Vướng nhiều điều kiện, doanh nghiệp vẫn không dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

23/07/2021 09:12

(Pháp Lý) - Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như giúp doanh nghiệp và người lao động có thêm động lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỉ vẫn không dễ dàng bởi còn vướng nhiều điều kiện. DN cũng phản ánh còn nhiều địa phương vẫn chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.

image001-1627025932.jpg
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỉ vẫn không dễ dàng  bởi còn vướng nhiều điều kiện.

Vướng nhiều điều kiện, DN khó tiếp cận gói hỗ trợ 

So với gói 62.000 tỷ năm 2020, chính sách mới đã bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp. Để được vay, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng trong thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng…

Tuy nhiên, thực tế triển khai nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn đang làm khó các doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Việc phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19 trong suốt thời gian qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp vướng vào những khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới. Trong khi những doanh nghiệp không thể trả nợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn mỏng. Đó cũng chính là đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ, nhưng họ lại đang gặp khó khăn về điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ này.

9-1627025997.jpg

Ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam)

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, trong lúc cộng đồng doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, việc Chính phủ tiếp tục bơm nguồn lực để khích lệ doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch là chủ trương đúng đắn và kịp thời.

Thế nhưng, để vực dậy ngành vận tải, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ lần này. Theo ông Quyền trải qua 4 đợt dịch các DN vận tải gần như đã kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm 70-80%, vận tải hợp đồng và khách du lịch sụt giảm tới 90% và trên 70% số xe nằm bãi dừng hoạt động; vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao. 

Theo khảo sát của  HUBA cho thấy, 42% doanh nghiệp cho là đang thiếu vốn kinh doanh, 54% khó khăn về tiếp cận thị trường, 62% khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, đến 86% cho biết đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 do phải cách ly, giãn cách xã hội, 23% khó khăn về thủ tục hành chính, 18% khó khăn về lao động, 13% khó về nguồn nguyên liệu. Về mặt tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, 45% doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện để hưởng chính sách, 19% yêu cầu hỗ trợ thủ tục hành chính, 20% thiếu thông tin, quy trình thủ tục hướng dẫn…

Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ gặp nhiều trở ngại như: Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, có người làm việc theo hợp đồng đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

Khánh Hòa hiện có 138 doanh nghiệp lữ hành nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1/2 số doanh nghiệp này còn tồn tại, hoạt động cầm chừng. Toàn tỉnh có hơn 1.500 hướng dẫn viên du lịch có Thẻ hướng dẫn viên còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thì nhiều hướng dẫn viên sẽ không được thụ hưởng mức hỗ trợ dành cho hướng dẫn viên theo Nghị quyết 68 bởi ngoài vấn đề có thẻ, hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao động hoặc hội viên của tổ chức xã hội- nghề nghiệp về hướng dẫn viên du lịch. 

Do đó, "Vướng là vướng về hợp đồng lao động vì đa số người lao động là hướng dẫn viên tự do. Doanh nghiệp lữ hành ít có hợp đồng lao động dài hạn với lực lượng hướng dẫn viên. Khi nào có tour, có đoàn thì hợp đồng tour trọn gói, nên người lao động không tham gia Hội hướng dẫn, bây giờ lại thiệt thòi".

Đương nhiên, chính sách ra hỗ trợ phải gần cuộc sống, hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch. Nhưng mà để tiếp cận được, các điều kiện này để thỏa mãn được cũng thật sự rất khó, nhiều yếu tố không đạt được. Từ đầu năm 2020, người ta đã nghỉ gần hết rồi, họ vẫn làm việc nhưng làm không đủ 12 ngày cũng không đóng được bảo hiểm xã hội.” Bà Thanh cho hay. 

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất … tuy giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được ngân hàng quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ vay, gia hạn, không chuyển nhóm nợ nhưng chưa được quan tâm xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ. Trong khi các khoản vay mới phải có tài sản bảo đảm mức lãi suất vay tuy có giảm hơn nhưng vẫn còn cao so với lãi suất ngân hàng huy động từ tiền gửi tiết kiệm; nhu cầu vay trả lương giữ chân người lao động hầu như không thực hiện được.

Theo số liệu được Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho biết, tổng số tiền đã chi theo gói hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 09 của HĐND TP đến ngày 18/7 là 387.821.390.000 đồng cho 5 đối tượng. Trong đó, nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng và hoãn hợp đồng nghỉ việc tại doanh nghiệp rất lớn, nhưng số tiếp cận nhận gói hỗ trợ thấp nhất, thế nên cần sớm có giải pháp để phối hợp giữa doanh nghiệp và Sở LĐ-TB-XH để giải quyết cho đối tượng người lao động bị ngừng nghỉ việc. HUBA kiến nghị nên giao cho doanh nghiệp thực hiện và quyết toán lại sau sẽ hiệu quả hơn. Việc chậm nhận trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động ngay trong mùa dịch này khiến họ càng khó khăn gấp bội.

Đánh giá về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù điều kiện đã được nới lỏng hơn nhưng cần phải cụ thể hóa chính sách thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được. Bởi mục đích của gói 26 nghìn tỷ lần này là mong muốn hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, các điều kiện, tiêu chí nên rõ ràng, giảm bớt thủ tục, thông qua các đơn vị chủ quản để rà soát, bảo đảm chi đúng, đủ, tới tay người lao động.

Các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đến nay, chưa có thông tin về việc doanh nghiệp được vay để trả lương cho người lao động bị ngừng nghỉ việc theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. 

Đề xuất tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được tổ chức mới đây, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch MP Logistics cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang “rất mệt mỏi và đuối sức” để duy trì kinh doanh. Vì vậy, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp là việc quan trọng, cần phải làm ngay lúc này. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được vay để trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa”, Chủ tịch MP Logistics kiến nghị.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho biết “Hy vọng cơ quan chức năng đẩy nhanh thời gian triển khai càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội chịu rất nhiều thiệt hại trong 4 đợt dịch vừa qua. Dịch bùng phát từ cuối tháng 4 nhưng đến nay đã sang tháng 7, gói ưu đãi mới được ký duyệt, như vậy là chậm trễ”. Hiện nay tất cả các doanh nghiệp đang mong chờ thành phố, cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể để làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

image003-1627026050.jpg
Bộ LĐ-TB&XH cho biết vừa có công điện yêu cầu các tỉnh trên cả nước thực hiện ngay và khẩn trương nhất việc hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng

Đến nay, vẫn còn không ít tỉnh, thành phố chậm trễ thực hiện. Ở Hà Nội ngày 22/7 mới ký thông qua kế hoạch triển khai; Hà Giang, Hưng Yên, Đắk Lắk ký ngày 21/7; Hòa Bình ký ngày 20/7... Trên thực tế việc ký ban hành kế hoạch triển khai nhưng đa số các kế hoạch trên cơ bản cũng chỉ là những điều chỉ dẫn lại điều kiện, thủ tục, đầu mối xử lý, thời gian giải quyết... như  Quyết định 23 của Thủ tướng. Thậm chí, một số tỉnh chỉ giao các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu. Trong khi đó, doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh covid – 19 “vẫn chờ” giải ngân gói 26.000 tỷ để tiếp sức nguồn vốn ổn định sản xuất, hỗ trợ kịp thời các chính sách, chế độ đối với người lao động.

Sáng 21-7, Bộ LĐ-TB&XH cho biết vừa có công điện yêu cầu các tỉnh trên cả nước thực hiện ngay và khẩn trương nhất việc hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp. Đối với đối tượng lao động tự do, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các địa phương chủ động căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành chính sách hỗ trợ đối với nhóm người này.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ; đặc biệt là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Thành Chung ( T/h)
 

Bạn đang đọc bài viết "Vướng nhiều điều kiện, doanh nghiệp vẫn không dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin