Ủy viên UB Tư pháp Quốc hội, Luật gia Nguyễn Đức Sáu: “Tôi không phải người đặc biệt…”

(Pháp lý) - “Khi làm thẩm phán với nhiệm vụ xét xử, tôi luôn đau đáu về thân phận những con người trong guồng quay số phận. Khi trở thành Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, gánh trên vai trọng trách xây dựng pháp luật, tôi luôn trăn trở về những quy định pháp luật nhân đạo…”. Đó là những chia sẻ của ĐBQH, Luật gia Nguyễn Đức Sáu, hiện là Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.

Từ lính đặc công thời chiến đến vị quan tòa thời bình

Ngày 17/4/1972, ông Sáu lên đường nhập ngũ, được biên chế về đơn vị lính đặc công. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ phải gan dạ và mưu trí hơn người. Chính môi trường đặc biệt này đã tôi luyện ông, tạo cho ông có những phẩm chất tốt để sau này là những hành trang quí giá trên các chặng đường công tác. Chính vì thế ông Sáu luôn nói: “Tôi may mắn được làm người lính đặc công”. Năm 1976 đất nước bước vào thời bình, đơn vị ông được cử về Tây Ninh xây dựng, tái thiết đất nước. Rồi ông chuyển sang ngành Tòa án và vinh dự được bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Ông có kinh nghiệm hơn 36 năm ngồi ghế quan tòa và được biết đến như một Thẩm phán mạnh mẽ trong việc tuyên xử nhiều bị cáo không phạm tội. Để có thể đưa ra những quyết định đó, đã không ít lần ông Sáu phải thân chinh đến tận hiện trường xảy ra vụ án để nghiên cứu, thậm chí phải tự mình “thực nghiệm điều tra”. Nhờ vậy, những bản án tuyên vô tội của HĐXX mà ông là chủ tọa có sức thuyết phục cao, vì nó “thấu lý đạt tình”.

 Ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Vụ án gây ấn tượng đặc biệt trong cuộc đời “cầm cân nảy mực” của cựu Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu là vụ án cháy tàu Ninh Cơ. Gần 30 năm trước, tàu Ninh Cơ - loại tàu chở hàng đông lạnh, tải trọng 1.606 tấn - bất ngờ phát cháy khi đang neo đậu tại cảng thực vật Nhà Bè để sửa máy. Vụ cháy làm ba người bị thiệt mạng và một người bị bỏng nặng. Sau đó, điện trưởng, kỹ sư máy, thủy thủ bị truy tố về hai tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng máy trưởng và thuyền trưởng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vận dụng kiến thức khi còn làm lính đặc công, ông nhận thấy vụ việc có những dấu hiệu khác thường. Tiến hành điều tra, nhận định độc lập sau đó HĐXX mà ông làm chủ tọa đã tuyên điện trưởng, kỹ sư máy, thủy thủ lãnh án về hai tội danh bị truy tố. Máy trưởng và thuyền trưởng do vô can nên được tuyên không phạm tội.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Sáu cũng được biết đến là Thẩm phán đã giải oan anh Phạm Việt Nam Hòa Bình - người được minh oan sau 17 tháng tù giam vì cứu người bị tai nạn giao thông. Anh Bình làm việc tốt nhưng lại bị nghi ngờ là thủ phạm gây án. Những tình tiết bất thường ở hiện trường đã chứng minh anh vô tội. Trước sự sáng suốt của thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, anh Bình được tự do… Ông Sáu tin rằng với quyết định của mình, anh Bình sẽ tiếp tục làm người tử tế và sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn khác khi họ cần.

Nói về quá trình xem xét những vụ án như thế, ông Sáu chia sẻ: Khi xét xử, Thẩm phán trước hết là con người nhìn vào một con người, soi rọi mọi ngóc ngách của vụ án để xem có gì oan khuất đằng sau đó hay không. Khi đã tin chắc, Thẩm phán mới đưa ra phán quyết với sự thanh thản trong lòng.

Ông Nguyễn Đức Sáu cũng được biết đến là Thẩm phán từng xét xử những vụ án lớn, phức tạp và rúng động trong dư luận. Những năm đầu thập niên 1990, ông xét xử những vụ án như “Nước hoa Thanh Hương”, “Lâm Cẩu”, “Trần Xuân Hoa”, vụ án “Minh Phụng – EpCo”...

Những ngày đầu năm 2005, ông chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy do Nguyễn Văn Hải (Hải Luận) cầm đầu cùng đồng bọn thực hiện mua bán 2.354 bánh heroin - số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay mà các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và đưa ra xét xử. Các đối tượng trong các vụ án trên đều là những kẻ giang hồ khét tiếng nhưng đối diện với chúng, ông điều khiển rất bình tĩnh, tự tin và điềm đạm. Bằng một phong thái đĩnh đạc, ông đã “buộc” các bị cáo phải cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, tâm phục khẩu phục.

Khi kể lại những câu chuyện chẳng thể nào quên đó, ông Sáu thường trầm ngâm nghĩ ngợi. Ông nói: Tôi luôn đau đáu về thân phận của một con người cụ thể. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Mỗi con người trong một hoàn cảnh nhất định thì có những cách hành xử khác nhau. Với một người lầm lỡ, phạm tội thì phải nghiên cứu xem xét về hoàn cảnh phạm tội của họ. Bởi lẽ, chỉ trong một tích tắc thôi, một người thường có thể trở thành tội phạm…

Nặng lòng với nhiều vấn đề xã hội

Khi còn làm Chánh tòa hình sự, ông Nguyễn Đức Sáu luôn nặng lòng với những vấn đề của đời sống. Có lần được hỏi về một vụ cướp và tình trạng bạo lực gia tăng, ông đã nói: Những kiểu hành xử côn đồ, sử dụng bạo lực để tấn công, gây thương tích, thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác chỉ vì bực tức trước thái độ của người khác đối với mình gần đây diễn ra nhiều. Có nhiều vụ án người ta sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác chỉ vì một lý do rất không đâu vào đâu. Tòa án đã quyết định những bản án nghiêm khắc cho các đối tượng vi phạm này nhưng có vẻ trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, nhất là lớp trẻ, luôn coi trọng chuyện ăn thua , trả thù người khác bất chấp sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Nói về hiện tượng cho vay nặng lãi, ông cũng tâm tư: Đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương, phối hợp với nhau để tìm cách giải quyết, không thể chần chừ thêm nữa. Người dân cần hết sức cân nhắc khi vay lãi nặng để đầu tư làm ăn. Bởi việc đầu tư rất rủi ro, có khi khoản lãi từ việc đầu tư không đủ để trả lãi nặng của nguồn vốn vay. Hoặc việc làm ăn thua lỗ dẫn đến khả năng người vay phải ôm số nợ gốc và lãi rất lớn. Lãi không trả được lại bị cộng dồn vào tiền gốc khiến người vay tiền phải chịu cảnh lãi chồng lãi. Khi bị chủ nợ cho đàn em đến đe dọa, uy hiếp phải trả nợ, bán nhà với giá rẻ mạt, người dân cần trình báo cơ quan chức năng để được bảo vệ...

Khi nói về các loại tội phạm khác nhau, ông Sáu nói mình luôn chú ý đến tội phạm nguồn – tức là loại tội phạm có thể làm phát sinh thêm các tội phạm khác để có thể lựa chọn hình phạt đích đáng, cũng như lên tiếng cảnh báo răn đe chung.

Mới tham gia Quốc hội không lâu nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, ông Sáu đã luôn thể hiện trăn trở với những quy định pháp luật được đưa bàn trước Quốc hội và được người dân quan tâm. Mới đây, dự án sửa đổi BLHS 2015 phải lùi thi hành và chỉnh sửa. Nhiều người nói chủ yếu là về kĩ thuật, dưới con mắt của ông Sáu thì BLHS ngoài lỗi kĩ thuật thì có cả những nội dung liên quan chưa thực sự thấu đáo. “Tôi đặc biệt trăn trở về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đủ 14 tuổi và dưới 16 tuổi. Có ý kiến cho rằng trước những vấn đề trẻ hóa của tội phạm, bạo lực học đường nên cần truy cứu trách nhiệm hình sự với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên từ thực tế công tác pháp luật, tôi thấy tỉ lệ người trẻ phạm tội phạm đó không nhiều. Họ là người chưa thành niên cần được giáo dục bởi gia đình, nhà trường tốt hơn. Tôi đã lên tiếng về quy định này khi là ĐBQH. Nhờ thế mà BLHS thông qua, thống nhất không truy cứu TNHS người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi trách nhiệm khi mắc các loại tội ít nghiêm trọng.

Một người khiêm nhường

Vừa giữ trọng trách ĐBQH khóa XIV, ông Nguyễn Đức Sáu hiện là Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, một thành Hội năng động, mạnh mẽ với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Chia sẻ công việc hiện nay, ông tâm sự: Kinh nghiệm của hơn 36 năm làm Tòa án đã giúp ích rất nhiều trong công việc của Hội Luật gia TP. HCM cũng như vai trò thành viên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Nhờ có những kiến thức thực tiễn thường xuyên va chạm từ xét xử, cộng với vốn kiến thức tích lũy nhất định góp phần không nhỏ cho tôi khi tham gia góp ý các dự án luật mới, sửa đổi theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Tôi nghỉ hưu nhưng thời gian và thời lượng làm việc cũng như cũ.

Ông Nguyễn Đức Sáu được biết đến là người luôn cởi mở với báo chí. Ông tâm sự: Báo chí mong muốn thông tin phản ánh về những sự kiện nóng trong đời sống xã hội. Báo chí cần những thông tin đúng đắn và đầy đủ vì tác động đến nhiều người. Tôi hiểu ảnh hưởng của báo chí nên luôn sẵn sàng chia sẻ một cách thoải mái. Khi chia sẻ với báo chí, tôi nói dựa trên những sự thật, những tài liệu được xem xét và đối chiếu kĩ lưỡng. Tôi tin rằng mình làm công tác pháp luật được anh em báo chí ủng hộ, tuyên truyền là rất tốt… Cũng bởi tâm thế thoải mái như thế, ông trở thành một chuyên gia pháp lý gần gũi với nhiều nhà báo, ông sẵn lòng chia sẻ quan điểm, góc nhìn, hướng xử lý khi được Phóng viên hỏi về những vụ việc cụ thể.

Khi tiếp xúc với nhiều vụ án, nhiều tội phạm xã hội, hỏi về thái độ với rất nhiều loại tội phạm đang nảy nở trong xã hội, ông Nguyễn Đức Sáu chia sẻ bằng thái độ lạc quan: Ở đâu cũng có tội phạm, đặc biệt là ở thành phố HCM nơi dân cư rất đông. Tôi lo ngại nhiều về tình trạng tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy gia tăng hiện nay. Tôi không thờ ơ, với chức trách là ĐBQH, tôi quan tâm làm sao có thể ngăn ngừa chúng. Tuy nhiên những tấm gương tốt còn rất nhiều…

Ông Sáu hành động và bảo vệ cái tốt theo cách của mình. Ông kể: “Hôm trước, có chuyện một người đàn ông quá chén đã đánh nhân viên hàng không, sau đó có một người đứng ra ngăn chặn, lại bị coi là gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Khi có báo chí hỏi, tôi đã nói rằng hành động ngăn chặn của anh thanh niên là tốt, không nên truy tìm để truy cứu trách nhiệm gây rối trật tự công cộng. Bằng những cách nào đó, tôi muốn bảo vệ nêu gương những người không thờ ơ, không vô cảm với cái xấu đang diễn ra…”

Luôn sống với nhiều trải nghiệm và tâm tư, hỏi ông về cuốn hồi kí cuộc đời, ông Sáu khiêm tốn: “Tôi nghĩ mình có thể viết về những kinh nghiệm khi nghiên cứu xem xét một vụ án nhưng luôn lo lắng tài liệu viết xong sẽ trở thành lạc hậu. Tôi khá bận rộn và còn rất nhiều việc phải làm. Tôi cần sức khỏe, sáng suốt để phản ánh kịp thời đời sống. Tôi không viết hồi kí vì nhận thấy trong hành trình sống của con người, tôi không phải là người đặc biệt”. Ông nói vậy, song những người theo dõi cả chặng đường công tác gắn bó với pháp luật của ông thì hiểu rằng, để làm tốt những việc tưởng như bình thường ấy, mang lại công bằng, đúng pháp luật cho bị cáo ở cương vị Thẩm phán; hoàn thành thật tốt vai trò ĐBQH, ông đã có những cố gắng và những thành tựu người bình thường khó làm được.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin