Vắc xin Covid-19 duy trì “hiệu quả đáng kinh ngạc”, bất chấp biến thể Delta vẫn đang hoành hành

Các chuyên gia cho biết, vắc xin Covid-19 đạt “hiệu quả đáng kinh ngạc” mặc dù có nhiều lo ngại khả năng miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian.

6-1630636251.jpeg

Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Gần đây xuất hiện rất nhiều nghiên cứu và thông tin về ngày càng nhiều các trường hợp “đột phá” trong số những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên các nhà khoa học chỉ ra rằng nhóm người hoàn thành 2 mũi tiêm chủng, thậm chí nhiều hơn hai mũi vẫn đạt kết quả bảo vệ cao chống lại lây nhiễm chuyển biến nặng, nhập viện và tử vong do virus gây ra.

Theo dữ liệu sơ bộ được chính phủ Israel công bố vào tháng Bảy cho thấy, vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả 16% chống lại lây nhiễm có triệu chứng ở nhóm đã tiêm hai liều vào tháng Giêng. Sau ba tháng, đến tháng Tư, hiệu quả vắc xin đã được nâng cao lên 79%. Một nghiên cứu do Pfizer tài trợ, được công bố vào tháng 7, chỉ ra hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech mạnh nhất trong khoảng từ một tuần đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai, đạt 96,2%. Tuy nhiên, sau đó, tỷ lệ bảo vệ giảm trung bình 6% sau mỗi hai tháng. Khoảng thời gian từ bốn đến sáu tháng sau liều thứ hai, hiệu quả còn khoảng 84%.

Trong khi đó, vào tháng 8, một nghiên cứu của Vương quốc Anh với quy mô hơn một triệu người được tiêm chủng đầy đủ cho kết quả khả năng bảo vệ của vắc xin Oxford-AstraZeneca và Pfizer-BioNTech đều mất dần theo thời gian. Một tháng sau khi tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer, khả năng bảo vệ chống lại vi rút đạt 88%. Sau 5 đến 6 tháng, mức bảo vệ đó giảm xuống còn 74%. Tỷ lệ bảo vệ đạt 77% một tháng sau khi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Oxford-AstraZeneca và giảm xuống 67% sau bốn đến năm tháng.

Bài học từ Israel

Công cuộc tiêm chủng của Israel là một trong những đợt triển khai nhanh nhất thế giới. Nhưng bất chấp nhiều nỗ lực, số ca nhiễm Covid-19 tại đây tăng mạnh kể từ tháng 7. Cũng trong cuối tháng này, Israel bắt đầu cung cấp liều vắc xin thứ ba cho tất cả người dân trên 60 tuổi. Chương trình tăng cường đã được mở rộng nhanh chóng và tiêm mũi thứ ba cho những ai trên 30 tuổi kể từ tháng 8.

Giáo sư Eyal Leshem, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, người đang điều trị cho bệnh nhân Covid ở Israel, cho hay, mặc dù số ca bệnh tăng đối lập với tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ bệnh nặng ở nước này vẫn “thấp hơn đáng kể”. Ông chia sẻ thêm: “Chúng tôi cho rằng, điều này là nhờ hầu hết dân số trưởng thành được tiêm hai liều và hơn một triệu người đã được tiêm liều nhắc lại thứ ba... Tỷ lệ bệnh nặng ở những người được tiêm chủng là khoảng 1/10 so với những người chưa được tiêm chủng, có nghĩa là vắc xin vẫn có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. Những người được tiêm liều tăng cường cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn nhiều”.

Richard Reithinger, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm Phó Chủ tịch y tế toàn cầu của RTI International có trụ sở tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Bằng chứng đanh thép nhất là số ca mắc và ca bệnh nặng hay tử vong đã giảm đáng kể ở các quốc gia mở rộng phạm vi tiêm chủng nhanh chóng. Tại các nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin rất cao, chẳng hạn như Iceland với hơn 90%, hầu như không có ca bệnh nặng và tử vong nào được báo cáo. Tương tự, ở các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin từ trung bình đến cao, như Hoa Kỳ và Canada, các trường hợp nghiêm trọng và tử vong hầu như chỉ thấy ở những người không được tiêm chủng”.

Hiệu ứng Delta

Một nghiên cứu trước đó được công bố vào tháng 5, cho thấy vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy hai liều vắc xin Oxford-AstraZeneca có hiệu quả 60% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng do Delta gây ra, so với tỷ lệ 66% đối với biến thể alpha. Reithinger phân tích virus tiếp tục đột biến không có nghĩa sẽ kháng vắc xin nhiều hơn: “Biến thể Delta đã được chứng minh dễ lây truyền hơn các biến thể khác và hiệu quả của vắc xin thấp hơn một chút so với các biến thể alpha và beta. Tuy nhiên, biến thể kappa, xuất hiện ở Ấn Độ cùng thời gian, không được có sức công phá như vậy”.

Các mũi tiêm tăng cường có phải là câu trả lời?

Một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, hiện đang cung cấp hoặc dự định cung cấp liều vắc xin thứ ba nhắm giúp tăng cường miễn dịch. Theo Gideon Schreiber, một Giáo sư tại Viện Khoa học Weizmann của Israel, những mũi tiêm tăng cường có thể trở thành một nhu cầu thiết yếu: “Virus có khả năng biến đổi rất lớn, nhiều biến thể mới xuất hiện sẽ ngăn cản khả năng miễn dịch, vì vậy có lẽ chúng tôi sẽ cần thêm các liều tăng cường trong tương lai”. Schreiber nói thêm rằng chương trình tăng cường của Israel cho đến nay đã thành công lớn bởi sau liều thứ hai, nguy cơ bệnh nặng thấp hơn từ bốn hoặc năm lần, cho tới liều thứ ba, người được tiêm chủng giảm nguy cơ hơn 10 lần”.

Tuy nhiên ông lưu ý rằng không nhất thiết phải tiêm tăng cường ngay lúc này: “Chỉ có một số dữ liệu hạn chế cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc-xin sẵn có sẽ suy yếu sau sáu đến tám tháng. Hầu hết dữ liệu là về lây nhiễm chứ không phải là nhập viện hay tử vong. Dữ liệu cũng không tính đến việc sử dụng các biện pháp can thiệp phi dược phẩm. Nhóm dân số duy nhất có thể thực hiện các trường hợp tiêm nhắc lại là những người bị suy giảm miễn dịch”. Tất nhiên không loại trừ khả năng tiêm nhắc lại nếu dữ liệu chứng minh hiệu quả vắc xin đối với bệnh nặng và tử vong giảm dần theo thời gian.

Hy vọng về một phương pháp điều trị mới?

Schreiber hiện đang giám sát nghiên cứu về một loại thuốc điều trị có thể tự gây nhiễu vật lý vào các thụ thể tế bào mà virus bám vào. Bằng cách chặn các “cổng vào” của tế bào thay vì tấn công chính vi rút, các nhà khoa học hy vọng sẽ nắm bắt được chìa khóa điều trị trong tương lai. Schreiber cho biết loại thuốc này sẽ không được sử dụng trên diện rộng.

“Nó quá đắt và không cần thiết”, ông nói, “Theo tôi thấy thì nên dùng loại thuộc này cho những người mắc Covid và nhóm nguy cơ cao. Thuốc cũng không có tác dụng lâu dài như vắc xin”. Leshem lập luận rằng tiêm chủng hiện là hy vọng tốt nhất mà xã hội có được để tìm thấy trạng thái “cân bằng” với virus. Các công ty dược phẩm cũng đang xem xét các phương pháp điều trị mới để ngăn ngừa Covid ngoài vắc xin. Vào giữa tháng 8, AstraZeneca đã công bố kết quả từ thử nghiệm giai đoạn ba của một liệu pháp kháng thể được phát hiện làm giảm 77% nguy cơ phát triển Covid-19 có triệu chứng. Không có trường hợp tử vong hoặc bệnh nặng nào trong số 25 người tham gia trong quá trình thử nghiệm. Reuters đưa tin rằng AstraZeneca đang tìm kiếm sự chấp thuận có điều kiện cho liệu pháp này tại các thị trường lớn trong năm nay. Hãng tin cho biết gã khổng lồ dược phẩm sẽ sản xuất từ ​​1 đến 2 triệu liều vào cuối năm 2021. Schreiber chỉ ra: “Virus liên tục biến đổi, các biến thể mới sẽ xuất hiện, nhưng tốc độ của những tiến bộ công nghệ thực sự đáng kinh ngạc”.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/vac-xin-covid-19-duy-tri-hieu-qua-dang-kinh-ngac-bat-chap-bien-the-delta-van-dang-hoanh-hanh.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin