Bài 5: Điều 165 BLHS 1999 được “hóa thân” thế nào trong BHLS 2015?

21/09/2017 11:49

(Pháp lý) - Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) đã được thay thế bằng nhiều tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Điều này có ý nghĩa quan trọng để tránh sự tùy tiện, tiêu cực trong áp dụng, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, không bỏ lọt tội phạm, không gây oan sai.

Cụ thể thành các tội danh khác…

Còn nhớ, tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, cho thấy điều 165 thường được dùng để xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào khi không đủ căn cứ để truy tố về một tội danh kinh tế cụ thể. Do đó, điều luật “chung chung” này đã tạo ra một mối nguy hiểm không đáng có cho môi trường kinh doanh.

Cho nên, khi bỏ điều 165, để xử lý được các hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, tránh bỏ lọt tội phạm, BLHS 2015 (sửa đổi 2017) đã cụ thể thành các tội danh hiện có trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (47 điều); đồng thời bổ sung 16 tội danh mới phát sinh từ cuộc sống thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

[caption id="attachment_183548" align="aligncenter" width="543"]Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị xét xử “Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo BLHS 1999 Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị xét xử “Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo BLHS 1999[/caption]

Các tội danh trong lĩnh vực kinh tế được BLHS 2015 cụ thể gồm: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội vi phạm các quy định về bán hàng đa cấp (217a) Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

Cùng với đó, BLHS 2015 đã bổ sung thêm 6 tội danh mới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình mới; cụ thể là:Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234). Việc phân loại như thế có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét, xử lý đúng người đúng tội trong quá trình đấu tranh với những loại tội phạm kinh tế.

Thêm căn cứ xử lý các vi phạm của người quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Việc cụ thể hóa các tội danh cụ thể như “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Điều 219 được xem là căn cứ quan trọng để xử lý các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Cụ thể, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là hành vi của người được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí. Tội này được thực hiện bằng lỗi cố ý. Hành vi vi phạm được xác định là cấu thành tội phạm khi gây thất thoát lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 triệu đồng hoặc dưới 100.000.000 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử lý vi phạm hành chính. Để truy cứu trách nhiệm hình sự với người vi phạm thì cần xác định rõ hành vi của người đó vi phạm quy định cụ thể nào của Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù đến 20 năm.

Một trong những tội danh mới được kì vọng sẽ xử lý được nhiều sai phạm trong đầu tư công, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, gây thất thoát lớn đó là tội danh quy định tại Điều 220 “Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, vi phạm này bao gồm vi phạm về quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư, vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư, vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình dự án gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu TNHS như BLHS quy định đồng thời phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Trong các tội danh cụ thể thay thế cho điều 165 (BLHS 1999), có một tội danh đáng chú ý khác là “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Vi phạm quy định về đấu thầu là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu gây thiệt hại tài sản cho người khác. Đây là lần đầu tiên nhà nước ta hình sự hóa các sai phạm của đấu thầu thành một tội danh riêng biệt.

Trong thực tiễn xã hội, để đảm bảo và phát huy vai trò của xã hội trong việc tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư… nhà nước huy động các cá nhân, tổ chức thực hiện dưới hình thức đấu thầu. Đã có nhiều căn cứ pháp lý xây dựng để đảm bảo hoạt động đấu thầu công bằng, khách quan và đúng mục đích. Việc bổ sung tội danh này, tạo cơ sở pháp lý xử lý sai phạm đến mức cấu thành tội phạm trong hoạt động đấu thầu tại các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, các dự án đầu tư hợp đồng đối tác công tư. Các hành vi vi phạm cụ thể như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định nhà nước về đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, có thể là chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu, tư vấn, giám sát… Chủ thể của tội này mở rộng hơn so với tội Cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tránh lọt người, lọt tội trong BLHS.

Vài băn khoăn khi áp dụng…

Trước đây, trao đổi với Phóng viên Pháp lý về việc BLHS năm 2015 đã bỏ Điều 165 và thay thế bằng các tội danh mới. Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Luật sư) cho rằng thay đổi này là cần thiết, nhưng chưa triệt để, vẫn có nguy cơ bỏ lọt tội phạm kinh tế. Ông Chuyền liệt kê: Cụ thể nếu có Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng có Tội vi phạm quy định về kiểm toán gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, nếu chỉ với các tội danh được ghi nhận thì Luật chưa lượng hóa được hết tình hình tội phạm.

Ngoài ra, ông Chuyền cũng cho rằng trên thực tế có nhiều hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khác. Ví dụ như việc quản lý các kho dữ liệu thông tin trên mạng, nội bộ đều có quy định quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên người quản lý lại không làm theo quy định để các hacker tấn công gây sập mạng, lộ bí mật quốc gia từ đó có thể chuyển tiền đi quốc tế, thu lợi. Thiệt hại lúc đó rất lớn, vậy có xử lý hành vi này theo tội cố ý làm trái được hay không?

[caption id="attachment_183547" align="aligncenter" width="479"]Nhiều vi phạm lãng phí tài sản nhà nước sẽ bị xem xét và xử lý hình sự bằng các tội danh mới trong BLHS 2015 (sửa đổi 2017) (ảnh minh họa về một công trình tiền tỉ gây lãng phí) Nhiều vi phạm lãng phí tài sản nhà nước sẽ bị xem xét và xử lý hình sự bằng các tội danh mới trong BLHS 2015 (sửa đổi 2017) (ảnh minh họa về một công trình tiền tỉ gây lãng phí)[/caption]

Đi vào phân tích sâu một số điều luật, Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng có rất nhiều tội danh sẽ làm khó cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt là luật sư – người luôn muốn tìm ra những luận điểm có lợi cho bị can, bị cáo. Ông Chuyền dẫn chứng về các tội danh như “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Điều 219; “Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 220. Luật sư Chuyền phân tích: Dưới góc độ của kinh tế thì việc quản lý tài sản nhà nước bao gồm cả việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào công trình và quản lý công trình khi hoàn thành. Từ lý luận đó, nếu trong thực tế có hành vi vi phạm liên quan đến một công trình của nhà nước, một mặt là quản lý nguồn vốn, một mặt là quản lý công trình nhưng thực chất vẫn là quản lý tài sản nhà nước. Vậy xét xử theo tội danh nào mới đúng? Trên thực tế nếu có vi phạm trong nhóm đầu tư xây dựng công trình sẽ xuất hiện trong các hoạt động kế toán, kiểm toán, đấu thầu… Nếu có công trình xây dựng, được đầu tư 1 tỉ nhưng kế toán làm sổ sách lên tới 2 tỉ để quyết toán. Vậy nên áp dụng “Tội vi phạm các quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” hay “Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 224 cho hành vi trên?

Luật sư Chuyền cho rằng, khi áp dụng các điều luật trên vào thực tế sẽ phát sinh tranh cãi khi tiến hành tố tụng. Điều này sẽ dẫn đến hạn chế là đôi khi cùng một hành vi, diễn biến và tính chất giống nhau nhưng ở các cơ quan tố tụng khác nhau vận dụng khác nhau. Có thể nói, các quy định trên chưa tạo ra tính thống nhất để tạo ra sự công bằng khi áp dụng. Thiết nghĩ, những băn khoăn trên của Luật sư Chuyền đối với quy định trong một số tội danh cụ thể cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm xem xét.

Vũ Anh Tuấn

Bạn đang đọc bài viết "Bài 5: Điều 165 BLHS 1999 được “hóa thân” thế nào trong BHLS 2015?" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin