Ngày 7/9/2018, TAND Tp. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai vụ án Phạm Quang Vinh và đồng phạm về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo trạng, các bị cáo Trần Phước Thạnh, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên, Nguyễn Giang Lam bị truy tố về tội “Buôn lậu”; bị cáo Bùi Khắc Hà bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cáo trạng xác định ngày 9/6/2009, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 118/2009/TTBTC, quy định Việt kiều định cư nước ngoài khi hồi hương “được phép nhập một xe ô tô cá nhân đang sử dụng”.
Lợi dụng Thông tư trên, 7 chủ salon ô tô tại Tp. Hồ Chí Minh gồm Helena Phạm, Nguyễn Thái Sơn, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Hoàng Triệu, Hoàng Minh Trung, Jeny đã móc nối với 4 bị can Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên và Nguyễn Giang Lam (nguyên sỹ quan Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an Tp. Hồ Chí Minh) để “thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu xe ô tô theo diện Việt kiều hồi hương”.
Các loại ô tô nhập về có nhiều “siêu xe” như Rolls Royce, Bentley, Porsche và một số thương hiệu “đình đám” khác. Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012, Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô cho 64 Việt kiều hồi hương; trong đó có 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên nhập khẩu không đúng quy định nên đã phạm vào tội “Buôn lậu”.
Định giá tài sản 54 xe ô tô và 12 mô tô là 356,2 tỷ đồng. Nếu không được miễn, các loại thuế của số ô tô trên sẽ là 159,8 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, tài liệu thể hiện 3 bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên thừa nhận hành vi sai phạm. Riêng bị cáo Nguyễn Giang Lam liên tục kêu oan, khẳng định không vi phạm pháp luật.
Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, TAND Tp. Hồ Chí Minh từng ra quyết định số 87/2018/HSST-QĐ ngày 6/4/2018 “trả hồ sơ điều tra bổ sung”.
Quyết định nêu rõ việc các bị cáo thực hiện hành vi trước khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực. Đối chiếu các quy định, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát khởi tố, truy tố theo Điều 153 Bộ luật hình sự là không đúng. Mặt khác, phải xác định rõ các trường hợp ông Nguyễn Giang Lam mua vé máy bay, đóng dấu kiểm chứng xuất, nhập cảnh khống; tổ chức tour du lịch cho Việt kiều đi để hợp thức hóa hồ sơ nhập lậu? Phải làm rõ số tiền ông Lam hưởng lợi bất chính và làm rõ số lượng xe mô tô của các cá nhân nêu trong cáo trạng.
Trong vụ án, Cơ quan CSĐT và VKSND Tp. Hồ Chí Minh có nhiều bất đồng về quan điểm xử lý. Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Sơn, Helena Phạm, Trần Quốc Hiền về tội “Buôn lậu”. Bởi các tài liệu thể hiện các đối tượng trên tổ chức mua tiêu chuẩn miễn thuế và đặt mua xe ở Mỹ. Helena Phạm là người thuê vận chuyển xe về Việt Nam. Thế nhưng, VKSND Tp. Hồ Chí Minh lại ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố với lý do “chưa đủ căn cứ xử lý theo pháp luật hình sự” (?!).
Trước đó, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh cũng nêu rõ phải xác định đúng chủ thể phạm tội buôn lậu. Bản án sơ thẩm lần một chỉ mới xác định được một số bị cáo thực hiện hành vi giúp sức xảy ra tại Việt Nam.
Bị cáo Nguyễn Giang Lam kêu oan bởi kết luận điều tra, cáo trạng mới vẫn chưa làm rõ chủ thể buôn lậu nên không thể quy kết bị cáo là đồng phạm. Một số chuyên gia pháp lý cũng nhận định phía Cơ quan CSĐT chỉ mới chứng minh hành vi “mua bán tiêu chuẩn nhập xe ô tô của Việt kiều”, chứ chưa chứng minh được việc buôn lậu ô tô như thế nào.
Theo An Dương (congly.vn)
Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-dinh/toa-tuyen-an/xet-xu-vu-an-buon-lau-sieu-xe-267084.html