Cuối tháng 1 vừa qua, Thái Sơn Hội, Câu lạc bộ thương gia hàng đầu Trung Quốc mà Jack Ma từng tham gia, đã tuyên bố giải thể.
Một số nhà phân tích cho rằng, tình cảnh của Jack Ma có nghĩa là chính quyền đang tấn công các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nhân tư nhân thấy được nguy cơ và cố gắng tự hạ thấp mình vì họ sợ trở thành Jack Ma tiếp theo. Truyền thông Trung Quốc từng viết, Phương Tây có Hội Tam điểm, Hội Đầu lâu…, Trung Quốc có Thái Sơn Hội. Thế nhưng, Câu lạc bộ nhà giàu, hội thương mại nổi tiếng nhất Trung Quốc này gần đây đã tự giải thể.
Câu lạc bộ nổi tiếng và thế lực nhất
Theo trang Jiemian, các doanh nhân tư nhân Trung Quốc đã thành lập Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Thái Sơn vào năm 1993, sau được gọi là Thái Sơn Hội. Do hội nghị thành lập được tổ chức ở Sơn Đông, hội được đặt tên theo “Thái Sơn” - ngọn núi thiêng nhất trong Ngũ Nhạc. Thái Sơn ngụ ý độ cao, cái tên này cũng tượng trưng cho tầm cao của các doanh nhân tư nhân Trung Quốc.
Truy ngược lại lịch sử của Thái Sơn Hội, ban đầu là một "Nhóm bốn người” gồm: Trần Xuân Tiên, người đầu tiên ở Trung Quan Tôn - Thung lũng Silicon của Trung Quốc, năm 1980, thành lập Phòng Dịch vụ Phát triển Công nghệ tiên tiến của Hiệp hội Plasma Bắc Kinh; Trần Khánh Chấn, thành lập Công ty Kehai vào năm 1983, người đầu tiên kinh doanh máy tính tại Trung Quốc; Đoàn Vĩnh Cơ , Chủ tịch Tập đoàn Stone (Tứ Thông), nguyên lão của Trung Quan Thôn; Vương Hồng Đức, Chủ tịch Tập đoàn Jinghai, cũng là nguyên lão của Trung Quan Thôn.
Hồi đó, bốn người mở đường cho công nghệ tư nhân Trung Quốc này thường hẹn nhau uống trà vào mỗi tối thứ Bảy và nói về công ty của họ. Đứng trước tương lai của công ty, họ chỉ có thể dò đá qua sông, nhắc nhở và học hỏi lẫn nhau. Những cuộc tụ họp như vậy kéo dài trong hai, ba năm. Sau này, thành viên của Thái Sơn Hội đã tăng lên, giảm xuống và dừng ở 16 người trước khi giải thể, gồm: Hội trưởng Liễu Truyền Chí, người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Lenovo; Tổng quản trị Đoàn Vĩnh Cơ; Cố vấn: Ngô Kính Liên, Hồ Đức Bình. Các hội viên: Phùng Luân của Tập đoàn Vạn Thông (Vantone Group), Lô Chí Cường của Tập đoàn Phàm Hải (Oceanwide Group), Quách Quảng Xương của Tập đoàn Phúc Tinh (Fosun Group), Trương Duyệt chủ hãng máy điều hòa Viễn Đại (Yuanda Air Conditioning), Lâm Vinh Cường của Tập đoàn Tín Viễn (Xinyuan Holdings), Sử Ngọc Trụ của Tập đoàn Cự Nhân (Giant Group), Lý Ngạn Hồng và Đoàn Vĩnh Bình ở Baidu, Trần Khánh Chấn của Kehai Group, Trịnh Duyệt Văn chủ Keyuan Group Giang Tây, Uông Tư Viễn của Tập đoàn Tư Đạt (Si Da Group), Từ Văn Vinh của Tập đoàn Hoành Điếm (Hengdian Group), Ngô Lực của Tập đoàn Hòa Quang (Heguang Group), Vương Trung Quân của Tập đoàn Hoa Nghị (Huayi Brothers).
16 nhân tài này có bản đồ kinh doanh trải dài khắp các ngành công nghệ cao, bất động sản, tài chính, công nghệ, giải trí và họ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí là thế giới.
16 người này, dù xét về quy mô, tầm ảnh hưởng, sức mạnh lũng đoạn, mức độ thâm nhập ra ngoài nước … tất cả đều mạnh hơn bất kỳ hội thương mại nào trong lịch sử Trung Quốc.
Sự giàu có của 16 người này cộng lại vào thời điểm giải thể, theo thống kê của giới truyền thông, lên tới mấy ngàn tỉ Nhân dân tệ.
Tổ chức bí ẩn nhất
Là thương hội bí ẩn nhất Trung Quốc, dĩ nhiên Thái Sơn Hội có rất nhiều quy tắc riêng. Khi bắt đầu thành lập, các thành viên Thái Sơn Hội đã cùng thỏa thuận: khi họp mặt không ghi âm, ghi hình, không mời lãnh đạo địa phương, không tuyên truyền ra ngoài. Đây là lý do tại sao Thái Sơn Hội thành lập cách đây 28 năm rất nổi tiếng nhưng hiếm khi lên báo.
Phùng Luân của Tập đoàn Vạn Thông từng nói: “Chúng tôi là một nhóm những ông già, một tổ chức tư nhân”.
Thư ký của Lâm Vinh Cường cũng từng nói: “Thái Sơn Hội bây giờ chủ yếu là để giải trí. Các thành viên có thời gian chơi golf, uống trà và trò chuyện cùng nhau”.
Có báo chí đưa tin, giữa tháng 11/2013, 16 thành viên Câu lạc bộ siêu giàu Thái Sơn Hội do Hội trưởng, nhà sáng lập tập đoàn sản xuất máy tính toàn cầu Lenovo Liễu Truyền Chí dẫn đầu đã bí mật đến Đài Loan, Trung Quốc để ăn mừng kỷ niệm 20 năm thành lập.
Cuộc họp của Thái Sơn Hội lần đó cũng như trước đây đều kín tiếng, không chỉ có bảo vệ canh gác suốt cả quá trình, mà khi nhìn thấy biểu ngữ đèn led chào mừng được bật lên trong nhà hàng, họ đã nhanh chóng tắt nó ngay khi có thể.
Tất nhiên, các đại gia tụ họp với nhau không chỉ để bàn về công việc, sự nghiệp mà còn để ăn chơi hưởng lạc. Vào tối 16/11 năm đó, một số cơ quan truyền thông cũng đã chụp được ảnh các nhà cự phú và ít nhất 8 hot girl mảnh mai, xinh đẹp về khách sạn trên cùng xe.
Cũng có tin 8 hot girl này cũng chỉ là kế “điệu hổ ly sơn”, các đại gia thật sự đã gọi điện mời mấy nữ diễn viên nổi tiếng trong làng giải trí Đài Loan tới vui vầy. Sau khi các cơ quan truyền thông bị điều đi, các mỹ nhân này mới vào phòng từ lối đi bí mật…
Hội phí cao khủng khiếp
Hội phí hội viên của Thái Sơn cao tới một triệu Nhân dân tệ (3,5 tỷ VND). Tỉ phú, ông chủ Tập đoàn Alibaba Jack Ma từng tham gia Thái Sơn Hội theo lời mời của Hội trưởng Liễu Truyền Chí. Trước đó Liễu Truyền Chí đã tiết lộ với giới truyền thông rằng các thành viên phải trả tiền “phạt” nếu vắng mặt trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, vắng lần đầu nộp phạt 10.000 NDT, lần thứ hai là 200.000 NDT. Jack Ma là thành viên hay vắng nhất và thường xuyên xin vắng mặt. Sau đó, ông rút khỏi Thái Sơn Hội và thành lập ra Hội Thương mại Chiết Giang.
Tuy nhiên, việc CLB nhà giàu hàng đầu này bất ngờ tuyên bố giải thể mới đây khiến dư luận lo lắng. Theo thông tin từ báo chí tài chính Trung Quốc, Thái Sơn Hội đã hoàn tất thủ tục hủy bỏ đăng ký với các cơ quan liên quan.
Có thông tin cho rằng, Thái Sơn Hội giải thể vì các thành viên có sự bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc, việc giải thể là "không thể tránh khỏi". Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc Jack Ma, người từng là thành viên của Thái Sơn Hội, thời gian gần đây chịu sóng gió đã khiến Thái Sơn Hội bị rúng động.
Thông tin công khai cho thấy khi Jack Ma khởi xướng thành lập Đại học Lakeside, hơn một nửa trong số 9 nhà tài trợ là thành viên của Thái Sơn Hội. Giờ đây Jack Ma bị đánh tơi tả, tất cả các đại gia trong hội đều tự cảm thấy nguy hiểm và lo lắng sẽ trở thành Jack Ma tiếp theo, việc giải thể Thái Sơn Hội có thể nói là một bước đi khôn ngoan để họ bảo vệ chính mình.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã tìm cách kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, trong những năm gần đây, xu hướng này càng rõ ràng hơn. Trong một báo cáo mới đây do Hinrich Foundation công bố, nhà nghiên cứu Alex Capri đã chỉ ra rằng: “Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát ngành công nghệ và nhấn mạnh sáng kiến của chủ nghĩa dân tộc công nghệ".
Trong quá khứ, các doanh nhân Trung Quốc đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư rằng doanh nghiệp của họ hoạt động độc lập với chính quyền. Tuy nhiên, khi đế chế kinh doanh của Jack Ma đã bị chính quyền nhắm tới, các nhà đầu tư đã đặt dấu hỏi lớn cho tuyên bố này. Giá cổ phiếu của Alibaba liên tục giảm cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang bị mất đi.
Cách đây ít ngày, Jack Ma đã xuất hiện một cách kín đáo qua một đoạn video và giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng ngay lập tức. Nhưng vài giờ sau, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra dự thảo quy định mới nhắm trực tiếp vào Ant Group và Alibaba, báo hiệu Ant sẽ bị chia tách và giá cổ phiếu của Alibaba lại giảm xuống.
Block Silvers, Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital, một công ty tư vấn đầu tư ở Hong Kong, cho biết dù Jack Ma xuất hiện nhưng ông vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm.
Không chỉ các công ty công nghệ của Jack Ma bị gõ đầu mà các công ty công nghệ mạng như Tencent và JD.com cũng bị ảnh hưởng. Trang Deutsche Welle (Đài Tiếng nói Đức) phân tích rằng Trung Quốc đã chọn Jack Ma để ra tay một mặt nhằm ngăn chặn những "rủi ro tài chính" đã được nhấn mạnh trong năm qua, mặt khác cho thấy chính quyền sẽ thắt chặt kiểm soát doanh nghiệp tư nhân.
Có thông tin cho rằng, việc Thái Sơn Hội giải thể là do sự bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ các thành viên. Trang tin Jiemian.com lý giải: Việc thành lập Thái Sơn Hội vào thời kỳ đầu của quá trình từng bước phát triển doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, do điều kiện còn non nớt về mọi mặt, môi trường phát triển của các doanh nghiệp tư nhân còn tương đối mong manh. Vì vậy, việc thành lập tổ chức thương mại như Thái Sơn Hội sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, môi trường thị trường của Trung Quốc ngày càng trưởng thành và ổn định, một số lượng lớn các doanh nhân xuất sắc đã xuất hiện ở mọi ngành nghề.
Trong tình hình này, các tổ chức thương mại ở dạng “các nhóm nhỏ hàng đầu” sẽ dễ dần tách khỏi thời đại, nhưng sẽ không giúp các thành viên giao tiếp với những người tham gia thị trường. Chính vì vậy, việc truyền thông đưa tin Thái Sơn Hội giải thể do sự khác biệt và mâu thuẫn lớn giữa các hội viên, cho thấy lộ trình phát triển hiện tại của từng công ty thành viên đã thay đổi theo sự phát triển của thị trường. Vai trò của Thái Sơn Hội ngày càng ít đi; xét từ góc độ này, việc giải thể nó là một điều cần thiết.
Tuy nhiên, nhà bình luận người Hồng Kông Lưu Nhuệ Thiệu phân tích rằng việc giải thể thương hội này có liên quan đến chính quyền Trung Quốc. Ông đã phân tích và chỉ ra rằng Thái Sơn Hội đột ngột giải thể có liên quan đến chính quyền vì họ lo lắng rằng nhóm người giàu có này sẽ “phú khả địch quốc”, đó là điều không được phép. “Không thể hợp nhất chính trị và kinh doanh. Lợi ích phải thuộc về những người nắm quyền".
Ông cho rằng dù tổ chức này không đe dọa chính quyền thì họ vẫn e sợ điều đó, vì vậy, Thái Sơn Hội thà giải tán trước và tỏ thái độ cho các nhà chức trách thấy “Tôi không đe dọa ai”.
Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng, hành động của chính quyền với Ant Group và Alibaba giống như một người nông dân đào đất để bắt chuột, nhưng làm nát tất cả các cây trồng ban đầu trên cánh đồng vậy.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/xung-quanh-cau-chuyen-ve-cau-lac-bo-thuong-gia-hang-dau-trung-quoc-thai-son-hoi-giai-the.html