, cho nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình…”.

Có thể tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử, về xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; về lựa chọn người đủ tài, đủ đức ra gánh vác việc nước, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân có giá trị cho đến tận hôm nay và mai sau. Phải quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, trong tình hình và bối cảnh hiện nay để bầu chọn ra được một Quốc hội xứng đáng là đại biểu cao nhất cho quyền lực của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Hà Thực

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin