Vụ bắt giam cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Từng kiến nghị điều tra 5 năm trước

19/04/2018 10:49

Năm 2013, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ một số hành vi cố ý làm trái pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi, trong đó có Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm”.

Bị can Phan Văn Anh Vũ
Bị can Phan Văn Anh Vũ)

Năm 2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Đáng chú ý là tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi, trong đó có Vũ “nhôm” và Cty CP 79.

Vũ “nhôm” được ưu ái giá đất, kiếm lời hàng trăm tỷ

Cụ thể, qua kiểm tra 46 công trình dự án, TTCP phát hiện UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho các Ban quản lý dự án và một số Công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. Việc làm trên dẫn đến phát sinh nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn... làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế, cụ thể:

Năm 2006, UBND thành phố chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch 495,374 tỷ đồng). Đến năm 2009, ông Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP 79 của Vũ “Nhôm” còn được giao khu đất 29 ha thuộc dự án Sân Golf Đa Phước với giá thấp hơn giá thành phố quy định làm lợi cho Công ty CP 79 là 570 tỷ đồng.

Không chỉ ưu ái cho Cty 79, lãnh đạo UBND thành phố và Hội đồng còn áp dụng giá “ưu đãi” khi nhượng khu đất A4, A5 thuộc khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc cho Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch.

TTCP xác định, lãnh đạo UBND thành phố và Hội đồng không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất sản xuất kinh doanh (bằng 0,7 giá đất ở) gây thất thu cho ngân sách. Đến năm 2010, Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bất động sản Phương Trang với số tiền là 285,6 tỷ đồng, chênh lệch so với giá của thành phố xác định năm 2007 là 220 tỷ đồng. Tương tự, khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Tân Cường Thành cũng được tính giá thấp hơn giá thành phố quy định hơn 67 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khu đất chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch cũng được UBND thành phố xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2007, qua 4 lần gia hạn nộp tiền, đến tháng 9/2009 Công ty mới nộp tiền sử dụng đất nhưng thành phố không xác định lại giá (gây thất thu 120 tỷ đồng), sau đó nhà đầu tư đã chuyển nhượng ngay cho đối tác khác thu lợi hơn 498 tỷ đồng.

Tương tự, khu đất A2, A3 (diện tích 34.306m2) thuộc khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông với giá 2.570.000 đồng/m2 (tương đương hơn 88 tỷ đồng. Ngay sau khi mua được hai lô đất này, bà Đông lập tức chuyển nhượng lô đất A2 cho bà Nguyễn Thị Xuân với giá hơn 133 tỷ đồng, thu chênh lệch gần 108 tỷ đồng.

Còn Lô đất A3, sau khi bà Đông được UBND thành phố cho chuyển tên trên Hợp đồng cho bà Trương Thị Chi và Lê Thuý Hương. Ngày 11/8/2010, bà Chi và Hương chuyển nhượng lô đất cho ông Trương Đình Trung với giá hơn 218 tỷ đồng, thu chênh lệch gần 156 tỷ đồng. Tiếp đó, ông Trung chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Phương Trang với giá 475 tỷ đồng, thu chênh lệch gần 257 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền chênh lệch so với giá của thành phố mà các cá nhân thu được thông qua chuyển nhượng 2 khu đất nêu trên là trên 520 tỷ đồng.

Kiến nghị điều tra từ 5 năm trước

Vào năm 2013, khi công bố kết luận thanh tra, TTCP đã kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ xác định một số hành vi cố ý làm trái pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; vi phạm về xác định nghĩa vụ tài chính khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hành vi bán đất của người nhận chuyển nhượng thu lợi lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước của 6 trường hợp nêu trên. Kiến nghị này của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Cũng theo TTCP, tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất là 2,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số khu đất Hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với quy định như: Khu đất 209 đường Trường Chinh; 4 khu đất A2, A3, A4, A5 Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; khu đất số 8 đường Hùng Vương; 4 khu đất khu vực vịnh Thuận Phước…, cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án này để truy thu về ngân sách nhà nước.

“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc lãnh đạo UBND thành phố thời kỳ 2003 - 2011, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Hội đồng thẩm định giá thành phố, Ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông, Công ty Quản lý và khai thác đất thành phố” –TTCP xác định.

Vũ nhôm “ôm” bao nhiêu đất công sản tại Đà Nẵng?

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 17/4/2018, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 6 người có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, tức Vũ “Nhôm”, Giám đốc Cty CP 79). Trong đó, ông Trần Văn Minh (SN 1955), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thời kỳ 2006-2011 đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”.

Cùng bị khởi tố điều tra về hai tội danh trên, song ông Văn Hữu Chiến (SN 1954), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thời kỳ 2011 – 2014 được tại ngoại hầu tra và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cứ trú.

Vào tháng 9/2017, khi khi Vũ “nhôm” bị bắt, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu phối hợp điều tra việc mua bán nhà, đất công sản trên địa bàn TP từ 2006 đến nay. Trong văn bản này, Cơ quan An ninh điều tra cho biết đang thực hiện điều tra làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại TP.Đà Nẵng.

Được biết, hầu hết những dự án nhà, đất công sản kể trên đều thuộc về Vũ “nhôm”, bằng “quan hệ” với các thế hệ lãnh đạo thành phố mà có được với giá hời, rồi sang tay thu lợi.

Nói về vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBNTP Đà Nẵng cho biết, Bộ Công an đã có yêu cầu tạm ngừng các giao dịch liên quan tài sản của 4 cá nhân liên quan cụ thể, trong đó có Vũ “nhôm”.

“UBND TP đã giao cho các sở, ngành rà soát, tập hợp để thực hiện việc dừng giao dịch tài sản liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân được nêu tên theo yêu cầu của Bộ Công an. Đến thời điểm hiện tại chưa có báo cáo đầy đủ. Những tài sản đứng theo tên những người này nằm rải rác ở quận, huyện ở thành phố, rồi ở các công ty”, ông Thơ thông tin tại cuộc họp báo diễn ra đầu năm 2018.

Theo Tienphong

Bạn đang đọc bài viết "Vụ bắt giam cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Từng kiến nghị điều tra 5 năm trước" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin