Từ các đại án kinh tế, nghĩ về công tác phòng ngừa tham nhũng

(Pháp lý) - Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc đã có hiệu lực thực thi 14 năm. Ngay chương II của Công ước đã đề cập khá chi tiết tới các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, cho thấy phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng, bởi phòng ngừa tốt sẽ không tốn công sức, tiền của cho công tác chống tham nhũng.

 Quang cảnh một buổi họp báo của Thanh tra Chính phủ
Quang cảnh một buổi họp báo của Thanh tra Chính phủ)

Thời gian qua, hàng loạt đại án kinh tế đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Đây là tín hiệu vui cho thấy công tác chống tham nhũng đang chuyển động mạnh mẽ, nhưng điều đáng suy ngẫm là làm thế nào để không còn, không thể xảy ra những đại án tiếp theo. Bởi sau mỗi đại án xảy ra, khả năng thu hồi tài sản tiền tỉ là rất gian nan. Đã đến lúc cần phải xem lại các giải pháp phòng ngừa tham nhũng của chúng ta có phát huy tác dụng không? Nếu có, sao nhiều đại án xảy ra thế?.....

Xử không nghiêm sẽ giảm hiệu quả phòng ngừa tham nhũng

Từ đầu năm 2017, hàng loạt vi phạm của một số cán bộ cấp cao, lãnh đạo tập đoàn - tổng công ty nhà nước, ngân hàng… bị điều tra xử lý.

Song người dân vẫn rất lo ngại trước tình trạng không ít quan chức, cán bộ tham nhũng, vi phạm pháp luật nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”. Trả lời PV báo Tiền phong, ông Trần Đại Hưng – nguyên Phó Ban Nội chính TW thẳng thắn nêu quan điểm: đây là một thực tế nhức nhối. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển biến nhưng chưa đều khắp, chưa liên tục. Chúng ta đã phát hiện nhiều vụ án lớn, đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ. Bên cạnh đó, việc xử lý của chúng ta trong một số trường hợp vẫn chưa thật nghiêm. Nhìn vào hành vi, vi phạm của người có chức trách, có vị trí gây hậu quả chúng ta thấy rõ điều này.

Ông Hưng dẫn chứng một số ví dụ cụ thể, nếu đối chiếu với luật pháp thì xử lý chưa tương xứng nếu so với những công dân bình thường. Với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng trước đây là Bộ trưởng Công Thương, việc cách những chức vụ đã qua khiến dư luận băn khoăn. Điều mà người dân quan tâm đó là làm sao phải buộc cán bộ vi phạm như ông Vũ Huy Hoàng phải khắc phục được hậu quả mà ông ấy đã gây ra. Cần xem xét có lợi ích gì đằng sau những hành vi của ông Vũ Huy Hoàng không. Có thu hồi được tài sản thất thoát hay không?

Ngay trong vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa xác định có vi phạm nghiêm trọng, giờ đây cũng phải xem xét bà Thoa sai trong cổ phần hóa tại Công ty Điện Quang ra sao. Phải xem khoản nào bà Thoa lợi dụng chức vụ, hay làm không đúng quy định của Nhà nước để mà có biện pháp thu hồi.

Còn nếu chỉ cách chức thôi thì chưa đủ. Nếu làm đúng ra thì phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác trong việc bổ nhiệm bà Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà Thoa đã “thao túng” quá trình cổ phần hoá tại doanh nghiệp như vậy thì tại sao lại được bổ nhiệm thứ trưởng?

Người dân cũng nghi ngại chuyện bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - từng ký những văn bản có lợi cho công ty gia đình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận xử lý mức cảnh cáo, nhưng người dân vẫn chưa thấy bà Thanh bị xử lý đến tư cách đại biểu Quốc hội, cũng như chức Phó Bí thư tỉnh, hay bị xem xét về mặt luật pháp về những hành vi vi phạm pháp luật. Với những chuyện như vậy, cần phải làm rốt ráo để người dân không hoài nghi.

Thực tế cho thấy còn nhiều vụ việc sai phạm rất lớn về kinh tế, về bổ nhiệm nhân sự còn chậm được phát hiện xử lý hoặc khi phát hiện ra thì đã thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và khó có khả năng thu hồi. Thực trạng này cho thấy sự thiếu chủ động của hệ thống các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp tỉnh thành, huyện, xã. Tham nhũng tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo phát hiện từ cơ sở rất ít. Thậm chí phát hiện ra rồi mà nếu không được sự đôn đốc của trung ương thì việc xử lý rất chậm. Thực trạng trên cũng cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng còn nhiều hạn chế.

Ông Hưng cho rằng, tới đây vai trò của Ban Nội chính trung ương, Ban Nội chính tại các tỉnh, thành ủy trong phòng, chống tham nhũng cũng cần được nâng lên, tăng cường các hoạt động tham mưu cho Đảng và Nhà nước, có biện pháp hiệu quả hơn, đấu tranh quyết liệt hơn với các biểu hiện vi phạm, tham nhũng.

Thiếu các giải pháp phòng ngừa căn cơ, bài bản

Trước đây, khi xảy ra vụ tham nhũng thất thoát ở Vinashin, Vinalines…, tưởng đã “khủng” lắm rồi. Nay liên tiếp các đại án xảy ra ở PVN; Oceanbank, Vietinbank, Ngân hàng Xây dựng, Sacombanhk với số tiền sai phạm, thất thoát lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi vụ....khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Xem ra chúng ta vẫn chưa rút ra được bài học nào cụ thể, nên thất thoát cứ tiếp tục ở mọi cấp độ. Công tác phòng ngừa tham nhũng hay nói đúng ra là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng dường như không phát huy tác dụng...?

Ngân hàng là một hệ thống rất đặc thù và không phải ai cũng vào kiểm tra được. Qua các đại án xảy ra trong ngành này cho thấy mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng còn rất nhiều sơ hở, rất dễ bị cán bộ ngân hàng lợi dụng. Bản thân công tác quản lý nhà nước trong hệ thống ngân hàng như tự kiểm tra, thanh tra, giám sát còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế vừa qua, dư luận cho rằng cần xử nghiêm các vi phạm của các cán bộ ngân hàng, rà soát lại quy trình tuyển chọn cán bộ, các quy trình nghiệp vụ cho vay, quản lý tín dụng, xem lại các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong ngành này... Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu trong ngân hàng phải làm rõ ai gây ra để xử lý nghiêm. Riêng vụ án mới đây nhất xảy ra ở Sacombank cần làm rõ, tại sao cả chục năm tội phạm “tung hoành” trong ngân hàng này mà giờ mới phát hiện và xử lý? Có ai “chống lưng” hay bao che cho Trầm Bê không? Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ra sao?

Những vụ việc, vụ án được chỉ đạo và xử lý vừa qua chủ yếu là những vụ lớn, những sai phạm lớn, khi đã “bung bét” ra rồi, tài sản của Nhà nước và nhân dân đã thất thoát hàng ngàn tỉ đồng rồi mới được phát hiện và “chặn” lại. Vậy công tác phòng ngừa của chúng ta thời gian qua thế nào mà liên tiếp các đại án xảy ra? Đã đến lúc cần xem lại công tác phòng ngừa?

Nếu chú tâm đọc lại Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam là một trong những nước ký kết sớm nhất, ngay chương 2 dành cho “Các biện pháp phòng ngừa”, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác phòng ngừa tham nhũng. Bởi có phòng ngừa tốt, mới ngăn chặn được không cho tham nhũng phát tác hoành hành, “nhân rộng”, chứ để đến khi tham nhũng đục khoét nghìn tỉ rồi mới tập trung chống, sẽ rất gian nan, nhiều vụ tiền tỉ thất thoát may ra chỉ thu hồi lại được nhỏ giọt.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xem lại xem đã noi theo, áp dụng, vận dụng các điều khoản về phòng ngừa tham nhũng trong Công ước được đến đâu? Thiết nghĩ, bắt đầu tuân thủ vài điều khoản về giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong Công ước cũng đã tạo một mạng lưới thép bủa vây không cho, không thể tham nhũng rồi.

Một số nước áp dụng công ước và đề ra giải pháp phòng ngừa tham nhũng thế nào?

Singapore có quy định buộc tất cả quan chức và nhân viên chính phủ ngay khi được bổ nhiệm phải khai báo toàn bộ tài sản cá nhân và quá trình thống kê giám sát được thực hiện hằng năm. Singapore giao công việc kiểm tra các khai báo tài sản quan chức cho Cục Điều tra các hoạt động tham nhũng (CPIB). Đây là một cơ quan hoạt động có tính độc lập cao của chính phủ, thành lập từ năm 1952. Các nhân viên thường xuyên được xem xét lương và phúc lợi để đảm bảo công bằng với thị trường tư nhân bên ngoài và tránh nảy sinh lòng tham trước tài sản bất minh.

 Hội thảo “Vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp UNDP tổ chức
Hội thảo “Vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp UNDP tổ chức)

Đạo luật số 65A về thu hồi lợi ích từ tham nhũng, buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác (CDSA) của Singapore hình sự hóa các hành vi rửa tiền từ lợi ích có được do tham nhũng mà có và yêu cầu trả lại tất cả lợi ích có được từ hành vi hình sự. Theo đó, lệnh thu hồi tài sản sẽ được ban hành để thu hồi phần lợi ích có được từ hành vi phạm tội đối với trường hợp bị kết tội. Tài sản thu nhập bất hợp pháp có được ngoài thu nhập chính đáng đều được xem là do phạm tội mà có và đều bị thu hồi.

Công ước chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc (được thông qua năm 2003) quy ước rất bao quát những vấn đề về giám sát, công bố thu nhập, tài sản của quan chức, các bên liên quan (các công ty, tập đoàn, các đơn vị kinh doanh có cổ phần của quan chức) và thậm chí là người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em…) của các quan chức.

Trên cơ sở đó, bản kê khai tài chính thu nhập, tài sản của quan chức được so sánh, phân tích liên tục giữa năm này với năm trước, sau đó công bố rộng rãi. Đồng thời giám sát, phát hiện kịp thời những chiêu trò của quan chức nhằm che giấu tài sản cá nhân như sử dụng các kênh giữ tài sản khác nhau (vàng, cổ phần, đất đai không đứng tên); che đậy tài sản dưới các hình thức khác nhau (tiền mặt, sổ tiết kiệm…); hoặc mượn tay những cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ (người thân ở nước ngoài, rửa tiền thông qua hệ thống tội phạm quốc tế…).

Các nước phát triển áp dụng bài học từ Công ước Chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc còn tạo ra một hệ thống đáng tin cậy để kiểm soát thu nhập và tài sản của quan chức (chẳng hạn thông qua hệ thống thu thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…). Thông qua hệ thống này, người dân có thể được phân quyền truy cập để kiểm tra tài sản của quan chức thuộc các ban ngành cụ thể

Kiến nghị

Kể từ sau Đại hội XII, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN), suy thoái trong Đảng và bộ máy nhà nước đã đạt được những kết quả cụ thể, tích cực, cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong PCTN, bước đầu đem lại niềm tin cho nhân dân.

Tuy nhiên, công cuộc PCTN phía trước còn nhiều khó khăn, phức tạp , đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh và quyết tâm chính trị cao.

Hàng loạt đại án kinh tế đã được phá, đưa ra xét xử. Đây là tín hiệu vui cho công tác chống tham nhũng , nhưng điều đáng suy ngẫm là làm thế nào để không còn, không thể xảy ra những đại án tiếp theo. Bởi sau mỗi đại án xảy ra, khả năng thu hồi tài sản tiền tỉ là rất gian nan. Đã đến lúc cần phải xem lại, sửa đổi, bổ sung các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, ngay chương II đã đề cập khá chi tiết tới các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cho thấy phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng, bởi phòng ngừa tốt sẽ không tốn công sức, tiền của cho công tác chống tham nhũng. Việt Nam cũng nên nhìn lại đánh giá lại xem việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được nêu ra trong Công ước thời gian qua thế nào? Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm nghiêm và làm đến cùng là những vụ phát hiện có sai phạm dù cán bộ trong các vụ đó to cỡ nào, cần xử đúng người, đúng tội, xử lý nghiêm không có ngoại lệ. Phải minh bạch, công khai tất cả các hoạt động. Bổ sung các giải pháp phòng ngừa để làm thế nào người có quyền “không dám, không muốn, không thể” có hành vi tham nhũng. Những gì liên quan giữa dân và cơ quan công quyền cần thực hiện thông qua mạng, không để “người xin” và “người cấp” các thủ tục tiếp xúc nhau và nảy sinh những “cơ chế ngầm”.

Và đặc biệt, trong số các biện pháp phòng ngừa mà Công ước nêu ra, có biện pháp vĩ mô sau, thiết nghĩ Việt Nam cần nên nghiên cứu triển khai ngay: "Mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho các cơ quan có trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng sự độc lập cần thiết” (điều 6.3 Công ước).

Trong số các biện pháp phòng ngừa mà Công ước nêu ra, có biện pháp vĩ mô sau: "Mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho các cơ quan có trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng sự độc lập cần thiết” (điều 6.3).
Song song, Công ước cũng quy định: mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để tăng cường minh bạch trong quản lý hành chính công, kể cả về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định.

Các biện pháp đó bao gồm:

(a) Ban hành những thủ tục hoặc quy định cho phép công chúng, khi thích hợp, có được thông tin về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định của các cơ quan hành chính nước mình, cũng như các thông tin về quyết định và hành vi pháp lý liên quan đến công chúng mà vẫn đảm bảo được bí mật và thông tin cá nhân;

(b) Đơn giản hóa thủ tục hành chính ở những khâu thích hợp nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định;

(c) Công bố thông tin, trong đó có thể bao gồm báo cáo định kỳ, về nguy cơ tham nhũng trong các cơ quan hành chính nước mình.

Hà Trang

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin