Xét xử cựu Phó Thống đốc NHNN: Các bị cáo nói gì trong lời nói sau cùng?

Trong phần đối đáp của mình, đại diện VKS cho rằng việc truy tố các bị cáo là có căn cứ. Riêng đối với ông Đặng Thanh Bình, việc đề nghị mức án từ 4 – 5 năm tù là có chiếu cố.

Sáng 28/6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB (trước đó là ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank).

 Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.)

Trong phần tự bào chữa tại tòa, bị cáo Phạm Thế Tuân thừa nhận hành vi như cáo trạng cáo buộc. Bị cáo Tuân cho rằng, khi tham gia tổ giám sát, ông và các bị cáo khác không được đào tạo hướng dẫn, không có quy chế, quy định để hoạt động giám sát. Nhưng vì trách nhiệm, tổ cũng rất băn khoăn nhưng là nhiệm vụ phải làm. Tổ phải tự tìm tòi học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu mà NHNN giao.

Trong suốt quá trình tham gia tái cơ cấu TrustBank, bị cáo cũng chưa bị NHNN nhắc nhở. Ngay trong thời gian đầu tố tụng, bị cáo nhận 1 phần trách nhiệm sự đổ vỡ tái cơ cấu. Bị cáo đau lòng, xót xa cho số phận của mình.

Từ đó, bị cáo Tuân mong HĐXX quan tâm, xem xét toàn bộ nội dung vụ án và tuyên bị cáo mức án thấp. Bị cáo xin lỗi bị cáo Phước là tổ trưởng và xin HĐXX xem xét cho bị cáo Phước.

Tham gia phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng, về việc để ông Danh tham gia tái cơ cấu, hay đưa ra quyết định những vấn đề lớn của ngành ngân hàng đều có sự tham gia cuộc họp tập thể ban lãnh đạo NHNN. Ông Bình đã dũng cảm nhận trách nhiệm chính trị của mình, tuy nhiên trách nhiệm pháp lý cần phải cân nhắc thận trọng.

Theo các luật sư của ông Bình, những bút phê của bị cáo Bình đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của bị cáo. Việc đổ vỡ ngân hàng thực chất do đề án tái cơ cấu kém hoặc do thanh tra giám sát hạn chế, chứ không phải trách nhiệm của ông Bình và các đồng sự khác.

Những cán bộ như bị cáo Bình đã có đóng góp lớn cho ngành ngân hàng, nên các luật sư đề nghị HĐXX xem xét ý kiến của VKS về việc lưu tâm đến công lao của các bị cáo, không xử lý hình sự đối với ông Bình.

Đối đáp lại với các luật sư của ông Bình, đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa phân tích, bị cáo Bình đã làm rất tốt, đã ký nhiều văn bản, tuy nhiên lẽ ra việc ký văn bản này phải là văn bản dành cho ngân hàng yếu kém, không thể sử dụng văn bản bình thường. Bị cáo phải yêu cầu kiểm tra, xác minh năng lực tài chính. Do không làm hết sức mình và triệt để, để hậu quả xảy ra nên bị cáo Bình phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Cũng theo đại diện VKS, đề án tái cơ cấu thất bại tại TrustBanh, mà không xảy ra ở 5 ngân hàng tái cơ cấu khác, VKS thừa nhận bị cáo Bình làm rất tốt 5 ngân hàng kia. Cáo trạng quy kết bị cáo Bình thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả xảy ra là đúng còn những thành công ở các ngân hàng còn lại đã được Chính phủ đánh giá rất cao.

“Nếu bị cáo Bình yêu cầu chỉ đạo sát sao hơn thì có lẽ hậu quả sẽ không lớn như hôm nay. Trong quá trình thực hiện, bị cáo không làm đầy đủ trách nhiệm của mình, dẫn đến các bị cáo phải ngồi tại đây. Việc truy tố bị cáo Bình là có căn cứ”, VKS khẳng định.

Đại diện VKS cũng cho rằng, ông Bình đã thừa nhận trách nhiệm chính trị là thái độ thành khẩn thừa nhận, đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Lẽ ra bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất 12 năm nhưng do có nhiều cống hiến, bằng khen cho NHNN, Chính phủ nên đã đưa mức án thấp 4 - 5 năm tù, mức án này là đã có cân nhắc, chiếu cố.

 Cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án khi định tội mình và các đồng sự khác.
Cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án khi định tội mình và các đồng sự khác.)

Cũng tại phiên tòa sáng nay, đại diện NHNN trong phần trình bày của mình đã xin HĐXX miễn, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Theo vị đại diện này, trong giai đoạn 2011 – 2012, TrustBank đứng trước nguy cơ đổ vỡ cao, phải tái cơ cấu nhưng không thể tìm đối tượng sáp nhập, năng lực tài chính hạn chế nên phải tìm nhà đầu tư mới. Trong quá trình tái cơ cấu chỉ dựa vào năng lực của các cán bộ NHNN do năng lực hạn chế. Các bị cáo đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với sự cống hiến cao. Do đó, NHNN kiến nghị HĐXX xem xét bối cảnh tái cơ cấu, ghi nhận công lao, cống hiến của các bị cáo để miễn, giảm hình phạt cho các bị cáo.

Đến hơn 12h trưa nay, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận và cho các bị cáo nói lời sau cùng. Trình bày tại tòa, nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình nghẹn ngào nói lời cảm ơn các đồng nghiệp vì đã cùng ông thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Theo ông Bình, việc thực hiện tái cơ cấu xuất phát từ tâm trong sáng, làm việc vì xã hội, vì lợi ích chung và vì danh dự gia đình. Ông Bình mong HĐXX cân nhắc khi định tội mình, cũng như định tội những thành viên trong tổ giám sát cùng bị truy tố với ông.

Các đồng sự của ông Bình là các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phan Thế Tuân, Ngô Văn Thanh mong được pháp luật khoan hồng và xin hưởng án treo.

Kết thúc phần nói lời sau cùng, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, và sẽ tuyên án vào 15h ngày 2/7 tới.

Phạm Công Danh là nạn nhân hay là nguyên nhân khiến 5 cựu cán bộ NHNN sai phạm?

Tại phiên tòa sáng nay, LS Trần Minh Hải (bào chữa cho Phạm Công Danh) cho rằng, thời điểm tái cơ cấu, TrustBank đã mất khả năng chi trả, nợ xấu rất cao không có khả năng thu hồi, lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn tự có, thuộc loại ngân hàng yếu kém, không đảm bảo vốn an toàn tối thiểu.

Đáng lẽ, TrustBank phải được đưa vào diện kiểm sát đặc biệt nhưng NHNN không làm nên mới dẫn đến hậu quả, gây thiệt hại như ngày hôm nay. Từ đó, luật sư Hải cho rằng, Phạm Công Danh thực chất là nạn nhân của đề án tái cơ cấu do thiếu năng lực tài chính.

Phản bác lại quan điểm trên, luật sư Bính (bào chữa cho ông Bình) cho rằng phương án tái cơ cấu là một chủ trương được NHNN xem xét thận trọng trước khi trình Chính phủ. Cơ quan thanh tra đã xem xét tư cách, năng lực tài chính của nhóm đầu tư mới, cụ thể là nhóm Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đứng đầu.

Việc ông Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu không phải là do bắt buộc, mà chính là sự tự nguyện. Có rất nhiều tài liệu thể hiện nhà đầu tư mới có đủ năng lực tài chính, nên nói Danh là nạn nhân là chưa đúng. Luật sư Bính cho rằng Danh mới là người lừa dối.

Theo NĐT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin