Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành "người truyền lửa" với các doanh nhân trong một hội nghị quan trọng cùng các doanh nghiệp sáng nay tại TP. HCM.
Lần này thì nói doanh nghiệp thiếu giấy này, mai lại nói thiếu giấy kia...
Vấn đề rườm rà trong thủ tục hành chính làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp là một vấn đề rất nóng trong hội nghị sáng nay (29/4).
Các doanh nghiệp từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều cảm thấy đây là một trong những rào cản.
Điều đó đã được đặt ra một cách thẳng thắn trong hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ sáng nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải đáp những thắc mắc này của các doanh nghiệp.
Ông Tuấn Anh cho biết, năm 2016 đã cắt bỏ 10 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính, từng bước cải thiện những tồn tại hành chính cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là doanh nghiệp chưa thực sự có một môi trường phát triển thuận lợi.
Tình trạng phí chồng phí, bao nhiêu thể loại thanh tra kiểm tra và các thủ tục hành chính rườm rà gây mất thời gian, tiền bạc và sự phiền hà cho doanh nghiệp.
"Lần này thì nói doanh nghiệp thiếu giấy này, lần khác lại nói doanh nghiệp thiếu giấy kia. Như thế sẽ gây phiền hà, mệt mỏi cho doanh nghiệp. Cần phải giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con và những thủ tục, những loại phí bất hợp lý", Thủ tướng chỉ đạo
Ông Chủ tịch tốt, nhưng ông Sở, ông huyện không ổn thì cũng không xong
Chống quan liêu, tham nhũng, loại bỏ thái độ hạch sách nhũng nhiễu gây khó cho doanh nghiệp là một yếu tố được Thủ tướng nhấn mạnh với các Bộ trưởng tại hội nghị.
"Vấn đề là các cấp, các ngành đồng lòng thực hiện. Chứ giờ ông Bí thư tốt, ông Chủ tịch tốt nhưng ông Sở, ông huyện không ổn thì cũng không xong. Mà vấn đề lại đang nằm ở mấy ông đó", Thủ tướng nói.
Ông nói, các Bộ trưởng đã cam kết, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết, thì phải hành động. Sau đó đến các địa phương phải hành động, vì một nền kinh tế phát triển, vì một Việt Nam phải nằm trong danh sách các nước đứng đầu khu vực trong tương lai gần.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Bài học từ quán cà phê Xin chào được một đại biểu đặt ra sáng nay như một rào cản giữa luật pháp hiện hành, người thực thi và doanh nghiệp.
Câu chuyện làm nóng dư luận mới đây đã trở thành một vấn đề được quan tâm, nằm trong những vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại, về việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu: Một số cán bộ do không nắm rõ pháp luật đã để xảy ra những oan sai, ảnh hưởng đến người dân, đến doanh nghiệp. Bộ Công an sẽ ngăn ngừa, xử lý kịp thời những sai phạm của ngành triệt để nếu để xảy ra tình trạng này.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và ngành Công an không có chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Công an góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nên không thể để xảy ra một số vấn đề gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thủ tướng xem vấn đề luật pháp đang là một tồn tại có thật ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh với các điểm như luật chậm so với thực tế, thậm chí cùng một điều luật nhưng mang đến nhiều cách hiểu khác nhau.
"Chủ trương là không hình sự hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm. Ví dụ như xả hóa chất gây hại cho môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, cần phải xử lý", Thủ tướng nói.
Cam kết và hành động luôn chứ không phải "làm lễ hội" rồi xong
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của Hội nghị với sự cam kết cùng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thuận lợi và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển của các Bộ trưởng sáng nay.
"Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, quyền kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế lâu dài. Không để kẻ xấu phá hoại doanh nghiệp, tạo một môi trường phát triển hòa bình", Thủ tướng phát biểu.
Ông nhấn mạnh, đã cam kết là phải hành động luôn chứ không phải "làm lễ hội" rồi xong. Hành động vì một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mà các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm.
Đừng vô cảm trước đồng bào
Thủ tướng dành những tâm sự đặc biệt dành cho thế hệ doanh nhân trẻ, doanh nhân khởi nghiệp. Ông cho rằng, các doanh nhân trẻ, doanh nhân khởi nghiệp sẽ là những động lực lớn cho sự phát triển đất nước.
Trong những phát biểu của mình, Thủ tướng cho rằng khởi nghiệp không có nghĩa chỉ là một sự bắt đầu duy nhất, mà là có những người đang trên đỉnh cao, cũng nên tiếp tục có những khởi nghiệp tiếp theo, để tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Thủ tướng chia sẻ: "Tôi mong muốn Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nhân lớn mạnh, yêu nước, không vì lợi nhuận mà vô cảm trước nỗi đau đồng bào; không buôn lậu, trốn thuế làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây thiệt hại cho đất nước".
Theo Trithuctre