Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam - Ảnh minh họa
Cơ hội cho xuất khẩu thuỷ sản
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) thời điểm này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp thủy sản. Bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao trong khi đó đất nước này không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn.
Hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường này gồm: tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỉ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
“Mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà hiệp định này đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đáng lưu ý, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam-Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)”, ông Trương Đình Hoè nói.
Cầu nối cho ngành gỗ thâm nhập sâu hơn
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn nhìn nhận: Riêng với ngành gỗ, mặc dù hiện tại lượng sản phẩm nội thất xuất khẩu qua Isarel chưa nhiều song với FTA VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ trong tương lai gần để tiếp cận thị trường này.
Thêm vào đó, khác với những thị trường mà Việt Nam đã có FTA, thị trường Isarel chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên doanh nghiệp Việt có thể hợp tác cùng họ để thành lập công ty tại nước này. Thông qua hợp tác doanh nghiệp Việt sẽ hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như cách đưa ra được những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng nước này. Ngoài ra, Isarel cũng sẽ là cầu nối tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ tiếp cận thị trường khu vực Trung Đông và Mỹ.
Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao, tuy nhiên nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… vẫn bị thiếu hụt
Tăng tỉ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới
Với nhóm hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận: Thị trường Israel là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu rau quả tươi nhiệt đới. Bởi, mặc dù Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao, tuy nhiên nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… vẫn bị thiếu hụt. Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Cùng với đó, cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại tại thị trường Israel mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ.
Một định hướng nữa, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nếu các sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam có thể kết hợp với công nghệ của Israel thì có thể tăng tỉ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới.
“Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng. Với trái cây tươi, ít nhất phải có tiêu chuẩn Global Gap. Với thực phẩm chế biến, doanh nghiệp cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như Chứng nhận Kosher-tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này.
Ngoài ra, đây cũng là một thị trường xa, do đó, khi xuất khẩu vào đây, doanh nghiệp phải có công nghệ bảo quản phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Còn rất nhiều việc phải làm
Cùng với sự kỳ vọng vào thị trường mới Israel, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Hiệp định VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu và để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại thì Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội để từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan,… từ FTA mang lại.
Các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu.
“Thực tế, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ đâu đó khoảng 30%. Đây là sự lãng phí. Do đó, Bộ Công Thương cùng với vai trò của các Thương vụ, các Đại sứ quán cần phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp,… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng tối đa các lợi thế từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Đòi hòi hàng hoá chế biến sâu, có thương hiệu và có chất lượng
Ngoài ra, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: Israel có một đặc điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý đó là thị trường này có nhu cầu nhập các mặt hàng để có thể đưa vào bếp ngay cho các bà nội trợ, tức là hàng hóa chế biến sâu.
Đồng thời, Israel cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen để giành lợi thế thị trường.
Về vấn đề thanh toán, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đối với một thị trường xa như Israel, việc thanh toán đòi hỏi các ngân hàng và cơ quan chức năng hai bên phải có sự vào cuộc để đảm bảo thanh toán an toàn cho doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp để quay vòng vốn nhanh, giúp xuất nhập khẩu tăng dần lên.
“Cuối cùng là sự tín nhiệm về làm ăn, đây là điều quan trọng với bất cứ đối tác nào. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Israel ký FTA với đối tác ở ASEAN nên doanh nghiệp càng phải giữ chữ tín làm ăn ngay từ đầu. Chất lượng hàng hóa, thanh toán, giao nhận, giao ước trong hợp đồng cũng rất quan trọng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.