Sau hàng loạt động thái khiêu khích, vụ thử bom H mới đây của Bình Nhưỡng đang đặt bài toán khó cho các nước liên quan trong khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Cuối tuần qua, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố lần đầu tiên cho nổ thành công bom nhiệt hạch. Giới chức Bình Nhưỡng đã “bóng gió” hàng tháng nay về ý định "ra mắt" loại vũ khí này.
Các chuyên gia giờ đây đối mặt kịch bản từng là điều “không thể tưởng tượng nổi”: Triều Tiên có thể gây ra mối đe doạ hạt nhân “có thật” cho lục địa Mỹ.
Phản ứng trước sự kiện này, Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hôm 4/9 mô tả Triều Tiên là “mối đe dọa toàn cầu”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu trong một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an rằng Bình Nhưỡng đang “cầu xin chiến tranh”.
“Chúng ta đã nhân nhượng quá đủ rồi. Không còn cách nào khác”, bà Haley phát biểu trong khi các thành viên khác của hội đồng cũng đề xuất biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng. Đây là dấu hiệu để phán đoán xem bước đi tiếp theo của các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng địa chính trị này là gì.
Mỹ tăng sức ép
Cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump, được thể hiện trong nhiều tuần qua thông qua các nhân vật chủ chốt như Đại sứ Haley, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, là gây “áp lực tối đa” buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, thông điệp trên của Washington đang bị Tổng thống Trump làm "nhiễu sóng" khi cuối tuần qua, ông đăng một loạt dòng trạng thái thách thức trên Twitter, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân.
Tổng thống Mỹ không chỉ phê phán Trung Quốc thất bại trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, vẽ ra viễn cảnh về thảm họa chiến tranh thương mại khu vực mà còn chỉ trích chính phủ tự do mới ở Hàn Quốc về cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Triều Tiên. Những bình luận kiểu này khó mà giúp ích cho việc giải quyết khủng hoảng.
Phát biểu của ông Trump thể hiện rõ sự chia rẽ ở Nhà Trắng giữa một bên xem cuộc khủng hoảng là cơ hội gây áp lực cho Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, và bên còn lại theo đuổi chiến lược hiếu chiến truyền thống hơn, nếu không nói là "diều hâu", nhằm khuất phục tham vọng của Triều Tiên.
Trong khi đó, thông tin Tổng thống Trump có ý định rút khỏi hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc có thể phần nào lý giải cho những lời lẽ cứng rắn của ông với Seoul.
Phát ngôn mâu thuẫn, một “đặc sản” trong nhiệm kỳ thổng thống của Trump, đã phần nào che đậy sự thật rằng Mỹ không có nhiều lựa chọn khi đối đầu với Triều Tiên.
Bất chấp những lời lẽ dọa dẫm về "lửa và giận dữ" của Tổng thống Trump, không một ai ủng hộ hành động quân sự có thể khiến hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc bỏ mạng trong vòng vài giờ.
Trong tuần này, giới chức Mỹ sẽ tập trung vào việc tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế vốn đã rất khắc nghiệt đối với Bình Nhưỡng, như cấm xuất khẩu dầu sang Triều Tiên và hạn chế Bình Nhưỡng xuất khẩu lao động giá rẻ sang Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc và Nga: Tập trung giải pháp đối thoại
Hiện chưa rõ liệu Nga và Trung Quốc có ủng hộ các biện pháp trừng phạt như trên tại Hội đồng Bảo an hay không, mặc dù cả hai nước đều không đưa ra biện pháp trừng phạt nào mới vào hôm 4/9. Tuy nhiên, cả đại sứ Trung Quốc và Nga ở Liên Hợp Quốc đều nhấn mạnh rằng không phải trừng phạt mà ngoại giao và đối thoại mới là giải pháp thiết yếu làm dịu căng thẳng.
Tiêu điểm đang tập trung vào Trung Quốc, quốc gia bị Triều Tiên đặt vào tình thế khó xử. Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho đại hội Đảng quan trọng vào tháng 10, cuộc khủng hoảng ở nước “láng giềng” diễn ra đúng vào thời điểm tệ nhất.
