Xác định thiệt hại cho nhà đầu tư do hành vi công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán : Kinh nghiệm pháp luật một số quốc gia và các gợi mở cho Việt Nam

Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu và chỉ ra những hạn chế của khung pháp lý xác định thiệt hại cho nhà đầu tư trước hành vi công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời phân tích một số giải pháp pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư theo luật chứng khoán của một số quốc gia, từ đó đưa ra các gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
1-1718076229.jpg

Ảnh minh hoạ

1. Cơ chế khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều chủ thể, qua đó góp phần huy động một nguồn vốn không hề nhỏ cho nền kinh tế quốc gia. Trong nỗ lực xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) của Chính Phủ Việt Nam, nhiều sai phạm trên thị trường chứng khoán được phát hiện và xử lý kịp thời trên thực tế trong thời gian gần đây[1]. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực trong nổ lực lấy lại niềm tin của nhà đầu tư (NĐT), cũng như nâng cao tính trung thực, minh bạch và hiệu quả trên TTCK.

Dù thực tế nhiều sai phạm về công bố thông tin của các chủ thể trên TTCK đã được kịp thời phát hiện và xử lý, tuy nhiên, đối với NĐT - những chủ thể phải gánh chịu thiệt hại trực tiếp từ các sai phạm trên TTCK vẫn chưa được khắc phục thiệt hại thỏa đáng. Nguyên nhân được đánh giá là do thiếu đi các cơ chế để bảo vệ NĐT, đặc biệt là các quy định trong việc xác định thiệt hại cho NĐT và trong thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này trở thành rào cản lớn khiến NĐT chưa thể thoát được tâm lý e ngại khi tham gia vào đầu tư trên TTCK.

Giống với pháp luật nhiều quốc gia phát triển, Luật Chứng khoán 2019 của Việt Nam đã có nhiều cơ chế nhằm bảo vệ cho NĐT trước những sai phạm của các chủ thể trên TTCK[2]. Theo đó, NĐT có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi công bố thông tin sai sự thật gây ra.[3] Điều 133 của Luật Chứng khoán 2019 cũng có quy định về việc chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện các trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của BLDS và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, dưới góc độ của BLDS 2015, khoản 1 Điều 584 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác[4]. Như vậy, đối với cơ chế bồi thường thiệt hại, như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình NĐT có thể tiến hành khởi kiện để yêu cầu các chủ thể vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo các thủ tục tố tụng dân sự và quy định xác định thiệt hại trong BLDS 2015.

2. Thiếu vắng các quy định hướng dẫn trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư

Tại Việt Nam, các vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại dường như vẫn chưa được thực hiện trên thực tế. Đa phần các chủ thể vi phạm chỉ bị xử phạt và đóng phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự nếu có đủ dấu hiệu phạm tội. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc các quy định về bồi thường thiệt hại hiện nay được đánh giá dường như là còn khá sơ sài và thiếu tính thực tế bởi do chưa có các quy định hướng dẫn trong việc xác định thiệt hại cho NĐT, cũng như các quy định tạo điều kiện cho NĐT sớm tiếp cận được với tòa án trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hiện nay cơ sở để xác định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Thông tư 117/2020/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2020, đây là cơ sở giúp cho cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc điều tra và xử lý các sai phạm. Bên cạnh đó, cũng là cơ sở có thể xác định thiệt hại cho người bị vi phạm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự biến động của giá cổ phiếu có thể do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan từ thị trường đến sự tác động từ hành vi gian lận là điều mà pháp luật hiện nay chưa dự liệu. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến việc xác định bồi thường thiệt hại do hành vi công bố thông cho NĐT dường như vẫn còn bỏ ngõ trên thực tế. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc xác định thiệt hại trong trường hợp này hoàn toàn không phải là điều đơn giản khi áp dụng các quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo BLDS, do đó, để giải quyết vấn đề này, luật chứng khoán của nhiều quốc gia cũng tạo điều kiện cho NĐT tự bảo vệ mình thông qua việc tạo ra nhiều điều kiện cho NĐT theo luật chứng khoán để việc tiến hành các vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi sai phạm gây ra được thực hiện dễ dàng hơn bởi NĐT[5].

2-1718076236.jpg

Ảnh minh hoạ

3. Kinh nghiệm pháp luật một số quốc gia và các gợi mở cho Việt Nam

3.1. Bản chất của trách nhiệm dân sự do công bố thông tin sai sự thật

Khi việc công bố thông tin sai sự thật xảy ra và NĐT khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, thường thì phạm vi thiệt hại yêu cầu bồi thường sẽ giới hạn đối với các thiệt hại thực tế mà NĐT đã lựa chọn đầu tư dựa trên niềm tin vào thông tin sai sự thật đó. Về lý thuyết, trách nhiệm dân sự do công bố thông tin sai sự thật gây ra là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng gây ra do hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin, do vậy, cơ sở khởi kiện và xác định thiệt hại sẽ dựa trên cơ sở tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Thực tế, cũng có ý kiến cho rằng đây là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Tuy nhiên, quan điểm này chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là trong việc xác định mối quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể. Nói cách khác hơn, việc chứng minh sự tồn tại trong mối quan hệ hợp đồng giữa các NĐT và chủ thể có hành vi công bố thông tin sai sự thật dường như không dễ dàng, do đó đa phần các vụ kiện tại các quốc gia, NĐT thường dựa trên cơ sở quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, đây được xem là trách nhiệm pháp lý ngoài hợp đồng, do đó, các quy định của BLDS Nhật Bản về nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng được áp dụng.[6] Thực tế, nhiều NĐT đã dựa trên các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại BLDS để yêu cầu bồi thường thiệt hại trên thực tế.[7]

3.2. Các quy định pháp luật xác định thiệt hại do công bố thông tin sai sự thật

Có thể thấy, việc khởi kiện để bảo vệ mình của NĐT sẽ không khả thi nếu như bản thân người khởi kiện không thể xác định được thiệt hại do chính hành vi sai phạm của các chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin gây ra. Để giải quyết điều này, pháp luật nhiều quốc gia đã có những quy định cụ thể để hướng dẫn về việc xác định thiệt hại gây ra do công bố thông tin sai sự thật.

Tại Trung Quốc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các chủ thể trong việc công bố các thông tin sai sự thật cũng được quy định tại Điều 85 Luật Chứng khoán Trung Quốc. Về nguyên tắc, việc tính phạm vi trách nhiệm dân sự đối với việc bồi thường của bên đưa ra thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán chỉ giới hạn ở mức tổn thất thực tế mà nhà đầu tư phải gánh chịu do kết quả của việc trình bày sai sự thật. Tổn thất thực tế mà nhà đầu tư phải gánh chịu bao gồm: các khoản lỗ chênh lệch đầu tư và các khoản phí và thuế cho việc đầu tư thua lỗ.

Thiệt hại của NĐT sẽ được tính như sau: (1) sự khác nhau giữa giá chứng khoán trung bình mà NĐT mua và giá thực tế mà NĐT bán đi; hoặc (2) sự khác nhau giữa giá chứng khoán trung bình NĐT mua và giá đóng cửa mỗi ngày giao dịch từ ngày công bố thông tin sai sự thật hoặc ngày thông tin được đính chính cho đến ngày cơ sở.

Như vậy, đối với cách tính (2), chỉ cần xác định được ngày cơ sở, thiệt hại của NĐT sẽ dễ dàng tính toán. Ngày cơ sở, theo một hướng dẫn của Tòa án tối cao Trung Quốc, sẽ được xác định dựa trên phương pháp như sau:

- Phương pháp 1: Từ ngày thông báo về việc công bố thông tin sai sự thật hoặc ngày đính chính thông tin cho đến khi tổng khối lượng của chứng khoán bị ảnh hưởng đạt 100%.

- Phương pháp 2: Nếu không thể xác định được ngày cơ sở nêu trên trước khi diễn ra phiên tòa, thì sẽ xác định là 30 ngày giao dịch sau ngày thông tin sai sự thật được công bố hoặc ngày đính chính thông tin.

- Phương pháp 3: Đối với cổ phiếu đã rút khỏi thị trường giao dịch chứng khoán, thì ngày giao dịch trước ngày rút khỏi thị trường được lấy làm ngày cơ sở.

- Phương pháp 4: Trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch thì ngày giao dịch trước khi bị đình chỉ có thể được lấy làm ngày cơ sở, trong trường hợp giao dịch được tiếp tục lại, ngày cơ sở sẽ được xác định theo Phương pháp 1[8].

Tại Nhật Bản, pháp luật đã ban hành các quy định tương đối đầy đủ trong việc xác định thiệt hại cho NĐT cũng như có nhiều bản án, án lệ giúp NĐT dễ dàng trong việc khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại gây ra bởi các hành vi sai phạm trên TTCK.

Hiện nay, cơ chế bồi thường và phương thức bồi thường được Luật Các Công Cụ Tài Chính và Sàn Giao Dịch (FIEA) quy định như sau: Đối với những người mua cổ phiếu trong vòng một (01) năm trước ngày những báo cáo nêu trên có chứa thông tin sai lệch được báo cáo cho Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản và tiếp tục giữ cổ phiếu đến thời điểm mà cơ quan có thẩm quyền công bố sai phạm của người nộp báo cáo, số tiền bồi thường sẽ được tính bằng cách lấy giá trị trung bình của cổ phiếu trên thị trường trong một tháng trước ngày có thông báo sai phạm trừ cho giá trị trung bình của cổ phiếu trên thị trường trong suốt một tháng sau ngày được thông báo sai phạm của người nộp báo cáo (trong trường hợp nếu giá trị thị trường không thể xác định, giá sẽ được tính bằng giá trị ước tính khi bán cổ phiếu). Trong đó, thời điểm công bố sai phạm của cơ quan có thẩm quyền sẽ được xem là ngày công bố vi phạm của công ty niêm yết liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin.

Ngoài ra, theo quy định của FIEA, khoản tiền bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp không được vượt quá khoản tiền được tính theo Điều 19 của FIEA. Theo Điều 19 của FIEA, số tiền thiệt hại sẽ được tính bằng cách lấy số tiền mà nhà đầu tư đã mua chứng khoán trừ đi số tiền thuộc một trong hai trường hợp sau: (1) Giá trị thị trường của chứng khoán tại thời điểm mà NĐT yêu cầu bồi thường thiệt hại (hoặc, nếu chứng khoán không có giá trị thị trường thì sẽ được ước tính bằng giá trị bán ra của chứng khoán); hoặc (2) Giá trị bán ra của chứng khoán, nếu chứng khoán đã được bán ra trước thời điểm yêu cầu bồi thường thiệt hại[9].

Quan trọng, số tiền bồi thường thiệt hại cuối cùng sẽ được tòa án cân nhắc và loại trừ các khoản giảm trừ do các lý do khách quan khác dẫn đến làm giảm giá chứng khoán (ví dụ các lý do liên quan đến kinh tế, xu hướng thị trường, hiệu quả hoạt động của công ty).[10] Cụ thể, theo Điều 21-2-5 của FIEA, trường hợp tòa án có thể xác định được một phần hoặc toàn bộ thiệt hại được gây ra bởi những nguyên nhân khác ngoài hành vi công bố thông tin sai sự thật, tòa án sẽ cân nhắc loại trừ khi xác định thiệt hại[11].

3.3. Về thủ tục khởi kiện bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư

Về mối quan hệ nhân quả. Theo pháp luật nhiều quốc gia, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại gây ra trở ngại cho nhiều NĐT khi khởi kiện, do đó, pháp luật chứng khoán sẽ miễn nghĩa vụ chứng minh mối quan hệ nhân quả cho NĐT. Nguyên nhân xuất phát từ việc NĐT thường sẽ không có khả năng hoặc khó để tiếp cận các tài liệu, thông tin của công ty, ngoài các thông tin được công bố một cách công khai theo quy định của luật. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, nhằm tạo điều kiện cho NĐT dễ dàng tiến hành khởi kiện, FIEA đã bỏ qua yếu tố chứng minh mối quan hệ nhân quả trong trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại[12]. Theo pháp luật Hoa Kỳ, Điều 11 của Luật chứng khoán năm 1933 quy định, theo đó, nguyên đơn không cần chứng minh rằng việc thông tin sai sự thật gây ra tổn thất của mình. Tại Trung Quốc, pháp luật quy định khi các thông tin sai sự thật được trình bày sai trong báo cáo thường niên liên quan trực tiếp đến tổn thất của các nhà đầu tư, thì mối quan hệ nhân quả được coi là tồn tại[13]. Các nhà đầu tư sẽ có quyền yêu cầu công ty phát hành bồi thường cho khoản lỗ chênh lệch do đầu tư của họ. Đối với tổn thất và thiệt hại gây ra bởi các yếu tố khác ngoài sự trình bày sai trong tuyên bố, chẳng hạn như rủi ro thị trường và hiệu quả kinh doanh của công ty, số tiền sẽ được khấu trừ vào khoản bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, theo Luật Chứng khoán Trung Quốc, trong các trường hợp sau đây, Tòa án sẽ xác định có mối quan hệ nhân quả giữa việc trình bày sai sự thật và hậu quả gây thiệt hại. Cụ thể bao gồm: (i) Trong trường hợp, chứng khoán mà NĐT đầu tư có liên quan trực tiếp đến việc trình bày sai sự thật; (ii) Trong trường hợp, NĐT mua chứng khoán vào hoặc sau ngày đưa ra tuyên bố sai và trước khi thông tin đó bị công bố việc vi phạm hoặc được sửa chữa; hoặc (iii) Khi nhà đầu tư bị thua lỗ do bán chứng khoán, hoặc do tiếp tục nắm giữ chứng khoán vào hoặc sau ngày thông tin sai lệch được công bố hoặc đính chính.

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định, tòa án nhân dân xác định không có mối quan hệ nhân quả giữa việc trình bày sai và hậu quả có hại nếu bị đơn đưa ra chứng cứ chứng minh rằng: tổn thất hoặc một phần tổn thất mà nguyên đơn phải chịu là do các yếu tố khác như rủi ro trong hệ thống thị trường chứng khoán gây ra[14].

Về điều kiện khởi kiện của NĐT. Việc chứng minh hành vi vi phạm gây ra thiệt hại đối với hành vi công bố thông tin sai sự thật dường như không dễ dàng trên thực tế. Thông thường, để có cơ sở, NĐT cần phải chờ sự xác nhận của cơ quan chức năng về vi phạm của chủ thể có nghĩa vụ như là bản án của tòa án, quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, từ đó làm cơ sở cho việc chứng minh sai phạm gây ra thiệt hại cho NĐT. Để khắc phục điều này, theo pháp luật Trung Quốc, trong một cải cách gần đây, pháp luật đã bỏ điều kiện về bản án hình sự hoặc việc xử phạt hành chính, thay vào đó chỉ cần chứng minh được rằng người có nghĩa vụ công bố thông tin đã công bố thông tin sai sự thật[15]. Điều này khiến cho NĐT dễ dàng sớm thực hiện việc khởi kiện để khắc phục thiệt hại, thay vì trông chờ vào quyết định xử phạt, hoặc bản án của cơ quan có thẩm quyền. Đây là hướng tiếp cận tiến bộ mà Việt Nam có thể tham khảo, do đó, pháp luật Việt Nam nên quy định theo hướng, trước hết, quy định cần xác định rõ điều kiện để NĐT có thể tiến hành khởi kiện như thời gian, số lượng cổ phiếu NĐT cần nắm giữ. Ngoài ra, để tiến hành khởi kiện, liệu rằng cổ đông có cần phải chờ có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hay bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hay không cũng là điều kiện cần cần cân nhắc khi sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện cho NĐT có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện quyền khởi kiện của mình.

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Trong năm 2023, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra 145 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, với tổng số tiền phạt hơn 34.4 tỷ đồng, trong đó có một số vụ việc được áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Trong số 145 quyết định xử phạt trên TTCK, có 27 quyết định xử phạt đối với cá nhân và 118 quyết định xử phạt đối với tổ chức. Tham khảo: Thấy gì từ các con số xử phạt trên thị trường chứng khoán năm 2023? https://vietstock.vn/2023/12/thay-gi-tu-cac-con-so-xu-phat-tren-thi-truong-chung-khoan-nam-2023-830-1137841.htm (truy cập ngày 9/6/2024).

[2] Về cơ bản, quy định hiện hành về xử lý hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, từ xử lý hình sự, xử lý hành chính và các biện pháp thu hồi các khoản thu lợi bất hợp pháp. Tham khảo: Tiến Đạt, Tìm chìa khóa xử lý gian lận thị trường bảo vệ nhà đầu tư, Đầu tư chứng khoán https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tim-chia-khoa-xu-ly-gian-lan-thi-truong-bao-ve-nha-dau-tu-post330428.html (truy cập ngày 2/6/2024).

[3] Điều 132 Luật Chứng khoán 2019.

[4] Về bản chất, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho NĐT không phát sinh từ hợp đồng giữa các bên mà do hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin, đây được xem là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

[5] Ví dụ, tại Nhật Bản, khi NĐT khởi kiện theo Luật Các Công Cụ Tài Chính và Sàn Giao Dịch được ban hành năm 1948 (FIEA), nhà đầu tư có nhiều lợi thế hơn trong việc khởi kiện, đặc biệt đáng kể đến đó là NĐT không cần phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi công bố thông tin sai sự thật. Xem thêm Liên Đăng Phước Hải, Pháp luật về bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán – Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10/2022.

[6] Điều 709 của Bộ luật Dân sự (BLDS) Nhật Bản quy định, một người do cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến quyền hoặc đến các lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ, phải có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại phát sinh từ hành vi đó. Tiếng Anh: “Article 709 A person who has intentionally or negligently infringed any right of others, or legally protected interest of others, shall be liable to compensate any damages resulting in consequence”, xem https://www.moj.go.jp/content/000056024.pdf, truy cập ngày 22/6/2024.

[7] Tham khảo phán quyết của Tòa án tối cao Nhật Bản được tuyên vào ngày 13 tháng 9 năm 2011. Xem bản dịch tiếng Anh của bản án tại website của Tòa án Nhân Tối Cao Nhật Bản, http://www.courts.go.jp/app/hanrei_en/detail?id=1116, truy cập ngày 1/6/2024.

[8] Tham khảo Điều 33 của Một số quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao (Trung Quốc) về việc xử lý các trường hợp về công bố thông tin sai sự thật trên Thị trường tài chính năm 2002.

[9] Điều 19-1, FIEA.

[10] Điều 19-2, FIEA.

[11] Quy tắc này thường được Tòa án áp dụng trên thực tiễn xét xử. Ví dụ, trong một trong những phán quyết nổi tiếng tại Nhật Bản liên quan đến công ty Seibu Railway. Theo đó, tòa án đã xem xét và cân nhắc những nguyên nhân có thể gây ra ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu như xu hướng của thị trường, xu hướng của nền kinh tế, và hoạt động kinh doanh của công ty trong việc xác định thiệt hại. William Savitt, The Security Litigation Review, The Law Reviews, xuất bản lần 4, năm 2008.

[12] Theo BLDS Nhật Bản tương tự như một yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thông thường, theo đó NĐT phải chứng minh được các yếu tố bao gồm: (1) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của bị đơn và hành vi vi phạm pháp luật của nguyên đơn; (2) Bị đơn có lỗi; và (3) Có sự xâm phạm đến các quyền hoặc lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bởi bị đơn. Tuy nhiên, NĐT có thể lựa chọn khởi kiện theo quy định của FIEA, theo đó: mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm sẽ được suy đoán theo cách tính tại Điều 21-2 của FIEA.

[13] Tham khảo: Ning Zhu, Gang Hu, Guangzhe Xu, Min Lin,  Changes to information disclosure rules in China’s security market, https://www.iflr.com/article/2aost4262ro4h7gtxciyo/sponsored/changes-to-information-disclosure-rules-in-chinas-security-market, truy cập ngày 2/6/2024.

[14] Tham khảo Điều 19 trong Một số quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao (Trung Quốc) về việc xử lý các trường hợp về công bố thông tin sai sự thật trên Thị trường tài chính năm 2002

[15] Tham khảo: Chinalawinfor Database, https://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=37627&lib=law, truy cập ngày 2/6/2024.

ThS. Liên Đăng Phước Hải (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin