Sáng 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của công dân năm 2016 của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết tình hình KN-TC của công dân năm 2016 có giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, việc khiếu kiện của công dân vẫn diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung. Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân trung ương có thái độ quá khích ngày càng gia tăng nghiêm trọng.
“Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân. Khi được nhắc nhở thì có thái độ bức xúc, thậm chí còn chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ” - ông Sáu cho biết.
Cũng theo Tổng Thanh tra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình KN-TC hiện nay như chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu kém, nhất là công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm… Đáng chú ý, có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không triển khai, để hoang hóa hoặc chuyển nhượng dự án thu lợi nên công dân bức xúc, khiếu kiện gay gắt. Dự báo tình hình KN-TC của công dân trong năm tới nhiều khả năng tăng trở lại và vẫn diễn biến phức tạp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh KN-TC như thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân.
“Ngoài ra còn có một chuyện rất đáng báo động, đó là sự can thiệp, chỉ đạo của quan chức. Có những vụ việc rất đơn giản, anh em giải quyết đúng thì lại có điện thoại can thiệp, chỉ đạo làm méo mó sự việc. Có khi một sự việc có tới ba trường phái chỉ đạo thì nghe trường phái nào? Đều to như nhau, tiềm lực, thế mạnh như nhau, nghe ông này mất lòng ông kia” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt nói.
• Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem xét lại kết quả xử lý vụ cảnh sát hình sự huyện Đông Anh “gạt tay trúng má” PV Quang Thế (báo Tuổi Trẻ).
“Việc này gây ồn ào trong dư luận, không chỉ cộng đồng mạng mà nhiều cán bộ cũng rất bức xúc. Thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, để sự việc nhỏ không biến thành việc to, không để gây ra dư luận hiểu nhầm thì chúng ta phải làm công khai và nghiêm minh” - bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị với những vụ việc “gây bão” dư luận thì bộ trưởng Bộ Công an, chủ tịch UBND TP Hà Nội, các ủy ban liên quan của Quốc hội phải có sự theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm minh để củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
Theo Tiền Phong, cùng ngày, bên lề cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết hiện lãnh đạo Bộ Công an đã thông báo cho ông về việc sẽ thanh tra lại toàn bộ vụ việc này, kể cả thanh tra sai phạm của chiến sĩ Công an huyện Đông Anh và thanh tra nội dung xử lý hành chính PV Quang Thế.
Theo Plo.vn