ADB tăng cường hỗ trợ các biện pháp chống rửa tiền

Được thành lập vào năm 1966 và có trụ sở đặt tại Manila (Philippine), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) luôn hướng đến hỗ trợ các quốc gia châu Á, với 66 thành viên gồm 47 nước trong khu vực và 19 nước khác trên thế giới.

7

Trong báo cáo thường niên 2018, Văn phòng Liêm chính và chống tham nhũng (OAI) thuộc ADB cho biết ADB đã và đang hỗ trợ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối phó với nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chương trình hỗ trợ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) bao gồm một khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD tư vấn quy trình nâng cao chất lượng các chính sách chống rửa tiền thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như ngân hàng, tổ chức tài chính và Chính phủ. Theo người đứng đầu OAI John Versantvoort, ADB là đối tác đáng tin cậy trong đấu tranh chống tham nhũng.

Năm 2017, ADB giúp Philippines nâng cao hiệu quả chính sách chống rửa tiền như ban hành luật kiểm soát hoạt động sòng bạc, tổ chức tập huấn cho giới chức địa phương. Với Mông Cổ, ADB hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật chống rửa tiền, quy trình thẩm định khách hàng. Với Bhutan và Papua New Guinea, ADB hỗ trợ vá lỗ hổng trong các chương trình AML/CFT cũng như tăng cường, cải thiện chính sách làm việc giữa hai nước.

Ngoài ra, ADB triển khai 41 khóa tập huấn cho các cơ quan kiểm toán, ủy ban chống tham nhũng, cơ quan hành pháp và tư pháp, các tổ chức thường xuyên có giao dịch tiền tệ giá trị lớn, các tổ chức phi tài chính, tổ chức xã hội và các đơn vị công của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trong nội bộ, OAI triển khai khóa học “Tôn trọng công việc và nói không với tham nhũng” dành cho 1.436 nhân viên với 51 buổi tập huấn nhằm cải thiện môi trường làm việc, một trong những chìa khóa giúp ADB đạt mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Theo Noichinh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin