(Pháp lý) - Những dinh thự, những lô đất ở vị trí đắc địa ở các thành phố lớn rơi vào tay các doanh nghiệp “bạch tuộc” một cách dễ dàng, mà vụ án Vũ “nhôm” là một điển hình. Giải pháp căn cơ nào có thể áp dụng để ngăn chặn tình trạng này, dù đã khá muộn?
Quan chức “tiếp sức” cho tư nhân thâu tóm tài sản công?
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản số 6167/UBND-NCKSTT gửi các sở ngành, về việc đề xuất thu hồi dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Sân vận động Chi Lăng tổng diện tích 55.061m2, được xây dựng từ năm 1954, nằm ở trung tâm quận Hải Châu, tiếp giáp các trục đường lớn như Lê Duẩn, Chi Lăng, Ngô Gia Tự, Hùng Vương. Đây là một sân vận động đa chức năng, được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá và từng là sân nhà của CLB SHB Đà Nẵng. Sân có sức chứa 28.000 chỗ ngồi. Có thể nói đây là công trình văn hóa hàng đầu của Tp Đà Nẵng, gắn bó với người dân nơi đây suốt 60 năm qua.
Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch (ông Trần Văn Minh hiện đã bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố) đã giao mảnh đất vàng này không thông qua đấu giá cạnh tranh cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh đầu tư xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng. Ngay sau đó, dự án này được chia thành 14 lô, trở thành 14 dự án và Phạm Công Danh mang đi thế chấp ngân hàng.
Sân vận động Chi Lăng rộng lớn ngay giữa đô thị mà dễ dàng bị xẻ thịt và có nguy cơ biến mất như thế trước cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố là một dẫn chứng điển hình cho sự lộng hành, lộng quyền, coi thường pháp luật của những quan chức có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về công sản tại địa phương. Và đó chỉ là một trong rất nhiều những vụ công sản bị sang nhượng dấm dúi, rẻ mạt diễn ra không chỉ ở Đà Nẵng, mà còn ở nhiều địa phương khác.
Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2015, cá nhân và các Công ty được cho là của bị can Phan Văn Anh Vũ ( Vũ “nhôm”) đã lần lượt thâu tóm cả trăm căn nhà, đất công sản ở những vị trí đắc địa của Đà Nẵng. Thủ đoạn chung là việc mua bán, chuyển nhượng các công sản không công khai, không qua đấu giá, và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật khác, mua rẻ, bán đắt... Vì thế Bộ Công an đã điều tra việc 9 dự án và 31 nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP.Đà Nẵng được cho là có liên quan đến Vũ “nhôm” và khởi tố, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú nhiều quan chức của Đà Nẵng, trong đó hai cựu Chủ tịch TP là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Hãy phân tích hành trình biến mất của một công sản để thấy rõ thủ đoạn của hệ thống quan chức câu kết với Vũ nhôm như thế nào. Đơn cử vụ mua bán Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng.
Năm 2004, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định cho Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng của ông Huỳnh Tấn Lộc được thuê đất theo hiện trạng sử dụng tại 57 Lê Duẩn, phường Hải Châu 1, TP.Đà Nẵng. Tháng 3/2008 Công ty này xin mua nhà tại 57 Lê Duẩn và được TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương. Sau một vài động thái trình - duyệt để tận dụng tối đa sự ưu ái, đến tháng 8/2010, Công ty Quản lý nhà của ông Nguyễn Công Lang tính giá trị đất tại 57 Lê Duẩn là: 62,71 tỷ đồng và sau đó UBND TP. Đà Nẵng quyết định phê duyệt.
Công ty này lại được giảm thêm 10% trên tổng số tiền sử dụng đất vì nộp tiền trong vòng 30 ngày. Năm 2014, nhà đất tại số nhà 57 Lê Duẩn đã được Sở TNMT tách thửa, cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 5/2015, bà Phạm Thị Xuân Thúy nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên 2 thửa đất. Điều đáng quan tâm là trên thực tế, Phan Văn Anh Vũ đứng sau toàn bộ quá trình bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất này.
Tương tự như vậy, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đã giúp Vũ “nhôm” mua lại nhà đất công sản tại 106 Trần Phú trên diện tích 118,5m2 với giá rẻ mạt. Công ty này xin mua với giá 3,58tỷ đồng và được phê duyệt, ký Hợp đồng ngày 18/9/2008, chỉ bằng 40% giá thị trường.
Sau đó chưa đầy 1 tháng, Công ty xin chuyển tên sang Công ty CP Xây dựng 79 do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT, được mua nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Đáng nói, từ trước đó, tại Biên lai ủy nhiệm chi ngày 22/5/2008, Phan Văn Anh Vũ là người đã trực nộp tiền cược mua căn nhà đó. Như vậy, ngay từ đầu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng chỉ đóng vai trò trung gian trong việc mua bán chuyển nhượng khu đất trên, nhằm hợp thức hoá các giấy tờ ban đầu để nhanh chóng sang tay cho Vũ “nhôm”.
Bằng những thủ đoạn có sự tiếp tay đắc lực của các quan chức TP như vậy, các công sản giá trị cao như: lô đất 37 Pasteur vốn là tài sản Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng; diện tích sử dụng 246,03m2, diện tích đất là 113,42 m2 ở số 100 Bạch Đằng của Cty CP Du lịch Đà Nẵng đang quản lý sử dụng… lần lượt chui vào túi Vũ nhôm và ai đó trong đường dây bảo kê cực mạnh phía sau. Trong năm 2017, Bộ Công an xác định có ít nhất 9 dự án, nhà công sản được UBND TP Đà Nẵng bán cho các công ty có cổ phần của Vũ "nhôm".
Khẩn trương “bịt” những “lỗ hổng” pháp luật
Những vụ thâu tóm tài sản công trên đây ở Đà Nẵng đang là điểm nóng vì không chỉ có quan chức thành phố này bị khởi tố mà còn có cả tướng lĩnh Công an bị xử lý kỷ luật, cách chức, hạ cấp… Nhưng chắc chắn những thủ đoạn tương tự như vậy không thể không diễn ra ở nơi này, nơi khác, nhất là các đô thị lớn, bất động sản đắt đỏ.
Để ngăn chặn tình trạng này thì phải thực hiện nhiều biện pháp, bằng xử lý hành chính, xử lý hình sự. Và quan trọng phải khẩn trương “bịt” những lỗ hổng pháp luật hình sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp…
Người dân từng thẳng thắn chỉ ra thực tế là một số doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của các quan chức cùng cộng sinh, thâu tóm đất đai bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng dự án, chuyển đổi quy hoạch, mục đích sử dụng đất. Vậy thì phải xử lý nghiêm minh các cán bộ thoái hóa, tham nhũng đó. Các quan chức Đà Nẵng đã bị khởi tố là dấu hiệu cho thấy biện pháp hình sự đã được triển khai một cách quyết liệt.
Bên cạnh đó là các tướng lĩnh Công an, những người nhân danh chức vụ quyền hạn được giao để làm ra những công văn Mật, Tuyệt mật nhằm hù dọa địa phương, tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” thâu tóm công sản… hiện chưa bị xử lý bằng hình sự, khiến dư luận còn băn khoăn. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, những tài sản đó rơi vào tay Vũ nhôm nhưng thật sự là của những người nào, cũng cần được làm rõ, đưa ra ánh sáng và xử lý thật nghiêm minh.
Nếu không xử lý nghiêm, thanh lọc đối với bộ máy công chức, quan chức có liên quan thì dẫu áp dụng biện pháp hành chính gì cũng chỉ là xử lý tham nhũng được “phần ngọn”.
Biện pháp thứ hai là rà soát “hàng rào kỹ thuật”, bịt các lỗ hổng để “con voi chui lọt” như vừa qua và thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện để bảo đảm tuân thủ pháp luật trong quản lý tài sản công.
Đó là giá trị tài sản công phải được xác định theo giá thị trường tại thời điểm cổ phần hóa, tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, không tính giá trị lợi ích kinh tế mang lại liên quan đến địa điểm và diện tích đất mà doanh nghiệp được giao, cho thuê. Đây là lỗ hổng khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ.
Yêu cầu thứ hai là không cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất trong thời hạn nhất định. Các doanh nghiệp phải xác định xong phương án sử dụng đất trước khi thuê giao đất và chỉ được phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính. Ví dụ, doanh nghiệp dệt may thì nhà xưởng chỉ được sử dụng đất vào mục đích đó, không được kinh doanh bất động sản trừ khi đó là ngành nghề chính.
Thực tế cho thấy, những lô đất vàng sau khi rơi vào các doanh nghiệp “bạch tuộc”, họ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chỉ sang nhượng dự án, hoặc phân lô bán nền, kiếm lợi, gây lãng phí tài sản công và thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Để ngăn ngừa tiêu cực, cần định giá doanh nghiệp một cách độc lập. Cần có cơ chế giám sát chéo quá trình định giá đó, nếu phát hiện nghi vấn, vi phạm quy định của pháp luật thì kịp thời ngăn chặn các biểu hiện trục lợi về tài sản công.
Một biện pháp xuyên suốt, đó là công khai, minh bạch trong xử lý vấn đề đất đai (thuê và giao) của doanh nghiệp nhà nước trước nhân dân, mọi sự chuyển nhượng liên quan đều phải công khai để được giám sát, khi cần thiết thì phải đấu giá để bảo đảm khách quan.
Mặt khác, cần sắp xếp lại quỹ đất đai. Đơn vị nào thừa đất, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ thu hồi, chuyển cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thì đất đai cũng phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định trước đó và trả tiền thuế đất hàng năm.
Trong trường hợp đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định lẫn chức năng kinh doanh của doanh nghiệp như xây cao ốc, chung cư…, khi đó Nhà nước cần xác định lại giá trị đất để nộp thuế theo quy định của Luật Đất đai.
Minh Khôi