Cuối phiên xét xử sáng 26/6, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên Chánh Thanh tra giám sát NHNN.
Sáng nay (26/6), phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB (trước đây là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS.
Mới được hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập sáng nay, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan thanh tra giám sát đã có báo cáo số 78 nêu vấn đề về dấu hiệu sai phạm VNCB và đã có văn bản chỉ đạo giám sát VNCB, thu hồi khoản sai phạm.
Đồng thời, có công văn 67 thu hồi đối với khoản tiền liên quan đến khoản tiền 63 tỷ đồng, core banking, cho vay tín dụng 10 doanh nghiệp. Các sai phạm này đã được tổ giám sát xin ý kiến lãnh đạo NHNN, có yêu cầu VNCB thu hồi. Về tình hình thu hồi các khoản sai phạm, vị đại diện cho biết sẽ xin ý kiến trả lời sau.
Khẳng định kết luận sai phạm chưa chính xác
Bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát khẳng định lần nữa phần kết luận đối với hành vi của bị cáo chưa chính xác. Trong Quyết định 12 không đề cập đến trách nhiệm phải thu hồi. Quyết định thể hiện trách nhiệm chỉ đạo Trustbank xem xét thu hồi, tổ giám sát không có trách nhiệm phải thu hồi.
Về tăng trưởng tín dụng, bị cáo Phước có đề nghị ngân hàng giữ mức tăng trưởng như thời điểm 31/12/2011. Bị cáo đã có ngay văn bản đề nghị Thống đốc đặt Trustbank vào kiểm soát đặc biệt, đây là một biện pháp mạnh nhưng không được cơ quan nhà nước trả lời trong một thời gian dài.
Bị cáo Phước cho rằng, Quyết định 12 là quyết định giao quyền cho tổ giám sát chỉ có kiến nghị, đề nghị, đề xuất và báo cáo chứ không có quyền lực cao nhất như bị cáo Đặng Thanh Bình trình bày ở phiên xử chiều qua.
Bị cáo Phước thừa nhận không tiếp xúc trực tiếp công ty Đại Hoàng Phương (công ty vay tiền). Bị cáo cho rằng do đây là sự tinh vi của Phạm Công Danh. Tổ giám sát đã thu hồi khoản tiền này nên không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp.
Nguyên tổ trưởng tổ giám sát khẳng định rằng mình đã hoàn thành đúng nhiệm vụ trách nhiệm theo Quyết định 12. Bị cáo cho rằng, cáo trạng cáo buộc chưa chính xác.
VKS đề nghị bị cáo Phước nêu rõ bản chất của vụ việc. Ông Phước cho biết, khi đặt tổ giám sát vào VNCB, tình hình ngân hàng rất nghiệm trọng, những quy định để tổ giám sát tương xứng với nhiệm vụ được giao chưa có. Tổ giám sát đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, báo cáo kịp thời. Với điều kiện hoạt động ngân hàng rộng, nơi ở cách xa chỗ làm việc thì không thể xử lý kịp thời. Bên cạnh đó bị cáo vẫn kiêm nhiệm, làm việc của NHNN.
Bị cáo nêu trong khoảng thời gian dài, tổ giám sát không nhận được phản hồi về những báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất. Cho đến tháng 9/2011 mới nhận được hai văn bản của lãnh đạo NHNN chỉ đạo, đề nghị ngân hàng thu hồi.
Phạm Công Danh và đồng phạm tinh vi nhưng nhưng có một phần trách nhiệm của bị cáo
Bị cáo Ngô Văn Thanh, nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank - chi nhánh Long An nêu, về sai phạm tại VNCB, những giao dịch của VNCB liên quan đến 3 ba ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank, bị cáo có ý kiến sau đó được tổ trưởng phân công người khác.
Đại diện VKS cho biết bị cáo Thanh có bút phê chuyển tiền đi, bị cáo cho rằng bị cáo chỉ có trách nhiệm là có ý kiến chuyển đi hay không còn việc theo dõi dòng tiền thuộc trách nhiệm người khác.
VKS cũng nêu, thủ đoạn của Phạm Công Danh và đồng phạm rất tinh vi nhưng có có một phần trách nhiệm của bị cáo Thanh. HĐXX sẽ xem xét cân nhắc vai trò, hoàn cảnh của bị cáo. VKS cho biết chưa tiếp nhận đơn về hoàn cảnh, nhân thân cuả bị cáo.
Bị cáo Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank - chi nhánh TP.HCM khai chưa có bút phê nào liên quan đến 6 giao dịch mà Phạm Công Danh rút tiền. 6 tờ trình đó không đến tay bị cáo và không ký vào các tờ trình đó.
Bị cáo Lê Văn Thanh xin giữ nguyên lời trình bày như phiên tòa hôm qua, thấy có một phần trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo cho biết chưa thấy có hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ được giao tại VNCB mà phải tự mày mò làm. Điều kiện thực hiện rất hạn chế, khó khăn như thời gian đi lại xa xôi, cản trở công việc.
Nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền về cơ quan thanh tra
VKS cho rằng, với trách nhiệm ban chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu, chỉ đạo tổ giám sát mà bị cáo Bình để cho Phạm Công Danh dùng ngân hàng này thao túng, gây hậu quả 15.000 tỷ đồng thì bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN có trách nhiệm này.
Bị cáo Bình cho biết, ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo chung về tái cơ cấu. Tuy nhiên, với ban chỉ đạo này, mỗi một thành viên đề có có ý kiến. Thực hiện nhiệm vụ của mình, ban chỉ đạo không có quyết định cụ thể về tái cơ cấu. Những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền về Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Bị cáo Bình lần nữa cho rằng cáo trạng truy tố mình không đúng. Bị cáo nhận thấy đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định và trách nhiệm của mình được giao. Đối với vấn đề tái cơ cấu rất quan trọng, phải xin ý kiến của Thống đốc, đưa ra tập thể lấy ý kiến. Bị cáo khẳng định rằng không bao giờ tự mình quyết định.
VKS hỏi trách nhiệm của bị cáo trong việc gây thất thoát 15.000 tỷ đồng tại VNCB. Bị cáo Bình khẳng định những vi phạm của VNCB có liên quan đến việc chấp hành quy định hoạt động an toàn ngân hàng. Có 3 đơn vị liên quan đó là tổ giám sát, NHNN Long An, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN. Bị cáo có trách nhiệm chỉ đạo chung, không chịu trách nhiệm quyết định cụ thể trừ trường hợp có sự chỉ đạo của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Tại cuộc họp xin ý kiến về công tác liên quan đến một số hoạt động của Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB), phê duyệt tái cơ cấu. Bị cáo cho biết, cuộc họp đã nêu lộ trình tái cơ cấu triển khai còn chậm. Phương án ban đầu đã không thực hiện theo cam kết. Hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần, tăng vốn điều lệ đều chậm so với mốc 9 tháng. Tuy nhiên trong thảo luận của Ban lãnh đạo cho rằng cần sớm có hiệu lực tái cơ cấu để rằng buộc các nhà đầu tư thực hiện các cam kết của mình.
Bị cáo Bình cho biết, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã đánh giá rất đủ về năng lực tài chính, tình hình hoạt động ngân hàng. Ban chỉ đạo không có thẩm quyền quyết định hay không về việc tái cơ cấu Ngân hàng. Các quyết định của bị cáo ký không gây ra hậu quả đối với ngân hàng.
Theo đó VKS đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên Chánh thanh tra giám sát NHNN do có liên quan đến vụ án.
Theo Bizlive