Luật sư Trần Minh Hải cho rằng tiến trình xét xử vụ án có nguy cơ tiếp tục kéo dài với những sai lầm pháp lý khó sửa chữa nếu như 5 sự thật pháp lý hiển nhiên của vụ án này không được thừa nhận.
Phiên xét xử sáng 9/2, trong phần tranh luận, luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho CTCK Phương Đông (ORS) nêu quan điểm cho rằng tiến trình giải quyết vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có nguy cơ tiếp tục kéo dài với những sai lầm pháp lý khó sửa chữa nếu như 5 sự thật pháp lý hiển nhiên của vụ án này không được thừa nhận.
Thứ nhất, Huyền Như không chiếm đoạt được tiền gửi của khách hàng bằng thủ đoạn gian dối mà Cáo trạng mô tả
Theo luật sư Hải, khi gửi tiền vào VietinBank theo đề xuất của Huyền Như, ORS cũng như các nguyên đơn dân sự trong vụ án này không hề tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ. Bởi Huyền Như chính là một cán bộ chính thức ngân hàng của Vietinbank. Chỉ vô căn cứ nếu Huyền Như là một kẻ mạo danh cán bộ của VietinBank.
Sau khi được Huyền Như mời chào gửi tiền tại VietinBank, các khách hàng không hề tin tưởng, mất thận trọng đến nỗi giao tiền cho Huyền Như. ORS cũng như các nguyên đơn dân sự trong vụ án này đã giao tiền cho VietinBank chứ không phải cho Huyền Như.
Về pháp lý, tiền được chuyển vào tài khoản của của khách hàng mở tại Vietinbank, thì vẫn đang là tiền gửi được ngân hàng quản lý, đâu thể coi là tiền của tội phạm đã chiếm đoạt được. Nếu coi đó là tiền tội phạm đã chiếm đoạt được, hóa ra đánh đồng các khoản tiền trong hệ thống VietinBank cũng là tiền trong túi của Huyền Như.
Tiền gửi đã bị Huyền Như chiếm đoạt bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn quản lý tiền gửi của Như tại VietinBank
Hành vi chiếm đoạt ở đây chính là hành vi của Huyền Như sử dụng chức vụ, quyền hạn tại Vietinbank để thao tác chuyển tiền trái pháp luật. Đó là việc Huyền Như có thể dễ dàng dùng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ mình quản lý, dùng chức vụ, quyền kiểm duyệt, thực hiện lệnh ngân hàng giao mà ép buộc nhân viên dưới quyền phải thực hiện chuyển tiền ra khỏi tài khoản Khách hàng trái với nguyên tắc nghiệp vụ, quy trình tác nghiệp, trái với ý chí của Khách hàng.
Cũng chính tại trang 9 Cáo trạng của VKS, mô tả chung về hành vi chiếm đoạt với các trường hợp khách hàng: “Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là Kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như.”
Mô tả riêng về hành vi chiếm đoạt với ORS: “Từ ngày 11/8/2011 đến ngày 12/9/2011, Như đã tự thao tác trên hệ thống Vietinbank (không có Lệnh chi của chủ tài khoản) tự trích chuyển 380 tỷ đồng từ tài khoản thanh toán của Công ty Phương Đông chuyển cho Công ty Đức Minh Quang 100 tỷ đồng, Công ty Thịnh Phát 150 tỷ đồng, Công ty Phúc Vinh 130 tỷ đồng để trả nợ cá nhân.”.
Theo luật sư, nếu đem những hành vi này so sánh đối chiếu với cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự, thì đúng là một sự so sánh khập khiễng, một sự khác nhau hoàn toàn giữa một bên là dấu hiệu gian dối chiếm đoạt tài sản người khác một bên là dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền mà mình quản lý.
Và luật sư Hải cho rằng chỉ cần đem đối chiếu hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền mà mình quản lý của Huyền Như với quy định tại Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội tham ô tài sản, thì trùng khớp hoàn toàn với hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm tham ô. Đó là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý”.
Tiền gửi đã bị Huyền Như chiếm đoạt bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn quản lý tiền gửi của Như tại VietinBank. Đây chính là một sự thật hiển nhiên nữa bị ẩn dấu sau những suy luận thiếu cơ sở pháp lý về cách đánh giá hành vi phạm tội trong vụ án này.
Người bị chiếm đoạt tiền là Vietinbank chứ không phải khách hàng gửi tiền
Luật sư Hải nêu, sau khi tiền gửi đã được đưa vào hệ thống ngân hàng, thì quyền sở hữu tiền thuộc về ngân hàng, nằm dưới trách nhiệm quản lý của ngân hàng chứ không phải Khách hàng. Chính vì đã là quyền sở hữu của ngân hàng, nên thực tế nếu khách hàng muốn lấy lại tiền, cũng buộc phải thực hiện hàng loạt, thủ tục, chứng từ theo yêu cầu của ngân hàng một cách rất rõ ràng, bài bản, như phải có lệnh, chứng từ hợp lệ, đã qua giao dịch viên xác nhận, qua kiểm soát viên giám sát, qua trưởng đơn vị kinh doanh ngân hàng duyệt.
Nếu coi tiền gửi sau khi đã gửi vào ngân hàng, thuộc sở hữu của ngân hàng, thì thủ đoạn rút ruột tiền qua các tài khoản của Khách hàng mà Huyền Như thực hiện trong vụ án này, cần phải coi là hành vi lấy tiền của Vietinbank. Cơ sở pháp lý này đã làm sáng tỏ một sự thật pháp lý hiển nhiên khác trong vụ án. Đó là sự nhầm lẫn về xác định quyền sở hữu, khiến cho Cáo trạng xác định các khách hàng gửi tiền (gồm ORS) là người mất tiền phải đi đòi lại từ Huyền Như, trong khi người thực sự mất tiền, bị chiếm đoạt tiền chính là Vietinbank.
Các lỗi sai sót của khách hàng không phải là căn cứ để trút bỏ thiệt hại mất tiền vào khách hàng
Tại trang 10 Cáo trạng ghi nhận việc xác định các lỗi dưới đây của khách hàng gửi tiền là những cơ sở để Cáo trạng phủ nhận dấu hiệu hành vi tham ô của Huỳnh Thị Huyền Như được nêu tại Bản án phúc thẩm số số 02/2015/HSPT, đồng thời cho rằng đó là hành vi lừa đảo.
Luật sư nêu, số tiền gửi 380 tỷ đồng của ORS trong vụ án này được chuyển vào Vietinbank bằng phương thức chuyển tiền hợp pháp, ngân hàng huy động hợp pháp, nguồn tiền hợp pháp, tài khoản hợp pháp, thủ tục hợp pháp, chữ ký hợp pháp và con dấu hợp pháp.
Nếu như gửi tiền vượt trần lãi suất là sai, trái quy định của NHNN, thì chỉ có phần lãi suất vượt trần là bất hợp pháp. Vậy thì sai đến đâu, pháp luật chỉ được xử lý đến đấy. Nếu VietinBank trả lãi suất vượt trần thì không được phép hạch toán hợp pháp vào chí phí. Nếu như khách hàng gửi tiền vượt trần lãi suất thì không được phép hưởng phần lãi suất vượt quá.
Như vậy, việc gửi tiền vượt trần lãi suất và không tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý vốn (nếu có), thì cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc số tiền 380 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi của ORS tại Vietinbank bị chiếm đoạt.
Nhân viên ngân hàng rút trái pháp luật tiền gửi, thì đương nhiên ngân hàng phải bồi hoàn cho Khách hàng
Theo luật sư Hải, nếu như tiền gửi của khách hàng đang nằm trong sự quản lý an toàn của cả hệ thống ngân hàng Vietinbank bao gồm các yếu tố công nghệ, con người, quy trình … mà bị thất thoát do lỗi của ngân hàng, thì đương nhiên ngân hàng Vietinbank phải gánh chịu trách nhiệm.
Về nguyên tắc từ quy định của văn bản luật cho đến văn bản dưới luật chuyên ngành đều xác định, cán bộ ngân hàng làm sai, thì trước hết ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Gần 7 năm từ khi khởi tố vụ án, sau hơn 4 năm xét xử qua 3 phiên tòa, đến nay sự việc trên vẫn chưa được giải quyết bằng một phán quyết phù hợp có hiệu lực pháp luật. Tất cả chỉ bởi 5 sự thật pháp lý hiển nhiên nêu trên đã không được xem xét, diễn giải và thừa nhận đúng pháp luật. Mong HĐXX xem xét.
---
Phiên xét xử chiều ngày 9/2, luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Vietinbank đã nêu các luận cứ tranh luận liên quan tới hành vi phạm tội của Huyền Như là Tham ô hay Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng như trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi.
Trước đó, phía CTCK Phương Đông và luật sư của công ty này cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường cho chứng khoán Phương Đông chứ không phải bị cáo Như là người có trách nhiệm phải bồi thường số tiền này. Cũng như bị cáo Như có dấu hiệu của tội Tham ô chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Tám đã nêu 8 luận cứ cho thấy Huyền Như có hành vi lừa đảo đối với CTCK Phương Đông.
Thứ nhất, Như có ý đồ, động cơ lừa đảo ngân hàng TPB ngay từ đầu để có tiền trả nợ cho các khoản vay trước đó.
Hồ sơ vụ án, lời khai của Như trước Tòa đã thể hiện rõ do sức ép nợ nần, do cần tiền trả nợ, lãi vay ngoài xã hội đen nên Như đã phải tìm cách lừa đảo để có tiền trả nợ vay lãi cao trước đó. Do vậy, khi Lê Thị Thanh Phương, Tienphong Bank (TPB) chủ động liên hệ đặt vấn đề gửi tiền vào Vietinbank để lấy lãi suất cao, Như đã đồng ý ngay. Đây chính là ý đồ, động cơ thúc giục Như thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Thứ hai, để đạt mục đích lừa đảo, Như dùng con mồi lãi suất cao, tiền % chi cho cá nhân Phương để dẫn dụ TPB, CTCK Phương Đông thực hiện chuyển tiền theo sự sắp xếp của Như.
Cụ thể, Như thỏa thuận với Phương sẽ thông qua CTCK Phương Đông để gửi tiền vào Viettinbank CN TP.HCM, lãi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh ngoài từ 5,2%-5,5%/năm trả cho TPB thông qua CTCK Phương Đông và 1,5%-2%/năm chi trả cho cá nhân Phương.
Toàn bộ các nội dung thỏa thuận ngầm này được thực hiện trước khi ký Hợp đồng tiền gửi, trước khi TPB chuyển tiền vào tài khoản CTCK Phương Đông tại Vietinbank, Vietinbank hoàn toàn không biết, không được báo cáo về các nội dung thỏa thuận chi lãi ngoài hợp đồng giữa Như và Phương; về nguồn gốc tiền gửi là của TPB.
Thứ ba, sau khi đã dẫn dụ được TPB (thông qua Phương) đồng ý gửi tiền vào theo sắp đặt của mình, Như tiếp tục dùng các thủ đoạn gian dối và lợi dụng sự sơ hở, thiếu trách nhiệm của các cá nhân TPB, CTCK Phương Đông tại Vietinbank để thực hiện việc chiếm đoạt tiền trên tài khoản thanh toán của CTCK Phương Đông tại Vietinbank.
Sau khi biết Phương đã mắc bẫy lãi suất cao, Như tiếp tục thực hiện các hành vi để chiếm đoạt số tiền 380 tỷ đồng của CTCK Phương Đông tại Vietinbank.
Thứ tư, các cá nhân có trách nhiệm của TPB, CTCK Phương Đông đã vì hám lợi, vì các khoản tiền chi ngoài đặc biệt lớn do Như chi trả nên đã bỏ qua các dấu hiệu đáng ngờ, hành vi mờ ám của Như; tin lời giải thích của Như; biết các giao dịch lạ trên tài khoản nhưng vẫn mặc nhiên chấp nhận; không báo với Vietinbank, giúp sức cho Như chiếm đoạt tiền của chính họ và che giấu hành vi phạm tội.
Thứ năm, các cán bộ có trách nhiệm của TPB và CTCK Phương Đông đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, giúp cho Như thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chính CTCK Phương Đông và TPB.
Thực tế, các cán bộ có trách nhiệm của TPB và CTCK Phương Đông không làm đúng nhiệm vụ của mình. Trong hơn 1 tháng kể từ ngày chuyển khoản tiền đầu tiên vào tài khoản của CTCK Phương Đông tại Vietinbank CN HCM, Như liên tục vi phạm nghĩa vụ, TPB và CTCK Phương Đông vẫn chưa nhận được đầy đủ tiền lãi chênh ngoài, hợp đồng tiền gửi và công văn phong tỏa bản gốc nhưng các cán bộ TPB và CTCK Phương Đông chỉ gửi email nhắc nhở Như, không hề liên hệ với Vietinbank CN HCM để làm rõ, xác minh mà vẫn tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của CTCK Phương Đông tại Vietinbank CN HCM. (BL 34793, 34797; 34233; 34781,... là các email nhắc Như hoàn trả tiền lãi chênh, HĐTG, Công văn phong tỏa,…). Cho đến thời điểm vụ việc bị phát hiện, còn 280 tỷ trên tài khoản thanh toán của CTCK Phương Đông chưa ký hợp đồng tiền gửi.
Thứ sáu, chủ tài khoản CTCK Phương Đông đã chủ quan, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm chủ tài khoản, để tài khoản của công ty bị lợi dụng làm phương tiện thực hiện các thỏa thuận ngầm vi phạm pháp luật, không quản lý tốt tài khoản tiền gửi của đơn vị mình, chấp nhận và để mặc những giao dịch lạ trên tài khoản của đơn vị mình mà không thông báo với Vietinbank… dẫn đến việc bị Như chiếm đoạt 380 tỷ đồng hoàn toàn do lỗi của chủ tài khoản.
Thứ bảy, chủ tài khoản của CTCK Phương Đông là Vũ Hồng Hạnh biết rõ tiền của CTCK Phương Đông đã bị Như trích chuyển cho các đơn vị khác nhưng vẫn ký khống lệnh chi để giúp Như hoàn thiện hồ sơ, che giấu hành vi vi phạm pháp luật.
Hồ sơ điều tra vụ án cũng thể hiện rõ, bà Hạnh còn dùng tiền cá nhân cho Như vay và được Như trả lãi rất cao so với lãi suất gửi ngân hàng thông thường.
Là chủ tài khoản của CTCK Phương Đông, bà Hạnh biết rõ Như đã trích chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của CTCK Phương Đông sang tiền gửi có kỳ hạn khi chưa cung cấp hợp đồng (BL34281), chưa có văn bản phong tỏa nhưng vẫn không có ý kiến gì, không kiểm tra, xác minh thông tin với Vietinbank.
Thứ tám, hành vi sai phạm của TPB và CTCK Phương Đông là tiền đề, nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của Như.
TPB là ngân hàng, CTCK Phương Đông là định chế tài chính, cả hai đơn vị này đều hoạt động trong lĩnh vực tài chính và đương nhiên phải nắm rất rõ và biết rõ việc gửi tiền giữa các ngân hàng phải thông qua thị trường liên ngân hàng theo quy định của NHNN.
Tuy nhiên để được hưởng lãi suất cao vượt trần (trái quy định của pháp luật), TPB đã giao dịch trá hình (cố ý làm trái quy định của pháp luật) bằng cách thông qua các Hợp đồng đặt cọc môi giới chứng khoán để đẩy tiền cho CTCK Phương Đông và mượn tư cách pháp nhân của CTCK Phương Đông để gửi tiền vào Vietinbank, nhằm mục đích duy nhất là hưởng lãi suất cao, lãi suất vượt trần so với lãi suất liên ngân hàng.
Chính chủ trương gửi tiền trái pháp luật của TPB không những làm sai lệch thị trường tiền tệ, xâm phạm quy định của nhà nước về thị trường liên ngân hàng, mà còn góp phần không nhỏ, là tiền đề cho các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Như và các bị cáo khác có liên quan thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ chín, Vietinbank hoàn toàn ngay thẳng, không biết và không thực hiện các thỏa thuận ngầm, trái pháp luật.
Về phía Vietinbank hoàn toàn không biết nội dung thỏa thuận ngầm với lãi suất vượt trần giữa cá nhân Như với TPB cũng như việc thực hiện nội dung thỏa thuận ngầm bất hợp pháp này. Ngân hàng không cho phép huy động vốn vượt trần lãi suất và cũng không cho phép các Chi nhánh được nhận tiền gửi của các TCTD/các đơn vị sân sau trái pháp luật. Ngân hàng cũng hoàn toàn không biết nguồn tiền gửi là của TPB.
Công văn chấp thuận nhận tiền gửi của Vietinbank hoàn toàn đúng pháp luật vì ngân hàng cho phép CN TP.HCM nhận tiền gửi của CTCK Phương Đông chứ không phải là cho nhận tiền gửi của TPB; lãi suất nhận tiền gửi phù hợp với sản phẩm dịch vụ hiện hành của ngân hàng chứ không phải là cho nhận với lãi suất vượt trần (BL34737, 34748, 34750, 34753); toàn bộ phần lãi suất chênh lệch mà TPB, CTCK Phương Đông đã nhận là lãi suất do Huyền Như tự chi trả, không phải do Vietinbank trả.
Vietinbank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của lãnh đạo và nhân viên TPB, không có lỗi đối với thỏa thuận ngầm trái pháp luật giữa TPB và cá nhân Như, không có lỗi đối với sự tắc trách, vô trách nhiệm của các nhân viên TPB, CTCK Phương Đông. Do vậy, CTCK Phương Đông phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN.
Vì vậy, luật sư Tám cho rằng bị cáo Như phải có trách nhiệm bồi thường cho CTCK Phương Đông số tiền 380 tỷ đồng là hoàn toàn đúng với bản chất sự việc. Vietinbank hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về số tiền 380 tỷ đã bị Như lừa đảo chiếm đoạt của CTCK Phương Đông do đó yêu cầu buộc Vietinbank phải bồi thường cho CTCK Phương Đông là không có cơ sở để chấp nhận được.
Theo Bizlive