"Trung Quốc đang bị dồn vào thế bí", Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bình luận. "Tôi lo ngại về điều mà Trung Quốc phải đối mặt trong khi chúng ta đang ở giai đoạn quyết định".
Giới phê bình Mỹ nói rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn nữa để gây sức ép lên Bình Nhưỡng, trong đó có việc cắt viện trợ kinh tế. Nhưng người Trung Quốc cho rằng cô lập thêm Triều Tiên chỉ càng thúc đẩy lãnh đạo Kim Jong Un có những hành xử khó đoán và gây bất ổn.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đều có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, họ lại mâu thuẫn về một loạt vấn đề khác, trong đó có bản chất của liên minh quân sự Mỹ - Hàn và các cuộc tập trận đang được tiến hành bởi Mỹ và các đồng minh ở những vùng biển gần Trung Quốc.
Hàn Quốc, Nhật Bản buộc phải tự lực hơn
Không quốc gia nào lo ngại về các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hơn các nước láng giềng là đồng minh của Mỹ. Đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, mối đe doạ hạt nhân từ Bình Nhưỡng dấy lên những hoài nghi mới về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.
Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định trên New York Times: “Nếu người Mỹ phải lựa chọn giữa San Francisco và Seoul, họ sẽ chọn San Francisco”.
Sau vụ thử hạt nhân, cả Nhật Bản và Hàn Quốc một mặt tìm kiếm tái cam kết từ Mỹ, mặt khác chuyển sang tăng cường năng lực quân sự của họ. Hàn Quốc nói sẽ tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa vào cuối tháng, với khả năng tấn công các khu vực hạt nhân và quân sự của Triều Tiên. Trong khi đó, bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đề cập đến phương án gây tranh cãi: tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, động thái mang tới nhiều rủi ro về chính trị và an ninh.
Mặt khác, lời chỉ trích của Tổng thống Trump về "sự nhân nhượng" của Hàn Quốc có vẻ không ảnh hưởng đến cuộc điện đàm 40 phút ngày 4/9 giữa ông và Tổng thống Moon Jae In. Qua trao đổi, hai nhà lãnh đạo tiếp tục cam kết "củng cố năng lực quân sự chung" và gây "áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng. Nhiều người Hàn Quốc hiện nay nhận ra rằng ông Trump, bất chấp tính cách khó đoán và bộc phát, vẫn là người mà Seoul có thể làm việc cùng.
"Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Hàn Quốc là một trong những nơi có tỷ lệ ủng ông Trump thấp nhất trên thế giới, họ không coi ông ấy là người biết điều", David Straub, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề Triều Tiên, cho biết. "Trên thực tế, dù cho rằng ông Trump là người gàn dở, họ (người Hàn Quốc) vẫn ủng hộ liên minh (Mỹ - Hàn)".
Triều Tiên tạo khủng hoảng, chia rẽ đối thủ
Trong năm qua, các nhà quan sát Triều Tiên tỏ ra khá bối rối về những động thái hiếu chiến của Bình Nhưỡng, có vẻ như đã vượt qua mục đích bảo đảm năng lực ngăn chặn hiệu quả trước một cuộc tấn công tiềm tàng. Đối với giới lãnh đạo Triều Tiên, kho vũ khí hạt nhân là con đường chính để đạt được sự công nhận trên toàn cầu.
"Sau khi quan sát việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân vào những năm 1960 và vượt lên 'chính sách thù địch và chủ nghĩa đế quốc' của Mỹ vào đầu thập niên 1970, Triều Tiên dường như tin rằng nước này có thể làm điều tương tự", chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân Joshua Pollack nhận định trên Washington Post.
Dù sao đi chăng nữa thì nửa thế kỷ sau, tình hình đã khác. Điều mà Bình Nhưỡng nhắm tới dường như là một cuộc khủng hoảng có tính toán nhằm chia rẽ các đối thủ của mình. Việc ông Trump chỉ trích Hàn Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt giữa Washington và Seoul, rất có thể sự rạn nứt sẽ không dừng lại ở đó.
Theo Zing