Bà Merkel chưa có đối thủ xứng tầm

Ngày 24-9, cử tri Đức bắt đầu đi bầu Quốc hội liên bang. Đây có lẽ là kỳ bầu cử ít hấp dẫn nhất trong năm tại châu Âu, vì hầu như kết quả đã sớm được quyết định.

 Thủ tướng Merkel chụp ảnh với một phụ nữ Hồi giáo khi đi vận động tranh cử tại TP Stralsund ngày 16-9. Bà không ngại thể hiện tư tưởng cởi mở với các tôn giáo khác và người nhập cư - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Merkel chụp ảnh với một phụ nữ Hồi giáo khi đi vận động tranh cử tại TP Stralsund ngày 16-9. Bà không ngại thể hiện tư tưởng cởi mở với các tôn giáo khác và người nhập cư - Ảnh: Reuters)

EU đang cần một người mạnh mẽ, có uy tín cao trong khối lẫn kinh nghiệm để đảm đương vị trí “đầu tàu”. Liệu có ai thích hợp hơn Mutti?

Một nhà phân tích chính trị ở châu Âu

Đảng trung hữu Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel và đảng "chị em" của CDU tại bang Bavaria, Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), nhiều khả năng sẽ giành được nhiều phiếu nhất.

Như vậy, bà Merkel, hay "Mutti" như cách gọi thân thiết của người Đức, có thể tiếp tục giữ chức thủ tướng sau 12 năm trên cương vị này và sẽ vượt qua các vị tiền nhiệm là Konrad Adenauer và Helmut Kohl để trở thành người nắm giữ chức vụ này lâu nhất tại Đức.

Sợ mỗi đồng minh

Theo luật định, Quốc hội Liên bang Đức gồm tối thiểu 598 đại biểu, nên muốn giành được quyền lập chính phủ thì một đảng hay một liên đảng phải nắm hơn 300 ghế.

Trong kỳ bầu cử năm 2013, liên đảng CDU/CSU được 41,5% số phiếu hay 311 ghế - thành tích tốt nhất của họ từ năm 1990. Tuy vậy, họ vẫn phải liên minh với Đảng trung tả Dân chủ xã hội (SPD), được 25,7% phiếu hay 193 ghế, để có được ưu thế đa số trong Quốc hội. Đảng Dân chủ tự do (FDP) và Đảng quốc gia hữu khuynh AfD (Alternative fur Deutschland - Giải pháp khác cho nước Đức) không hội đủ 5% số phiếu tối thiểu theo luật định, nên không có được ghế nào.

Từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn vào cuối năm 2015, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel có bị giảm sút, trong khi đó Đảng cánh hữu AfD với chủ trương bài Liên minh châu Âu (EU), bài nhập cư phát triển khá nhanh. Năm 2016, AfD đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc bầu cử bang. Nếu trong kỳ bầu cử này họ giành được 9% số phiếu như dự đoán, tương đương 65 ghế, đó sẽ là một thắng lợi lớn.

Tuy nhiên, AfD khó có khả năng tạo bất ngờ do chưa có được một đường lối cụ thể về kinh tế - vấn đề then chốt trong các kỳ bầu cử Quốc hội liên bang. Hơn thế nữa, hiện nay phong trào đòi ra khỏi EU không còn rầm rộ như một năm trước đây tại Đức cũng như nhiều nước khác. Những vấn đề phức tạp mà nước Anh phải đương đầu sau Brexit khiến nhiều người ngần ngại, ít ra là trong giai đoạn này.

Sự đe dọa đối với bà Merkel có khả năng đến từ đồng minh hiện nay của mình - SPD. Không loại trừ khả năng SPD sẽ lôi kéo được hai đảng nhỏ là Đảng Tả và Đảng Xanh liên minh để giành quyền lập chính phủ.

Sau khi giữ chức chủ tịch SPD từ tháng 3 năm nay, ông Martin Schulz, nguyên chủ tịch Quốc hội EU, đã nổi lên như đối thủ chính của bà Merkel. Trong quá trình tranh cử, SPD tung ra chiến dịch đòi có thêm công bằng xã hội tại Đức để tranh thủ cử tri. Ông Schulz cũng phản đối gay gắt việc Thủ tướng Merkel muốn tăng chi phí quốc phòng lên mức 2% GDP, theo quyết định của cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Xứ Wales năm 2014.

Tuy vậy, theo phân tích của các nhà bình luận chính trị, ông Schulz vẫn chưa thể thuyết phục cử tri Đức là ông có thể làm tốt hơn bà Merkel trong trọng trách lèo lái đất nước.

 Thủ tướng Angela Merkel tự tin đi dự sự kiện ở Lauterbach ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Angela Merkel tự tin đi dự sự kiện ở Lauterbach ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS)

Nhờ kinh nghiệm tầm EU

Đức là nước đông dân nhất, có nền kinh tế lớn nhất trong khối EU, có ảnh hưởng lớn lao, nếu không nói là chi phối cả khối. Tuy nhiên, trong các kỳ bầu cử từ nhiều năm nay, cả ứng cử viên lẫn cử tri Đức chỉ quan tâm đến những chuyện nội bộ của họ.

Trong cuộc tranh luận duy nhất trên truyền hình ngày 3-9, khi đề cập đến quyết định mở rộng cửa đón người nhập cư và tị nạn vào tháng 10-2015 khiến gần 1 triệu người nhập cư tràn vào Đức và bà Merkel bị nhiều nước trong khối đả kích dữ dội, ông Schulz cũng chỉ nói nhẹ nhàng: "Sẽ tốt hơn nếu có sự tham gia của các nước láng giềng của chúng ta".

Trước đó, bà Merkel đã lên tiếng biện minh quyết định này của bà là một "ngoại lệ nhân đạo", không phải là một "chiến lược lâu dài", như một cách trấn an cử tri cũng như các nước trong khối. Quả thật từ cuối năm 2016, chính quyền của bà Merkel bắt đầu siết Luật nhập cư và tị nạn chặt hơn, cùng tỏ thái độ kiên quyết với những trường hợp bị bác bỏ đơn xin tị nạn.

Lợi thế của bà Merkel là tỉ lệ thất nghiệp chỉ 5,7% và sự phát triển ổn định của nền kinh tế Đức trong bối cảnh một châu Âu nhiều biến động. Đối với nhiều người Đức, với bản tính thận trọng vốn có, Thủ tướng Angela Merkel là một sự đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững.

Tất nhiên liên đảng CDU/CSU không thể làm tất cả hài lòng, nhưng đại đa số không cảm thấy Chính phủ Đức cần một sự cải tổ hay thay đổi triệt để nào.

Hơn thế nữa, trong môi trường sinh hoạt chính trị dân chủ và hệ thống pháp lý minh bạch tại các nước Bắc và Tây Âu nói chung, người ta không phải e ngại việc một người ngồi quá lâu trên cương vị lãnh đạo đất nước sẽ trở nên độc tài.

Kết quả thăm dò một tuần trước bầu cử cho thấy sự ủng hộ mà cử tri dành cho các đảng lớn giảm đi trong khi các đảng nhỏ tăng đáng kể. Liên đảng CDU/CSU được 37% người được hỏi ủng hộ. SPD được 20%. Đảng FPD được 9,5%, Đảng Tả (Die Linke) được 9%, Đảng Xanh được 7,5% . Riêng AfD được tới 12% cử tri ủng hộ.

Theo Tuoitre

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin