226 ứng viên đại biểu quốc hội khóa 14 là người ngoài Đảng

Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đến thời điểm hiện tại có 226 ứng viên là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 19,72%. Đại biểu quốc hội đương nhiệm tái tranh cử là 187 người, tỷ lệ 16,32%.

52

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo gửi đại biểu về tình hình, kết quả triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Theo Báo cáo số 86/BC-HĐBCQG ngày 29.3 của Hội đồng Bầu cử quốc gia về tình hình, kết quả triển khai công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tính đến 17 giờ ngày 13.3 đã có 1.012 hồ sơ của những người ứng cử ĐBQH khóa 14 gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, trong đó có 162 hồ sơ tự ứng cử.

Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã làm thủ tục chuyển và bàn giao hồ sơ của những người ứng cử ĐBQH về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Căn cứ kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh lần thứ nhất và phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu khóa 14 cho các cơ quan, đơn vị ở Trung ương là 198 đại biểu (39,6%), ở địa phương là 302 đại biểu (60,4%).

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã tiến hành giới thiệu người ra ứng cử và triển khai quy trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người được giới thiệu ứng cử.

Tính đến ngày 18.3 là thời hạn cuối cùng của việc hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người, trong đó Trung ương là 197 người; địa phương là 949 người với 154 người tự ứng cử ĐBQH khóa 14.

Trong tổng số 154 người tự ứng cử ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều có 48 người tự ứng cử ĐBQH. Đây là 2 thành phố có số lượng người tự ứng cử cao nhất nước.

Về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, người ứng cử là phụ nữ 420 người, tỷ lệ 36,65%, 240 người dân tộc thiểu số, chiếm 20,94%.

Có 226 ứng viên là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 19,72%. ĐBQH đương nhiệm tái cử là 187 người, tỷ lệ 16,32%.

Người ứng cử dưới 40 tuổi là 428 người, chiếm 37,35%.

Trong số 197 người ứng cử ở Trung ương thì khối cơ quan Đảng là 12 người (6,09%), khối cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp 5 người (2,54%) khối các cơ quan của Quốc hội có 113 người (57,63%), khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 17 người (8,63%).

Bộ Quốc phòng (gồm cả bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) là 15 người (7,61%), Bộ Công an (gồm cả bộ trưởng) là 3 người (1,52%), Kiểm toán Nhà nước 1 người (0,51%), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là 31 người (15,74%).

Trong số 197 người ứng cử ĐBQH nói trên có 29 phụ nữ, 17 người dân tộc thiểu số, tôn giáo 2 người, 7 người ngoài, tái cử 101 người và 6 người trẻ tuổi.

Báo cáo cho biết tính đến ngày 24.3, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo đã nhận được 24 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Qua nghiên cứu đã xác định có 22 đơn, thư có nội dung liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 1 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH thuộc diện do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, 1 đơn không liên quan đến bầu cử.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tất cả những người tự ứng cử đều được hoan nghênh nếu họ thực sự muốn đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển chung của đất nước. Những người được giới thiệu ứng cử cũng như người tự ứng cử đều không bị cản trở hay gây khó dễ gì nếu họ đều làm theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Theo Motthegioi

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin