"Vụ án ông Đinh La Thăng là biểu hiện của tệ tham nhũng, lãng phí"

“Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân”, vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân nhận định khi nêu quan điểm luận tội bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường nêu quan điểm luận tội. (Ảnh: TTXVN)
Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường nêu quan điểm luận tội. (Ảnh: TTXVN))

Chiều nay (11.1) trong phần nêu quan điểm luận tội đối với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường, một trong những người giữ quyền công tố tại Tòa đã nhận định: "Tại phiên toà, hầu hết bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như Viện KSND cáo buộc. Bị cáo cho rằng trong quá trình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, để xảy ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng và tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện. Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu do sức ép về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên"

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 11.1. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 11.1. (Ảnh: TTXVN))

Cũng theo ông Cường, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ PVN cho rằng sau này bị cáo mới biết hợp đồng EPC số 33 là không đúng quy định và không chỉ đạo việc tạm ứng tài chính. Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc của PVN cũng cho rằng chỉ sau này mới biết hợp đồng số 33 trái quy định và không chỉ đạo việc chi tạm ứng trái nguyên tắc.

“Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, lời khai của nhân chứng, người liên quan, kết luận giám định cùng các tài liệu chứng cứ khác có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo”, ông Đào Thịnh Cường nói.

Vẫn theo Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội, đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo dùng sai mục đích tiền tạm ứng; không thừa nhận việc chỉ đạo đề ra chủ trương lập khống hồ sơ thi công để rút và chiếm đoạt tiền của PVC, nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo khác tại phiên toà, lời khai của nhân chứng và chữ ký của chính bị cáo trên các tài liệu hợp thức hồ sơ khống có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của bị cáo.

“Như vậy có đủ cơ sở khẳng định Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội Tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, ông Cường khẳng định.

Vị đại diện Viện KS này nhấn mạnh thêm: “Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân”.

“Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng, lãng phí; thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật và có thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, những là hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Công lý phải được thực thi, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Đào Thịnh Cường nói.

Đại diện Viện KS đề nghị mức án đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật HS 1999):

Bị cáo Đinh La Thăng: 14-15 năm.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC: 13-14 năm.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, cựu kế toán trưởng PVN: 10-11 năm.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó tổng giám đốc PVN: 10-11 năm.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó tổng giám đốc PVN: 10-11 năm.

Bị cáo Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc PVN: 12-13 năm.

Bị cáo Trương Quốc Dũng, cựu phó tổng giám đốc PVC: 17-18 tháng.

Bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC: 8-9 năm.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, cựu phó tổng giám đốc PVC: 7-8 năm.

Bị cáo Phạm Tiến Đạt, cựu kế toán trưởng PVC: 6-7 năm.

Bị cáo Trần Văn Nguyên, cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN: 2-3 năm tù cho hưởng án treo.

Bị cáo Lê Đình Mậu, cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN: 7-8 năm

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC: 8-9 năm

Bị cáo Vũ Hồng Chương, cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2: 2-3 năm tù cho hưởng án treo

Tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999):

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT PVC: chung thân

Bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC: 18-19 năm

Bị cáo Nguyễn Anh Minh, cựu phó tổng giám đốc PVC: 18-19 năm

Bị cáo Lương Văn Hòa, cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 13-14 năm.

Bị cáo Bùi Mạnh Hiển, cựu chánh văn phòng PVC: 13-14 năm

Bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh, cựu giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng: 8-9 năm.

Bị cáo Nguyễn Đức Hưng, cựu trưởng phòng tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 30-36 tháng.

Bị cáo Nguyễn Lý Hải, cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 30-36 tháng tù cho hưởng treo

Bị cáo Lê Xuân Khánh, cựu trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 30-36 tháng tù cho hưởng treo.

Bị cáo Lê Thị Anh Hoa, cựu giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa: 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin