Các "gã khổng lồ" công nghệ liên tục vướng vào các vụ kiện chống độc quyền (ảnh minh hoạ)
Liên tiếp các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào các gã khổng lồ công nghệ
Mới đây Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã nộp hồ sơ kiện Công ty Google của tập đoàn Alphabet về những cáo buộc công ty lạm dụng quyền hạn đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số. Đây là vụ kiện thứ 2 về chống độc quyền trong vòng 2 năm qua nhắm vào công ty công nghệ này.
Trước đó, chính quyền Mỹ cũng đưa ra một đơn kiện khác, cáo buộc Google sử dụng thế độc quyền để “cắt đứt” sự cạnh tranh trên Internet. Vụ kiện đó dự kiến được đưa ra xét xử trong tháng 9.
Trong vụ kiện lần này, DOJ cho rằng, Google đã lạm dụng sức mạnh thị trường của mình trong quảng cáo trực tuyến và yêu cầu công ty thoái vốn khỏi hai cấu phần quan trọng: máy chủ quảng cáo để bán không gian quảng cáo và trao đổi quảng cáo.
Theo DOJ, máy chủ quảng cáo của Google được hơn 90% các công ty quảng cáo lớn sử dụng; sàn giao dịch quảng cáo của Google chiếm hơn 50% thị phần; gần đây Google đã hợp nhất các công cụ quảng cáo thành Google Ad Manager có doanh thu 37 tỷ USD trong năm 2021.
Google bác bỏ bất kỳ sai phạm nào và cho rằng vụ kiện là nhằm chọn người thắng kẻ thua trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo có tính cạnh tranh cao. Họ sử dụng hoạt động kinh doanh của Meta, công ty mẹ Facebook, để chứng minh cho lập luận của mình…
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland thông báo vụ kiện chống độc quyền công nghệ quảng cáo nhằm vào Google tại cuộc họp báo ở Washington hôm 24-1 vừa qua. Ảnh: Reuters
Bộ Tư pháp Mỹ không đồng ý với lập luận này. Họ cho rằng Google đã tìm cách kiểm soát tất cả các khía cạnh của thị trường và khẳng định rằng Google đóng vai trò then chốt nhất trong các hoạt động phân bổ quảng cáo.
Thực tế, Google không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất nằm trong tầm ngắm của Chính phủ Mỹ. Tại Ủy ban Thương mại Liên bang, Meta và Microsoft cũng đang bị kiện vì hành vi độc quyền.
Ở châu Âu, sự giám sát cũng ngày càng gia tăng với những gã khổng lồ công nghệ, những cái tên phải kể đến như Alphabet; Apple; Microsoft; Amazon và Facebook…
Điển hình như, hồi giữa năm 2021, Ủy ban châu Âu và Cơ quan Thị trường và cạnh tranh của Anh (CMA) đã đồng loạt mở các cuộc điều tra chống độc quyền về việc Facebook sử dụng dữ liệu quảng cáo trong kinh doanh quảng cáo, sử dụng dữ liệu người dùng trong thị trường quảng cáo trực tuyến và chèn ép đối thủ.
EU cũng tiến hành điều tra tương tự đối với Amazon và Apple… Trong khi đó, Google cũng từng bị EU buộc nộp khoản phạt lên đến chục tỷ USD liên quan đến các hành vi vi phạm luật chống độc quyền của khối này.
Tại Trung quốc, Cơ quan giám sát thị trường nước này cũng liên tục tăng cường giám sát, đặc biệt với các công ty công nghệ theo luật chống độc quyền thời gian gần đây.
Điển hình như năm 2021, các cơ quan quản lý đã xử phạt 11 công ty công nghệ lớn, bao gồm tập đoàn Tencent và Bytedance trong nỗ lực loại bỏ các hoạt động độc quyền. Trong đó, nhiều công ty đã triển khai các giao dịch mua bán hàng loạt công ty nhỏ những không báo cáo, gây nhiễu loạn thị trường và cạnh tranh không lành mạnh. Mức phạt với mỗi công ty công nghệ là 500.000 NDT tập đoàn thương mại điện tử Alibaba bị Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc phạt gần 2,7 tỷ USD với lý do lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Đáng chú ý, trước đó, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba bị Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc phạt gần 2,7 tỷ USD với lý do lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường…
Các nỗ lực lập pháp chống độc quyền công nghệ
Tần suất của các vụ điều tra và kiện tụng cũng như mức độ của các khoản phạt có xu hướng tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa đủ. Bên cạnh Luật chống độc quyền, nhiều quy định pháp lý mới đã được đề xuất và ban hành, tạo ra các “vòng kim cô” siết lại các gã khổng lồ công nghệ.
Điển hình như mới đây nhất, Trung Quốc đã ban hành đạo luật chống độc quyền mới nhắm vào các công ty công nghệ tại nước này. Luật Chống độc quyền mới của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2022.
Theo luật mới, các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động mua bán và sáp nhập liên quan đến phúc lợi công cộng, tài chính, khoa học và công nghệ và truyền thông.
Đồng thời các gã khổng lồ công nghệ sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nặng nề nếu họ vi phạm. Ngoài ra, các quy tắc mới áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm và cấm các công ty công nghệ lớn sử dụng lợi thế thống trị thị trường của họ để ép buộc các nhà cung cấp nhỏ hơn tham gia các hợp đồng kinh doanh độc quyền. Đối với những vi phạm nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng trên diện rộng, số tiền phạt có thể tăng từ gấp đôi lên đến gấp năm lần số tiền phạt thông thường. Nhà chức trách cũng sẽ có tùy chọn để truy cứu hình sự…
Trung Quốc đã ban hành đạo luật chống độc quyền mới nhắm vào các công ty công nghệ tại nước này, chính thức có hiệu lực từ 1/8/2022. (ảnh minh hoạ)
Tại Mỹ, các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ cũng đã đệ trình 5 dự luật chống độc quyền nhắm trực tiếp vào những hãng công nghệ lớn. Theo Hãng tin Reuters, dự luật thứ nhất cấm các hãng công nghệ lớn sở hữu các công ty con hoạt động trên nền tảng của họ, nếu những công ty này cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Dự luật thứ hai cấm các nền tảng ưu tiên sản phẩm của họ, nếu vi phạm họ sẽ bị phạt 30% doanh thu tại Mỹ.
Dự luật thứ ba yêu cầu các những hãng công nghệ lớn cho phép người dùng chuyển dữ liệu của họ sang nơi khác, bao gồm đối thủ cạnh tranh của họ.
Dự luật thứ tư cấm các những hãng công nghệ lớn sáp nhập các công ty khác trừ khi chứng minh được công ty họ mua không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào mà nền tảng họ đang có. Dự luật này có mục đích ngăn chặn các những hãng công nghệ lớn mua lại đối thủ để loại bỏ việc cạnh tranh.
Dự luật thứ năm nhằm tăng chi phí cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ khi xem xét các vụ sáp nhập của các những hãng công nghệ lớn.
Tại Châu Âu, năm ngoái, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua hai sắc luật quan trọng: Đạo luật về Dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act – DSA) và Đạo luật về Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act – DMA). Đây được xem là nỗ lực mới của EU, biến EU thành hệ thống tư pháp đầu tiên trên thế giới thiết lập một tiêu chuẩn toàn diện để điều chỉnh môi trường số.
Với mục đích thiết lập một sân chơi bình đẳng để thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, trong vấn đề chống độc quyền, DMA đã tạo ra khái niệm hoàn toàn mới: “người gác cổng” (gatekeeper). Đây là những công ty tạo ra nút thắt cổ chai trong thị trường đa bên, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái số của người dùng, được tạo thành từ các dịch vụ nền tảng khác nhau như thiết bị phần cứng, thị trường trực tuyến, hệ điều hành, dịch vụ đám mây và công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Những người gác cổng này sẽ phải tuân thủ một số nghĩa vụ và và hạn chế nhất định. Điều này xuất phát từ lo ngại về sức ảnh hưởng của công ty công nghệ lớn, vốn đã nổi lên như những người gác cổng trong thị trường kỹ thuật số với quyền năng hoạt động như những nhà hoạch định quy tắc riêng. Những quy tắc này đôi khi dẫn đến các điều kiện không công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng này và ít sự lựa chọn hơn cho người dùng. DSA và DMA được kỳ vọng tăng cường pháp quyền và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho công dân EU và mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp EU trên không gian số.
Trước đó, tháng 8/2021, Hàn Quốc thông qua luật áp đặt các hạn chế đối với chính sách thanh toán của Google và Apple. Các nhà phát triển giờ đây có thể tránh phải trả khoản hoa hồng 30% cho App Store hay Play Store khi cho phép người dùng thanh toán qua các kênh khác. Đứng trước một loạt vụ kiện, cả hai công ty đều cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ hoa hồng từ 30% xuống còn 15%...
Gợi mở hoàn thiện chính sách chống độc quyền ở Việt nam
Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/ 2005. Đây được coi là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Theo đó, Luật luật cạnh tranh 2004 là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Tiếp đó, ngày 12/06/2018, Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi, bổ sung) năm 2018 (Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ 01/07/2019 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Cạnh tranh 2004.
Điểm đặc biệt nhất Luật cạnh tranh 2018 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với bất cứ một hành vi hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Theo đó, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay thỏa thuận, giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam đều có thể bị xử lý theo Luật cạnh tranh...
Tại Việt Nam, với dân số hơn 99 triệu người, là một thị trường "béo bở" cho các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Grab... Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021 mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đạt khoảng 955 triệu USD, trong đó đến 80% doanh thu khổng lồ này rơi vào túi Google, Facebook...
Qua đó, có thể thấy tại Việt Nam từ hàng chục năm qua, những hãng công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft, Grab.… đang nắm giữ vị thế thống lĩnh thị trường; đồng thời, gần như có vị trí độc quyền trong hàng loạt dịch vụ về công nghệ thông tin...
Tuy nhiên, số lượng vụ việc được điều tra và xử lý chưa nhiều, đặc biệt đối với các hãng công nghệ là rất ít và chưa phản ánh đúng thực tế cạnh tranh trên thị trường công nghệ Việt Nam. Trong đó vụ việc điều tra đáng kể mà cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam điều tra là thương vụ Grab thâu tóm Uber diễn ra hồi năm 2018.
Vụ Grab thâu tóm Uber diễn ra hồi năm 2018 là một trong những vụ việc điều tra vi phạm cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ đáng chú ý tại Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Có thể thấy, pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam theo thời gian đã dần được hoàn thiện. Song, so với nhiều nước trên thế giới đặc biệt là Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc… pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong đó đặc biệt vấn đề chống độc quyền công nghệ.
Trong khi tại các nước trên thế giới, việc gia tăng các vụ kiện cùng với các nỗ lực lập pháp nhằm chống lại các gã khổng lồ công nghệ thời gian gần cho thấy các nước đang quyết tâm chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt đối với các công ty công nghệ lớn nhằm cố gắng hạn chế sự thống lĩnh và tầm ảnh hưởng của chúng đối với thị trường và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cạnh tranh trên môi trường công nghệ, môi trường internet cũng sẽ có những đặc điểm rất khác với cạnh tranh truyền thống, đòi hỏi ứng xử pháp lý cũng cần rất khác với truyền thống.
Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số. Tham vấn những kinh nghiệm lập pháp của các nước để ban hành những quy định riêng, cụ thể về chống độc quyền công nghệ để điều chỉnh môi trường số…