Bài 8: Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự

(Pháp lý) - Phần những quy định chung

Bố sung 5 nguyên tắc mới

Trong phần những quy định chung, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) đã điều chỉnh nội dung của 25 nguyên tắc trong BL TTHS năm 2003 cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trong đó, đã bổ sung 5 nguyên tắc mới nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); Bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).

Về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Chương III)

2Chương III - BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện những người tiến hành tố tụng (Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên (Điều 34); phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp với trách nhiệm và quyền hạn tư pháp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán (các Điều 36, Điều 37, Điều 41, Điều 42, Điều 44, Điều 45). Đồng thời, BL TTHS năm 2015 đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra (Điều 38); bổ sung quy định về những cơ quan khác và những cơ quan có thẩm quyền tố tụng; Đó là: quy định Cơ quan và Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (bổ sung cơ quan Kiểm ngư là cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra); đặc biệt quy định nhiệm vụ của Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, quyền hạn củacấp trưởng, cấp phó trong cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35, Điều 39).

Về người tham gia tố tụng

Ngoài những quy định về người tham gia tố tụng trong BLTTHS năm 2003, thì BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm 9 diện người tham gia tố tụng gồm: Người tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người chứng kiến; Người định giá tài sản; Người dịch thuật; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội.

Điều 55 BLTTHS năm 2015 còn chỉnh lý: “Người bị hại” thành: “Bị hại”; “Người phiên dịch” thành: “Người phiên dịch, người dịch thuật” “Người bảo vệ quyền lợi của đương sự” thành: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”.

BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền của tư cách tham gia tố tụng gồm:

Bổ sung một số quyền của người bị buộc tội (các Điều 58, Điều 59, Điều 60, Điều 61); Xác định đầy đủ diện của bị hại và bổ sung một số quyền của họ (Điều 62); Bổ sung một số quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (các Điều 64, Điều 65); Ngoài ra, Điều 66 BL TTHS năm 2015 đã sửa đổi quy định liên quan đến người làm chứng.

Về bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện người được đảm bảo quyền bào chữa là “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt” (Điều 58); BLTTHS năm 2003 có quy định về người bào chữa nhưng chưa đưa ra khái niệm cụ thể về người bào chữa thì BL TTHS năm 2015 đã nêu lên khái niệm cụ thể và bổ sung diện người được tham gia bào chữa là “Người trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”. Bên cạnh đó, Điều 72 - BL TTHS năm 2015 còn bổ sung quy định về bào chữa viên nhân dân và quy định người không được tham gia bào chữa khi tham gia vụ án đó với tư cách là “Người định giá tài sản”, “Người dịch thuật”.

Đổi mới quy định về cấp đăng ký bào chữa (Điều 78). Đặc biệt quy định mới về việc thông báo bào chữa, từ chối bào chữa hoặc hủy bỏ việc đăng ký bào chữa cho cơ sở giam, giữ người bị bắt, người bị khởi tố, truy tố; Các Điều 73, Điều 79, Điều 80, Điều 81, Điều 82 - BL TTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền theo quy định của pháp luật; Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng: Từ khi khởi tố bị can; trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật đối với các tội xâm phạm ANQG thì Viện trưởng VKS có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia từ khi kết thúc điều tra (Điều 74); Điểm mới nữa trong Chương V - BL TTHS năm 2015 là quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự (Điều 83).

Về chứng cứ và chứng minh

Quy định thêm về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc thu thập dữ liệu điện tử (từ Điều 99 đến Điều 107); Quy định chặt chẽ và chi tiết việc xử lý vật chứng (Điều 106).

Về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (Chương VII)

Các trượng hợp bắt đều được quy định cụ thể, gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 109); BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Khi có đủ 3 căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 110 thì được giữ người trong trường hợp khẩn cấp; thẩm quyền ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp được bổ sung: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng. Trong thời hạn 12 giờ từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ra Lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và gửi ngay Lệnh cùng hồ sơ, tài liệu để VKS cùng cấp phê chuẩn; Quy định cụ thể những việc cần làm ngay sau khi bắt người hoặc nhận người bị bắt (Điều 114); Quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam và rút ngắn thời hạn tạm giam (Điều 119, Điều 173); Sửa đổi nhằm tăng tính hiệu quả các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 121, Điều 122, Điều 123). Đồng thời, bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124) và các biện pháp cưỡng chế (Điều 126, Điều 130).

[caption id="attachment_183728" align="aligncenter" width="492"]Phạm Văn Tiến – một Giám đốc Công ty xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh bị cơ quan điều tra bắt giữ với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (ảnh minh họa) Phạm Văn Tiến – một Giám đốc Công ty xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh bị cơ quan điều tra bắt giữ với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (ảnh minh họa)[/caption]

Những điểm mới trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự

Về khởi tố vụ án hình sự (Chương IX)

BLTTHS năm 2015 đã bổ sung và quy định rõ các khái niệm về tố giác tội phạm; tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố (Điều 144); Quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 145, Điều 146); Sửa thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 147). Trong đó, Khoản 2, Điều 147 quy định: “Đối với các trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thời hạn giải quyết không quá hai tháng. Trường hợp chưa kết thúc việc kiểm tra, xác minh theo thời hạn nêu trên thì Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng”; Bổ sung việc ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 148); Trong Chương này, BL TTHS năm 2015 đã tăng cường trách nhiệm của VKS nhằm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội (Điều 159, Điều 160, Điều 161).

Về điều tra vụ án hình sự (Chương XVII)

BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ và cụ thể những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trung ương; Bổ sung và quy định cụ thể một số biện pháp điều tra như: Nhận biết giọng nói (Điều 191); định giá tài sản (Điều 215, Điều 222); Bổ sung các quy định về giám định như: Phân nhóm các vấn đề cần trưng cầu giám định; quy định về thời hạn giám định phù hợp với từng nhóm; xác định giá trị của kết luận giám định đối với việc giải quyết vụ án; giải quyết xung đột các kết luận giám định; bổ sung mới 8 điều luật để quy định các vấn đề cụ thể liên quan đến định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Chương XV); Bổ sung một số trường hơp tạm đình chỉ điều tra (Điều 229); BLTTHS năm 2015 đã luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong TTHS để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên tham gia (các Điều từ 223 đến Điều 227).

Về khái niệm “tự thú” và “đầu thú” trong tội phạm hình sự

Người “Tự thú” là người có hành vi phạm tội chưa bị phát hiện mà đã ra trình diện, tự nguyện khai báo về hành vi phạm tội của mình; Người “Đầu thú” là người có hành vi phạm tội hình sự, đã bị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng truy nã, truy tìm mà ra trình diện và tự nguyện khai báo về hành vi phạm tội của mình; Người tự thú và người đầu thú được hưởng các khoan hồng theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số điểm mới quy định trong phần những quy định chung và trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự của BLTTHS năm 2015. Mong bạn đọc quan tâm nghiên cứu, tham khảo.

Lê Hữu Hồng - Văn phòng Cơ quan CSĐT
(Nguồn: catp.danang.gov.vn)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin