(Pháp lý) - Tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” diễn ra hồi tháng 3, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện nay nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 64 nền kinh tế giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau. Thực tế này có ảnh hưởng gì tới sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta?
Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Võ Đình Đức.
Phóng viên: Ông có bình luận gì về thông tin trên?
Luật sư Võ Đình Đức: Theo tôi, thực tế hiện nay ở Việt Nam thực sự đang tồn tại một cách “Hiển nhiên và kỳ lạ” 64 nền kinh tế. Bản thân tôi cho rằng quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là chính xác và là thực tế cần sửa đổi gấp trong thời gian tới. Đặc biệt khi các hiệp định FTA và TPP đi vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế chúng ta. Bản thân tôi cho rằng 64 nền kinh tế hay có thể gọi là 63 nền kinh tế +1 đang tồn tại này đã để lại quá nhiều hệ lụy, rào cản cho sự phát triển chung.
[caption id="attachment_141032" align="aligncenter" width="336"] Thạc sỹ, Luật sư Võ Đình Đức[/caption]
Xuất phát từ thực tế hiện nay ở Việt Nam, tồn tại“tâm lý nền kinh tế tỉnh, chỉ số, thứ hạng tỉnh trong nền kinh tế cả nước ( +1)”. Mỗi tỉnh sẽ hình thành nên trong đó các mục tiêu kinh tế, thu hút đầu tư và rồi cạnh tranh nhau, tìm cách vượt mặt nhau trên mặt bằng kinh tế cả nước. Chính điều này một mặt đã thúc đẩy sản xuất trên phạm vi cả nước nhưng bản thân thị trường tiêu thụ đã bị bó hẹp và ngày càng hẹp hơn nữa. Song song với điều đó chất lượng sản phẩm, quyền lợi người tiêu dùng vô tình đã bị các nhà quản lý kinh tế, hoạch định chính sách các tỉnh bỏ quên bên các chỉ số và thứ hạng của mình.
Làm sao để bứt phá được nền kinh tế chung, xóa bỏ thực trạng nền kinh tế 63+1 trong khi khả năng kinh tế các tỉnh là có hạn, giới hạn vô hình về các mặt thị trường, đời sống kinh tế. Tính độc lập trong nền kinh tế mỗi tỉnh đã vô tình hình thành nên thực tế đất nước ta tồn tại một lúc thực trạng nền kinh tế “Kỳ dị” như ông Thiên đã đánh giá.
Việc tồn tại 64 “nền kinh tế độc lập” như hiện nay sẽ có những tác động thế nào đến nền kinh tế chung của đất nước ?
Như đã phân tích ở trên, việc tồn tại một lúc “Hiển nhiên và Kỳ lạ” 63 nền kinh tế +1 mang tính tích cực thì ít mà tiêu cực, hạn chế là quá nhiều và rõ ràng, không chỉ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế mà phần lớn chúng ta đều nhìn thấy được. Đến một lúc nào đó, thực trạng kỳ lạ này sẽ đẩy chúng ta vào sự “khủng hoảng thừa mà thiếu”, bởi vì sao:
Các nền kinh tế “Tỉnh” luôn tìm mọi cách để đưa nền kinh tế tỉnh mình đi lên, vượt qua các tỉnh khác mà không có bất cứ một mối liên kết, quy hoạch chung nào. Mạnh ai người ấy làm, kèm theo tâm lý không thể thua tỉnh bạn được đã dẫn đến tình trạng các tỉnh tìm mọi cách để phát triển. Như chúng ta đã biết, để phát triển kinh tế, một tổ chức, doanh nghiệp có rất nhiều cách để cạnh tranh khác nhau như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, kêu gọi đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi, nâng cao năng suất lao động, hạ chi phí sản xuất…… Với bản thân tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất hay hạ giá thành sản phẩm không nên nhắc đến ở đây. Vậy, hạ giá thành sản phẩm hay còn gọi là “Hạ giá để kêu gọi đầu tư” đã được các tỉnh vận dụng và áp dụng rất khác nhau => Độc lập trong nền kinh tế.
Thực tế như PGS.TS Thiên đã nói, đó là cạnh tranh cùng chết, cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta đã thiếu đi các chiến lược dài hạn mang tính liên kết chung giữa Vùng, miền và các nền kinh tế tỉnh. Chính điều đó đã làm lãng phí đi nguồn lực kinh tế, lợi thế vô cùng lớn của chúng ta thời gian qua và giai đoạn sắp tới nếu không sớm chuyển đổi.
Ví dụ: Trong cuộc thi chạy mang tính quốc tế, Việt Nam có 5 vận động viên cùng tham gia trong cuộc thi và cùng một nội dung chạy. Cuộc đua có sự tham gia của tất cả các nước trên thế giới. Thay vì 5 vận động viên của chúng ta liên kết và chạy theo chiến thuật để một trong số 5 người về đích thành công, nhưng thực tế thì cả 5 người cắm đầu chạy riêng lẽ để rồi bị vượt qua và thất bại mặc dù chúng ta rất có tiềm năng.
Trạng thái “kỳ dị” 63 tỉnh, 63 nền kinh tế hiện nay có vẻ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, vậy theo ông, nhiệm vụ trước mắt là gì để từng bước xóa bỏ trạng thái “kỳ dị” này?
Thực trạng này không thể giải quyết một sớm một chiều là điều đương nhiên và các nhà quản lý cũng đã nhìn thấy nhưng đang thực sự bế tắc và thiếu chiến lược. Nói thế không có nghĩa là không thể chuyển đổi nếu chúng ta thực sự quyết tâm, theo tôi là chúng ta làm được, sẽ làm được khi có sự dịch chuyển theo hệ thống, từng bước xây dựng chiến lược mang tính thống nhất, dài hạn cho cả nền kinh tế.
Trước hết, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế có hạn, nguồn lực kinh tế có hạn nói chung của cả nước và các tỉnh nói riêng.
Tập trung tối đa, hiệu quả từng nguồn lực một cho mục tiêu liên kết, từng bước xây dựng “nền kinh tế thị trường đúng nghĩa”. Nói thế có nghĩa chúng ta đang cố gắng xây dựng nền kinh tế thị trường chứ chưa đi vào guồng quay của đặc trưng nền kinh tế thị trường.
[caption id="attachment_141033" align="aligncenter" width="410"] 64 nền kinh tế độc lập đang trở thành rào cản khiến nền kinh tế đất nước khó phát triển[/caption]
Xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế tỉnh bằng mọi giá, hạ giá để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược kinh tế dài hạn cho tổng thể nền kinh tế, liên kết vụng thực sự và quy định có tính chung nhất về thu hút đầu tư, phân bổ đầu tư mang tính “Vùng” và “miền” chứ không được mang tính “Kinh tế tỉnh”. Mới đây nhất, Chính phủ đã quy hoạch phát triển tới năm 2020 cho các tỉnh miền núi phía Bắc để hình thành nên 3 sân bay ở 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, theo tôi điều đó là không nên. Thay vì thế chúng ta quy hoạch chung sẽ mang lại nhiều lợi ích mang tính chiến lược hơn cho vùng và cả nền kinh tế.
Cuối cùng là phát huy hết mọi khả năng, vai trò định hướng quản lý, phân bổ mang tính trọng tâm của các nhà quản lý kinh tế quốc gia. Đẩy mạnh sự phân công – hợp tác trong nền kinh tế. Bởi bản chất của nền kinh tế thị trường là Phân công – hợp tác trên cơ sở phát triển chung.
Các tỉnh độc lập với nhau về quyền lực điều hành và lợi ích, trên cả hai tuyến quản lý hành chính và ngân sách. Về mặt quản lý nhà nước, hầu như chỉ tồn tại mối liên hệ “dọc” trung ương – địa phương. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mối liên hệ dọc này tạo thành cốt lõi của cơ chế “xin-cho”. Điều này có mâu thuẫn gì không khi nhiều năm qua, chúng ta đang ra sức “xóa bỏ” cơ chế “xin – cho” ?
Thực tế, chúng ta đã phần nào xóa bỏ được rất nhiều cơ chế xin cho, cơ chế cũ kỹ của nền kinh tế tập trung, bao cấp trước kia nhưng vẫn không thể bứt phá lên được.
Nền kinh tế muốn phát triển được còn phụ thuộc vào các yếu tố con người, khoa học kỹ thuật, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là cả chính sách nói chung nữa. Ở đây, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mối liên hệ dọc này tạo thành cốt lõi của cơ chế “xin-cho” phần nào xuất phát từ sự quản lý, từ chính các chính sách kinh tế thiếu tính nhất quán và lâu dài. Chúng ta chỉ mới nhìn được những thứ trước mắt mà thiếu đi tầm nhìn mang tính chiến lược, mang tính lợi ích chung. Xây dựng được tinh thần dân tộc, tính chung trong quản lý và cơ chế kinh tế chúng ta sẽ tự bỏ được cơ chế xin - cho này.
Chính cơ chế “xin – cho” đã tạo nên những “lợi ích nhóm”. Vì vậy, để xóa bỏ được “lợi ích nhóm” thì cần những biện pháp cụ thể nào, thưa ông?
Theo tôi, chúng ta có thực sự muốn xóa bỏ hay không mới là điều quan trọng. Bởi từ trước tới nay có quá nhiều biện pháp được đưa ra, được áp dụng nhưng vẫn đâu vào đấy.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng các biện pháp đó chưa được áp dụng đúng cách hoặc sử dụng một cách triệt để. Để xóa bỏ được cơ chế “Xin – cho” để từ đó xóa bỏ “Lợi ích nhóm” trước hết cần hiểu rõ, hiểu đúng trọng tâm phát triển hành chính – kinh tế như thế nào. Phát triển vì cái chung, mọi cái riêng đều đi tới một mục đích chung là đời sống kinh tế nhân dân, lợi ích dân tộc lên hàng đầu.
Để xóa bỏ được lợi ích nhóm, theo tôi cần từng bước một xây dựng vững chắc một nền kinh tế thị trường có tính tự chủ cao ở nước ta hiện nay, đồng thời chính điều đó cũng sẽ là tác nhân xóa bỏ đi tình trạng kỳ dị 64 nền kinh tế như hiện nay.
Trước hết cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng kinh tế độc lập nhưng thiếu tập trung, phân chia nhưng không có trọng điểm như hiện nay.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế xuất phát từ lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân và Nhà nước cùng phát triển tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích của anh, của tôi. Chỉ số tỉnh này hơn tỉnh kia. Chú tâm xây dựng kinh tế trọng điểm đi kèm các chính sách thu hút đầu tư nhất quán, kiểm tra quản lý chứ không xin cho.
Ngoài ra còn nhiều biện pháp khác được các chuyên gia đã phân tích cũng như tôi đã nêu ở phần trên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Trang – Hoài Anh