Từ Luật FCPA đến dự Luật minh bạch doanh nghiệp: Mỹ tuyên chiến mạnh với tội phạm rửa tiền và tham nhũng

(Pháp lý) - Với 249 phiếu thuận và 173 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 22/10 đã chính thức thông qua dự luật có tên gọi Dự luật minh bạch doanh nghiệp lưỡng đảng, quy định các công ty vỏ bọc phải công khai tên chủ sở hữu, cũng như cổ đông lớn nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp.

Còn nhớ cách đây hơn hai thập kỷ, Mỹ cũng đã ban hành một đạo luật nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm những thương vụ “đi đêm” giữa doanh nghiệp Mỹ và quan chức các nước. Đó là luật chống tham nhũng ở nước ngoài (viết tắt là FCPA). Theo đó, chủ doanh nghiệp có thể phải ngồi tù 20 năm nếu bị Tòa án kết tội phạm luật FCPA.

[caption id="attachment_214460" align="aligncenter" width="410"]Trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington Trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington[/caption]

Minh bạch để ngăn chặn doanh nghiệp tiếp tay cho hoạt động phi pháp

Dự luật do đảng viên đảng Dân chủ Carolyn Maloney và đảng viên đảng Cộng hòa Peter King giới thiệu. Sau khi được thông qua tại Hạ viện, Dự luật này sẽ tiếp tục được bỏ phiếu tại Thượng viện. Thượng nghị sĩ Mike Crapo, đảng viên đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang Idaho, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ cho biết, ông luôn ủng hộ việc yêu cầu các công ty vỏ bọc tiết lộ thông tin nhiều hơn.

Dự luật yêu cầu tất cả các doanh nghiệp báo cáo Bộ Tài chính Mỹ thông tin cá nhân các cổ đông có cổ phần từ 25% trở lên. Tất cả các cá nhân hưởng lợi nhuận lớn từ công ty phải có trách nhiệm báo cáo thông tin.

Nếu được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành, Dự luật minh bạch doanh nghiệp lưỡng đảng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp lực lượng thực thi pháp luật Mỹ phát hiện, ngăn chặn và trừng phạt các hoạt động tài trợ khủng bố, rửa tiền, tham ô và các hành vi phạm pháp khác.

"Các công ty vỏ bọc đang trở thành phương tiện hữu ích cho những kẻ rửa tiền, các tổ chức tội phạm và các nhóm khủng bố và chúng ta phải hành động để đẩy lùi các hành vi phạm tội này", bà Carolyn Maloney cho biết.

Ông Peter King cho biết thêm, Dự luật khi được ban hành sẽ quy định "các công ty vỏ bọc phải tiết lộ những người hưởng lợi từ hoạt động của công ty và cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan thực thi pháp luật”.

"Dự luật sẽ cho phép cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn dòng tiền chảy qua biên giới để hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố", ông nói.

Theo ông Eric LeCompte, chuyên gia tài chính của Liên Hợp Quốc và là người đứng đầu nhóm phát triển tôn giáo Jubilee USA, Dự luật cũng "ngăn chặn những kẻ buôn người, quan chức Chính phủ tham ô và thất thoát doanh thu ở các nước đang phát triển".

Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ Dự luật trước khi nó được bỏ phiếu thông qua ngày 22/10. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng thúc giục Quốc hội tiếp tục vạch ra các chi tiết cụ thể hơn cho Dự luật.

Chủ doanh nghiệp có thể phải ngồi tù 20 năm nếu bị Tòa án kết tội phạm Luật FCPA

Cách đây hơn 2 thập kỷ, Mỹ cũng đã ban hành đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA). Đạo luật này nghiêm cấm các hành vi hối lộ của các doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài vì mục đích kinh doanh. Đạo luật FCPA được ban hành khi có tới hơn 400 doanh nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Đạo luật FCPA được củng cố vào năm 1998 với những điều khoản bổ sung về chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý nước ngoài tiếp tay cho các hành vi tham nhũng khi đang hoạt động kinh doanh trên đất Hoa Kỳ.

Đạo luật FCPA đã và đang trở thành “mối đe dọa” đối với những vụ “đi đêm” của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Các điều khoản của FCPA bao gồm hai mảng chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách giấy tờ. Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.

[caption id="attachment_214461" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Từ năm 1998, đạo luật này mở rộng phạm vi điều chỉnh, thêm điều khoản cấm các công ty cũng như cá nhân nước ngoài có hành vi hối lộ khi đang kinh doanh ở Mỹ. Đây được cho là cột mốc quan trọng, bất chấp giới kinh doanh cho rằng nó có thể cản trở đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Theo luật, chủ doanh nghiệp có thể ngồi tù lên đến 20 năm nếu bị tòa kết tội phạm luật FCPA. Để dàn xếp thoát khỏi cáo buộc, các doanh nghiệp phải đồng ý nộp phạt bộn tiền. Tính từ năm 2009, chính quyền Mỹ đã thu được 2 tỷ USD tiền phạt đối với các cá nhân, công ty vi phạm đạo luật trên.

FCPA đã “sờ gáy” được những tên tuổi lớn. Có thể kể đến như chính quyền Mỹ vào cuộc điều tra Công ty Panasonic Avionics Corp (PAC) chuyên cung cấp các thiết bị truyền thông – giải trí hàng không thuộc Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) với cáo buộc hối lộ vì mục đích kinh doanh. Các thương hiệu từng nhận được danh hiệu “một trong những công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới” như Oracle, General Electric, HP, AstraZeneca cũng từng phải dàn xếp hoặc bị điều tra vì vướng FCPA. Năm 2008, Tập đoàn Siemens của Đức từng đồng ý nộp phạt hơn 1,3 tỷ USD tại Đức và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc tham nhũng.

Kể từ khi FCPA có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải lựa chọn sự trung thực, gạt bỏ cách đi tắt bằng hối lộ để chấp nhận tụt lại trong cuộc chạy đua kinh doanh. Song hành với Mỹ, nhiều nước cũng đã ban hành các luật chống tham nhũng, tạo hành lang pháp lý để hợp tác với FCPA của Mỹ. Một nghiên cứu do TI thực hiện với 49 quốc gia cho thấy tham nhũng khiến đầu tư nước ngoài đối với những nước này giảm 70%. Liên hiệp quốc cho rằng, vấn nạn này làm thiệt hại 5% kinh tế thế giới mỗi năm. Quay lưng với tham nhũng, hối lộ là điều mà không chỉ người dân, chính quyền Mỹ mong đợi mà còn là đòi hỏi cho một môi trường kinh doanh hiện đại, chấm dứt sự bành trướng của tham nhũng, hối lộ, một “vấn nạn” đang làm đau đầu nhiều lãnh đạo các nước.

Hà Trang (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin