Xuất siêu liên tục - Kỳ tích của nền kinh tế

Những năm qua, Việt Nam liên tục xuất siêu, thay cho “truyền thống” nhập siêu trước đây. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn có mức tăng trưởng khá. Xuất siêu được coi là kỳ tích, góp phần duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu

Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu thay vì “truyền thống” nhập siêu trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi căn bản này, nhưng nổi bật nhất là sự đổi mới tư duy, lấy xuất khẩu là một động lực phát triển kinh tế khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/2000/CT-TTg (ngày 27-10-2000) về chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001-2010.

Theo đó, sẽ ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực; tạo nguồn hàng chất lượng, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao… Tiếp theo, giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28-12-2011, phê duyệt chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa, trong đó đề ra định hướng chung là phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.

Có thể nói đây là những quyết sách phù hợp thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, định hướng sản xuất hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các công đoạn sản xuất, nhằm gia tăng chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu mở rộng xuất khẩu; nhất là những sản phẩm dựa trên thế mạnh như nông, thủy sản, hàng dệt may, linh kiện cơ khí…

Tinh thần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài kết hợp mở rộng giao thương, hướng về xuất khẩu ngày càng diễn ra sôi động. Từ sau khi chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006, đến nay, Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhận định, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu đã song hành, hỗ trợ, tương tác chặt chẽ, phát huy tối đa sức mạnh nội lực cũng như cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Điều này được minh chứng qua sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, hiện đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; góp phần đưa Việt Nam đứng trong danh sách các quốc gia có mức xuất khẩu trên trung bình của thế giới.

Kết quả là, tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 11,9%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra là tăng 10%/năm. Cùng thời gian trên, xuất khẩu hàng hóa vượt ngưỡng mong muốn là “cân bằng cán cân thương mại” đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu.

Cụ thể, năm 2016, xuất siêu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD giá trị hàng hóa; năm 2017, xuất siêu 2,1 tỷ USD; năm 2018, mức xuất siêu tăng lên 6,8 tỷ USD; năm 2019, xuất siêu 10,9 tỷ USD và năm 2020, xuất siêu 19 tỷ USD.

Như vậy, đà gia tăng xuất khẩu thể hiện rất rõ, liên tục và trở thành xu thế bền vững. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Cùng thời gian trên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Tăng lượng, nâng chất

Hơn thế, chất lượng hàng xuất khẩu “Made in Vietnam” cũng tăng lên qua thời gian, thể hiện sự cải thiện về chất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đơn cử, tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo đã tăng từ hơn 80% năm 2016 lên 85,2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020, trong khi tỷ trọng nhóm hàng chế biến thô liên tục giảm xuống. Đặc biệt, khoảng 30 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, các FTA mang lợi ích bao trùm, một mặt giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% hoặc từng bước cắt giảm về 0%, mặt khác cũng là “cú hích” buộc doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chất lượng sản phẩm nếu muốn tận dụng cơ hội đó.

Bên cạnh đó, chủ trương kiên trì cải cách, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, hệ thống cơ quan chức năng đang phát huy hiệu quả. Làn sóng đầu tư nước ngoài cũng như khởi nghiệp trong nước đưa Việt Nam trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như điện thoại, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, sinh học, hóa dầu…

Tiến sĩ Lê Huy Khôi, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã qua chặng đường tập trung đầu tư chuyển đổi công nghệ, tạo nền tảng sản xuất; vì vậy sản lượng cũng như chất lượng hàng hóa đều gia tăng rõ rệt.

Kết quả giao thương là yếu tố quan trọng, thể hiện năng lực cạnh tranh, sức mạnh của một nền kinh tế và Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trong giao thương với thị trường toàn cầu. Đó là sự đảo chiều ngoạn mục, khi chuyển từ nhập siêu trước đây sang xuất siêu hiện tại nhờ việc ghi dấu ấn đậm nét trong xuất khẩu.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/xuat-sieu-lien-tuc-ky-tich-cua-nen-kinh-te.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin