Ngày 9-1, ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố cáo trạng.
Tại phiên tòa, trước khi Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, chủ tọa phiên tòa đã hỏi các bị cáo về việc mời các luật sư bào chữa.
Theo đó, hầu hết các bị cáo giữ nguyên các luật sư bào chữa. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc công ty con của Phạm Công Danh) xác nhận việc từ chối luật sư bào chữa và thực hiện quyền tự bào chữa.
Bị cáo Phan Minh Tùng (phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) cũng từ chối luật sư do gia đình đã mời trước đó.
Ba bị cáo gồm Phạm Công Danh, Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank), Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Giám đốc trung tâm kinh doanh hội sở TPBank) do sức khỏe yếu nên được Hội đồng xét xử cho ngồi nghe cáo trạng.
Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Số tiền vay được, ông Danh sử dụng mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả.
Ngoài ra, để bảo lãnh cho các khoản vay này, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên. Sau đó 3 ngân hàng này đã thu nợ từ chính số tiền gửi này.
Cụ thể, Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo lập khống hồ sơ vay 6.630 tỷ đồng của VNCB sang gửi tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền.
Bên cạnh đó, Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc cấp bảo lãnh cho các công ty của mình vay tiền nhưng không có tài sản đảm bảo; là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trung Dung khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại các ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi. VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các công ty của Danh.
Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tính cả giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến VNCB thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng.
Cũng bị truy tố trong giai đoạn 2 của vụ án, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank) bị cáo buộc là người đã bàn bạc và thống nhất với Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) cho Phạm Công Danh vay tiền qua các công ty của Danh với số tiền 1.800 tỷ đồng. Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng bàn bạc và thống nhất về số tiền cho vay, với điều kiện phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.
Ngày 19-4-2013, Phạm Công Danh cùng các cấp dưới là Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNCB), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNCB) đến gặp Phan Huy Khang.
Tại đây, Phan Huy Khang đã giao Phan Đình Tuệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Sacombank) thực hiện. Các hồ sơ cho vay đều được lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không kiểm tra sau khi cho vay...
Thế nhưng, chỉ 6 ngày sau khi Phan Huy Khang giao Phan Đình Tuệ lập hồ sơ, ngày 25-4-2013, ông Trầm Bê đã ký phê duyệt "thần tốc" tờ trình của Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo và Sacombank Chi nhánh Quận 8. Sau đó một ngày, tiền bắt đầu được giải ngân cho 6 công ty của Danh.
Từ đây, Phạm Công Danh sử dụng để trả nợ cho các công ty của mình. Còn lại hơn 166 tỷ đồng, Danh chuyển về tài khoản cá nhân.
Đến ngày 26-4-2014, khi quá hạn vay, do 6 công ty không trả được nợ nên Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Hệ quả, VNCB bị thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng.
Ngày 10-1, phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi đối với các bị cáo.
Theo TTXVN