(Pháp lý) - Cụm từ “công – tư” bắt tay nhau, “sân sau” của quan chức… có lẽ được nhắc đến nhiều trong năm 2018 vừa qua.
Năm 2018, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đưa ra ánh sáng nhiều “quan chức” thoái hóa, biến chất đã lộng quyền, bất chấp quy định pháp luật móc ngoặc với các cá nhân là chủ các doanh nghiệp tư nhân để trục lợi tài sản công, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Pháp lý xin “điểm mặt” ba vụ án gây bức xúc dư luận.
Hàng loạt quan chức của TP Đà Nẵng bị khởi tố vì liên quan đến Vũ “nhôm”
Hồi trung tuần tháng 9, dư luận cả nước rúng động trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Đào Tấn Bằng (43 tuổi, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP.Đà Nẵng, trú tại P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và ông Nguyễn Viết Vĩnh (40 tuổi, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TP.Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện trú tại P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) và tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Văn Cán (64 tuổi, nguyên Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, hiện trú tại P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) và ông Phan Xuân Ít (64 tuổi, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, hiện trú tại P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Các ông này đều bị khởi tố với cùng tội danh “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Đây là diễn biến tiếp theo trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại các dự án liên quan đến Vũ "nhôm" tại TP Đà Nẵng.
Trước đó, liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, hồi tháng 4/2018, Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành biện pháp tố tụng nhiều cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng. Theo đó, công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến đều là nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006-2011) về các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng bị khởi tố với hai cựu chủ tịch thành phố còn có một số lãnh đạo của sở, ngành ở thành phố này.
Các bị can là quan chức lâm vào vòng tố tụng, theo điều tra ban đầu là do có liên quan đến việc tham mưu, mua bán, chuyển nhượng, thẩm định giá... trái luật, gây thất thoát tài sản nhà nước đối với hàng loạt nhà công sản và các dự án liên quan đến Vũ "nhôm" mà Bộ Công an đang điều tra. Trong đó, ông Đào Tấn Bằng được cho là có nhiều "dấu vết" tham mưu trái luật liên quan đến đất, nhà công sản và dự án giao cho Vũ "nhôm".
Hàng chục nhà công sản, hàng chục lô đất vàng hoặc các dự án bất động sản mà các công ty của Vũ "nhôm" thâu tóm tại Đà Nẵng phần lớn ngay sau đó đã sang nhượng chóng vánh để hưởng chênh lệch, hoặc phân lô bán nền, trục lợi ngay lập tức. Các nhà đầu tư chân chính muốn "vào" được Đà Nẵng gần như phải "qua tay" Vũ nhôm thì mới được giao đất, dự án và chi phí đội lên gấp nhiều lần. Vũ "nhôm" làm được điều này đương nhiên là có sự trợ giúp đắc lực của các quan chức thoái hóa biến chất mà các cán bộ đã bị khởi tố là những mắt xích quan trọng. Tuy vậy, không chỉ ở Đà Nẵng, chiêu thức thâu tóm, mua rẻ nhà - đất công sản như của Vũ "nhôm" đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước.
Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM cùng nhiều quan chức bị bắt vì giao đất “vàng” cho doanh nghiệp sai quy định
Cũng liên quan đến Vũ “nhôm”, ngày 19/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Cùng bị bắt với cáo buộc trên là đồng phạm của ông Tín là nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM Đào Anh Kiệt (61 tuổi) và Trương Văn Út (Phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên TP HCM).
Động thái này của nhà chức trách nằm trong diễn biến điều tra các vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) xảy ra tại TP HCM.
Thời điểm là Phó Chủ tịch phụ trách đô thị của UBND TP HCM, tháng 6/2015 ông Tín được cho là ký quyết định giao khu đất công tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1) cho Công ty Bắc Nam 79 do Vũ Nhôm làm giám đốc. Trong đó, có nội dung yêu cầu công ty không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nửa năm sau, thành phố có văn bản công nhận Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ tại địa chỉ trên và hướng dẫn công ty liên hệ các sở ngành để thực hiện thủ tục triển khai dự án.
Tháng 5/2016, UBND TP HCM cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 tầng để làm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, căn hộ... Sau đó, UBND thành phố quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 chuyển mục đích sử dụng đất tại địa chỉ trên, hoàn thành quá trình giao đất cho công ty này. Quyết định này của TP HCM là không đúng theo quy định số 09 năm 2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Khu đất đã được bán chỉ định mà không qua đấu thầu. Ông Tín ký quyết định giao đất dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thời điểm này là Đào Anh Kiệt.
Cựu thượng tá quân đội mở công ty sân sau thao túng hàng loạt dự án BT, BOT
Theo cáo trạng của vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” , do Tòa quân sự Quân khu 7 xét xử Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc” - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) cùng đồng phạm. Theo đó, biết Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng phòng kinh doanh Tổng Công ty Thái Sơn đã trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư để đề nghị Ban Tổng Giám đốc cho thành lập pháp nhân mới. Pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ - con.
Tháng 9/2011, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là Tổng Giám đốc Công ty, người đại diện theo pháp luật.
Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của công ty con là của cá nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ.
Chính vì lấy danh nghĩa một công ty của quân đội, nên Út “trọc” đã dễ dàng thao túng rất nhiều các dự án BT, BOT như dự án đầu tư khôi phục, cải tạo QL20 – Lâm Đồng; Dự án BOT cầu Việt Trì và góp mặt ở một loạt dự án khác trong nhiều vai trò khác nhau như: Dự án nâng cấp và cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Nha Trang - Khánh Hòa theo hình thức Trái phiếu Chính phủ; thi công dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku; thi công dự án Tổ hợp thương mại - dịch vụ và văn phòng số 3 Trần Phú - Nghệ An...Tuy nhiên, sau khi thanh, kiểm tra các cơ quan chức năng đều phát hiện những dự án mà công ty sân sau của Út “trọc” tham gia đều có sai phạm. Và với những việc làm sai trái của mình, vị cựu thượng tá quân đội đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, khi phải nhận mức án 12 năm tù.
Hải Dương