Vụ án PVTEX: Hối lộ 20% cổ phần để được thành lập công ty sân sau

Sáng 28/8, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX và các đồng phạm liên quan các sai phạm tại PVTEX, bị cáo Đỗ Văn Hồng khai rằng, nếu không chung chi 20% cổ phần, thì không được thành lập Công ty PVTEX.KBC.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng tại tòa.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng tại tòa.)

Bị cáo Đỗ Văn Hồng, nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC Kinh Bắc thừa nhận, đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra về việc năm 2010, bị can này đã chi cho Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX) và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng thông qua việc góp cổ phần khi thành lập CTCP PVTEX KBC.

Theo lời khai của bị cáo Hồng, bị cáo nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC Kinh Bắc. Công ty PVC Kinh Bắc đã liên danh với Heerim PVC nộp hồ sơ thầu dự án nhà ở của cán bộ công nhân PVTEX. Quá trình tham gia gói thầu này, bị cáo Hồng đã gặp gỡ Vũ Đình Duy, chủ đầu tư của dự án.

Khi làm việc với Vũ Đình Duy, bị cáo Hồng nhiều lần nghe Duy đề cập đến việc là sau khi Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đi vào hoạt động, một số lĩnh vực cần có nhà cung cấp, trong đó đặc biệt cần nhà cung cấp lõi giấy để cuốn chỉ và bao bì.

“Tôi thấy việc làm ăn có hiệu quả nên đặt vấn đề xin tham gia đầu tư và được ông Duy đồng ý cho thành lập Công ty PVTEX Kinh Bắc. Cổ đông sáng lập ban đầu bao gồm PVC.KB, Công ty Đào Viên, PVTEX, các cá nhân khác gồm con gái tôi, ông Trần Mạnh Cường, bà Đỗ Thị Thùy Linh” – bị cáo Hồng khai.

Theo bị cáo Hồng, ban đầu PVTEX định góp bằng thương hiệu, nhưng cơ quan chức năng không chấp thuận, phải chuyển sang góp bằng tiền. Khi bị cáo xin lập công ty, ông Duy yêu cầu phải trả lại 20% cho ông Hiếu và ông Duy.

Cơ quan điều tra xác định, thực chất, Duy và bị can Hiếu không nộp tiền. Đỗ Văn Hồng là người phải nộp tiền thay để được thành lập PVTEX.KBC và để sau này được PVTEX tạo điều kiện cho công việc kinh doanh được thuận lợi. Số vốn góp này được đứng tên em dâu của Vũ Đình Duy và em rể của Trần Trung Chí Hiếu.

“Tôi thấy đây là việc người ta đang làm và tôi chen ngang nên đồng ý” – bị cáo Hồng lý giải vì sao phải đóng tiền cổ phần thay cho Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy.

Đối với dự án nhà ở cán bộ cán bộ, công nhân của PVTEX, Đỗ Văn Hồng với tư cách là người đại diện của Công ty PVC Kinh Bắc đã ký hợp đồng số 14 với PVTEX do Vũ Đình Duy đại diện.

Khi thực hiện hợp đồng, Công ty PVC Kinh Bắc đã được tạm ứng 2 lần. Lần tạm ứng thứ 2 với số tiền 20 tỷ đồng đã được Đỗ Văn Hồng sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: trả công nợ của dự án, tạm ứng cho các đơn vị triển khai dự án, chi trả một số chi phí hành chính của Công ty PVC Kinh Bắc. Bản thân bị cáo Hồng đã tạm ứng cá nhân 2 lần với số tiền 5,3 tỷ đồng nhưng sau đó đã hoàn ứng.

Đối với sai phạm trọng việc thực hiện dự án nhà ở, thẩm phán Trương Việt Toàn đã hỏi bị cáo Hồng: “Hợp đồng số 14 có trái pháp luật hay không?”

Bị cáo Hồng ban đầu cho rằng, hợp đồng số 14 không trái pháp luật. Nhưng sau đó bị cáo thừa nhận khi bị điều tra, truy tố, bị cáo đã nhận thức được hành vi trái pháp luật.

Thẩm phán Trương Việt Toàn nhấn mạnh, theo phương án thiết kế phê duyệt, dự án nhà ở là nhà chung cư. Nhưng Hợp đồng số 14 đã thay đổi thành nhà liền kề chia lô. Vì thế, bản chất hợp đồng số 14 trái pháp luật và những điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng không có nhiều ý nghĩa.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/thoi-su/vu-an-pvtex-hoi-lo-20-co-phan-de-duoc-thanh-lap-cong-ty-san-sau-3466787.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin