Vận động giảm lãi suất trong chính sách tiền tệ

28/07/2021 08:13

Từ giữa tháng 7 có 2 sự kiện được giới ngân hàng (NH) Việt Nam quan tâm. Thứ nhất, Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú giao Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7. Thứ hai, NHNN có văn bản về việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng của các NH từ 8,5% lên 12,1%, hoặc từ 10,5% lên 15%, tùy từng NH.

13-1627434748.jpeg
Ảnh minh họa

Room tín dụng

Một vài người làm trong NH lâu năm nhận xét chính sách tiền tệ “vận động giảm lãi suất” có thể thực hiện được, vì các NH vẫn muốn được sự hỗ trợ về mặt chính sách trong cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, cũng như việc cấp phép cho các loại sản phẩm dịch vụ mới sau này.

Vì vậy, không có gì lạ khi các TCTD đồng thuận để giảm lãi suất ngay trong tháng 7. Hạn mức tín dụng có thể được xem như củ cà rốt, nhưng cũng là cây gậy để điều tiết hành vi của các TCTD trong “chính sách tiền tệ đồng thuận”.

Trong cách làm chính sách này, thay vì dùng những công cụ kỹ thuật của thị trường, NHNN sử dụng công cụ có tính “chính trị”, đó là mối quan hệ tốt đẹp với NHNN. Nếu TCTD “hỗ trợ” NHNN trong thực thi chính sách, đổi lại những lợi ích mềm về hạn mức tín dụng, đánh giá xếp loại NH hay thí điểm triển khai dịch vụ mới có thể thương lượng.

Trong thị trường tài chính Việt Nam, mối quan hệ cây gậy và củ cà rốt chính sách này luôn được thể hiện ở nhiều thời điểm trong quá khứ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, xuất hiện 2 vấn đề.

Thứ nhất, các TCTD vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, cơ cấu nợ theo Thông tư 03 đồng thời với giảm lãi suất. Nếu thực hiện cùng lúc các mặt này một cách thực chất, các TCTD sẽ khó duy trì được tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như hiện nay. Thứ hai, là câu hỏi ai sẽ được vay lãi suất rẻ?

Cơ cấu nợ, Thông tư 03 và an toàn vốn

Vấn đề giới đầu tư ngành NH quan tâm thời gian qua là tính bất định của con số hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ cơ cấu theo Thông tư 03. Với sự bùng phát làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19, con số tín dụng bị ảnh hưởng có lẽ đã tăng thêm. Bao nhiêu trong số đó chưa được phân loại và trích lập dự phòng rủi ro hợp lý? Theo Thông tư 03, các NH sẽ cần trích lập dần trong vòng 3 năm với tỷ lệ phân bổ 30% trong năm 2021.

Ngoài ra, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng chỉ thực hiện đến ngày 31-12-2021, tức chỉ còn 5 tháng nữa, trong khi nhiều khả năng các khách hàng doanh nghiệp sẽ còn cần được hỗ trợ thêm sang cả năm sau trong việc cơ cấu nợ, miễn và giảm lãi. Diễn biến bất ngờ của dịch bệnh lần này có thể khiến Thông tư 03 rơi vào trạng thái “việt vị”.

Vì vậy, đã có những đề xuất là cần sửa Thông tư 03 thêm lần nữa. Nhưng nếu vậy sẽ lại tiếp tục “đá quả bóng trích lập dự phòng nợ xấu một cách đúng và đầy đủ về tương lai”. Và các NH quản trị không tốt cứ vậy mà “làm liều”, vì cứ dịch bệnh sẽ sửa thông tư, cho phép cơ cấu lại nợ, trì hoãn trích lập dự phòng.

Điều này đi ngược với phương pháp quản lý NH hiện đại là phải đảm bảo đủ an toàn vốn và trích lập dự phòng đầy đủ để tạo vùng đệm an toàn với những rủi ro vỡ nợ tín dụng trên diện rộng và có tính hệ thống. Với các NH ít thận trọng hơn, rủi ro thanh khoản và mất ổn định hệ thống có thể sẽ diễn ra nếu họ không có của để dành đầy đủ cho đợt diễn biến phức tạp nữa của dịch Covid-19, thậm chí nếu điều đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng ở các thị trường mới nổi.

Những vụ vỡ nợ đang diễn ra trên thị trường trái phiếu và tín dụng cho các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, đang là lời cảnh báo cho những quốc gia khác. Chúng ta tuyệt đối không nên xem nhẹ những rủi ro này và bị huyễn hoặc trong cách nói dân gian là “tiền nhiều quá để làm gì”. Tiền nhiều nhưng giá trị các khoản nợ đang xin tái cơ cấu còn nhiều hơn số tiền mặt ngoài thị trường gấp mấy lần.

Nói cách khác, chúng ta có thể đang bị che mắt bởi sự dư dả thanh khoản giả tạo của nền kinh tế vì tiến trình giãn, giảm và cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và 03.

Bài học cải tổ thị trường tài chính của Trung Quốc gần đây được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận xét là bắt buộc phải làm dù nó làm tăng rủi ro vỡ nợ của các “sân sau” tài chính các chính quyền địa phương, bởi Trung Quốc không thể tiếp tục đá quả bóng rủi ro vỡ nợ này vào tương lai mãi được.

Trung Quốc đang đi qua giai đoạn cải tổ đau đớn của thị trường tài chính mà Việt Nam muốn tránh. Nó là hệ quả của việc trì hoãn đảm bảo kỷ luật tài chính và cải tổ thị trường trong những năm trước Covid, để rủi ro tăng mạnh trong hệ thống. Covid-19 chỉ kích nổ những quả bom trong lòng hệ thống tài chính của Trung Quốc mà thôi.

Lãi suất cho vay giảm, ai được vay?

Đồng thời với nới room tín dụng, nhiều NH cũng công bố giảm lãi suất theo khuyến nghị của NHNN. Phần lớn các NH này đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của khách hàng tại thời điểm 15-7 đến hết năm 2021. Vậy ai sẽ được vay? Năm ngoái nhiều NH đã giảm lãi vay sau khi được tăng hạn mức tín dụng.

Nhưng nếu tìm hiểu kỹ lại, những vụ giảm lãi vay lớn nhất đã chiếm phần lớn khoản giảm lãi của các NH. Chẳng hạn, các khoản cơ cấu nợ và tăng cho vay với lãi suất gần như cho không với Vietnam Airlines. Nếu bỏ các khoản cho vay hỗ trợ của NH cho các ông lớn này, ai đang thực sự được giảm lãi suất?

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, nhấn mạnh “Chúng tôi muốn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng các NH đã hỗ trợ cho những nhóm ngành nào, thậm chí khách hàng nào, để tất cả đều thấy rằng sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất”.

Nếu phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể vay được và vì vậy biến mất trên thị trường, trong khi các ông lớn được tiếp cận vốn có thể tồn tại, thậm chí thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này, chúng ta đang tạo ra rủi ro mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang cảnh báo. Đó là tình trạng “quá lớn để đổ vỡ” có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn sau dịch Covid-19, khi những đại công ty trở thành những công ty khổng lồ.

Và nếu trong số đó có tỷ lệ đáng kể những công ty “nghiện” vay nợ và luôn cần được hỗ trợ tái cơ cấu nợ thì nguy to.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/van-dong-giam-lai-suat-bang-cu-ca-rot-va-cay-gay-trong-chinh-sach-tien-te.html

Bạn đang đọc bài viết "Vận động giảm lãi suất trong chính sách tiền tệ" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin