TS. Đỗ Văn Đương –Phó Trưởng Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội: “Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu”

24/11/2016 13:40

(Pháp lý) - “Cán bộ giải quyết đơn thư của dân phải tận tụy với dân, lắng nghe dân, đặt mình vào vị trí người dân, chủ động kiểm tra thực tế ... có được những kiến nghị xác đáng với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc cho dân” - TS Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ với Phóng viên Pháp lý về giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Phức tạp nhất hiện nay vẫn là lĩnh vực đất đai

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân hiện nay? Theo ông, nội dung công dân KNTC nhiều nhất, gay gắt nhất hiện nay là gì?

[caption id="attachment_156909" align="alignleft" width="410"] Ông Đỗ Văn Đương – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Đỗ Văn Đương – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội.[/caption]

Ông Đỗ Văn Đương: Hiện nay KNTC của dân tập trung ở nhiều lĩnh vực như đất đai, tư pháp, hành chính... Trước đây, thường do các hộ đơn lẻ khiếu kiện, còn hiện nay đã có nhiều đoàn đông người, người dân liên kết lại cùng đi khiếu kiện gây áp lực cho các cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc.

Thực tế thì KNTC phức tạp nhất hiện nay vẫn là lĩnh vực đất đai, chiếm khoảng 70% số đơn thư khiếu nại. Nó liên quan đến bồi thường, đền bù khi thu hồi đất. giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tiếp đến là khiếu nại trong hoạt động tư pháp mà phần lớn là các khiếu nại giám đốc thẩm.

Theo ông đâu là lý do khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài và phức tạp?

Hiện nay có một số dự án kinh tế - xã hội tiến hành thu hồi đất kéo dài, một số dự án triển khai chậm, dẫn đến tình trạng người được bồi thường sau lợi hơn người bồi thường trước làm nảy sinh tâm lý so bì... Ở một số dự án việc thu hồi đất và bồi thường thiếu tính công khai, minh bạch, gây cho người dân tâm lý nghi ngờ, cho rằng việc thu hồi và đền bù đất có tiêu cực gây thiệt hại cho họ. Chính vì vậy họ đi khiếu nại, khi không giải quyết được thì họ chuyển sang tố cáo. Cùng với đó, việc giải quyết KNTC ở nhiều nơi hiện nay chưa đúng quy trình, không đúng pháp luật. Ví dụ như không trực tiếp đối thoại với dân, ra thông báo thay cho ra quyết định, có sai sót trong quá trình giải quyết... khiến dân không đồng tình.

Một lý do khác dẫn đến tình trạng khiếu kiện nhiều và kéo dài là do yếu kém trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương như để người dân lấn chiếm đất công, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp nên khi đền bù theo quy định pháp luật thấp cũng dẫn đến việc đi khiếu kiện.

Hiện còn tình trạng việc tiếp công dân chưa gắn với việc giải quyết KNTC và chủ yếu là cán bộ tham mưu được ủy quyền tiếp dân hoặc đối thoại với người dân thì không có thẩm quyền giải quyết KNTC. Những người có thẩm quyền ra các quyết định hành chính bị khiếu nại hoặc những người có thẩm quyền giải quyết trên thực tế thường không trực tiếp đối thoại, không tiếp dân mà thường ủy quyền cho cấp dưới cũng là nguyên nhân dẫn đến giải quyết KNTC kéo dài, sai sót và không triệt để.

Trong tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, có ý kiến cho rằng nhiều quy định pháp luật thay đổi liên tục là nguyên nhân khiếu kiện kéo dài. Là người giám sát công tác giải quyết KNTC, xin ông dẫn chứng về một số quy định hiện tại của pháp luật về đất đai dẫn đến KNTC kéo dài?

Đúng vậy. Chẳng hạn pháp luật đất đai của chúng ta có những thay đổi trong nhiều thời kì khác nhau. Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013... đều có nhiều quy định khác nhau về thu hồi đất, về quyền của người sử dụng đất. Trong Luật Đất đai năm 2003 không quy định về việc thu hồi đất của dự án treo và quyền sử dụng đất của người dân trong các dự án này đã gây nhiều khiếu kiện kéo dài. Đến Luật Đất đai năm 2013 thì có quy định này. Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.” Điều đó có nghĩa là đối với trường hợp đã được công bố phải thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân có quyền sử dụng đất bình thường theo quy định pháp luật. Thay đổi đó là tốt, tránh lãng phí đất đai và có lợi cho người dân để tránh khiếu kiện kéo dài.

[caption id="attachment_156910" align="aligncenter" width="616"]Quang cảnh một hội nghị tập huấn công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ảnh minh họa) Quang cảnh một hội nghị tập huấn công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ảnh minh họa)[/caption]

Có một số nghị định của Chính phủ quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất cũng có những thay đổi, không thống nhất. Về phía người dân thường mong muốn áp dụng văn bản có lợi cho mình. Ở các địa phương có sự vận dụng khác nhau đối với những thửa đất có điều kiện giống nhau nhưng áp giá bồi thường khác nhau... dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

Xin ông chỉ ra một số qui định cụ thể?

Cụ thể như Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (Quy định bổ sung về một số trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; về một số trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất; về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ về đất; về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và việc giải quyết khiếu nại về đất đai). Và Nghị định 69/2009/ NĐ –CP (Quy định bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; giao đất, cho thuê đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và gia hạn sử dụng đất). Cả hai nghị định này cùng có hiệu lực pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP ban hành sau, quy định mức bồi thường, hỗ trợ cao hơn Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên Nghị định số 84/2007/NĐ-CP lại có lợi về phần đất tái định cư. Bởi thế nên khi áp dụng ở những khu vực khác nhau, người dân có mong muốn khác nhau. Ở vùng nông thôn, họ muốn áp dụng giá đền bù theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP vì mức hỗ trợ cao hơn, ở vùng ven đô muốn áp dụng Nghị định số 84/2007/NĐ-CP vì có đất dịch vụ. Chính vì những quy định không thống nhất, nhưng cùng có hiệu lực dẫn đến áp dụng khác nhau gây nên việc khiếu kiện phức tạp.

Khắc phục tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng

Thưa ông, tình trạng đơn thư của dân chuyển hết cơ quan này đến cơ quan khác mà không được giải quyết dứt điểm khá phổ biến. Bằng kinh nghiệm thực tế, xin ông lý giải tình trạng trên và đề xuất cách khắc phục?

Thực tế, Ủy Ban Tư pháp có chuyển nhiều đơn, trong đó chủ yếu liên quan đến đề nghị Giám đốc thẩm các vụ án dân sự, vụ hình sự. Về cơ bản Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thường có trả lời. Tuy nhiên có những vụ việc Ủy ban Tư pháp chuyển đơn nhưng chưa xem xét được kịp thời. Có thể lý giải tình trạng này là do số lượng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm quá nhiều (6000 – 7000 đơn/năm) trong khi cơ chế giải quyết còn bất cập và tình trạng án người dân khiếu nại có tính chất “cầu may” chiếm 90% nhưng luật ở ta chưa có chế tài để hạn chế tình trạng khiếu nại giám đốc thẩm “cầu may”.

Trước đây, có ý kiến đề xuất “người khiếu nại phải nộp một khoản tiền để xem xét giám đốc thẩm”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, án sai thì phải sửa, không thể bắt dân nộp tiền mới xem xét cho dân. Nghiên cứu ở một số nước, tôi thấy họ quy định khi người dân có đề nghị giám đốc thẩm thì phải nộp lệ phí. Theo tôi nên xem xét quy định này để hạn chế những đơn đề nghị giám đốc thẩm với các vụ án đã đúng, chỉ có tính chất “cầu may”.

Theo ông, đâu là những hạn chế của pháp luật làm giảm hiệu quả của việc giải quyết KNTC? Ông có kiến nghị việc sửa đổi những quy định nào của Luật?

Các quy định pháp luật về khiếu nại còn nhiều hạn chế. Trong tư pháp, ngoài sơ thẩm, phúc thẩm thì còn có giám đốc thẩm, tái thẩm; trong hành chính thì có giải quyết lần đầu, đến giải quyết lần hai – cũng là lần có hiệu lực pháp luật cuối cùng. Nhưng sau lần khiếu nại thứ hai đó nhiều người vẫn tiếp tục khiếu nại hoặc chuyển sang tố cáo mà pháp luật về KNTC chưa có quy định điều chỉnh.

Trong Luật Tố cáo hiện nay quy định thời gian giải quyết tố cáo ngắn. Đối với những vụ việc phức tạp cần phải phối hợp nhiều bên, liên quan đến nhiều ban ngành.... việc thời hạn quá ngắn tạo áp lực lên các cơ quan chức năng có thể dẫn đến việc kết luận trong nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, giải quyết chưa thấu đáo...

Đó là những hạn chế về pháp luật nổi cộm theo tôi cần sửa đổi, bổ sung khi sửa luật.

[caption id="attachment_156911" align="aligncenter" width="589"] Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành năm 2012
Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành năm 2012[/caption]

Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm người đứng đầu

Khi truy tìm nguyên nhân của tình trạng trên, người ta thường quy cho hai nguyên nhân: Do bất cập trong các quy định của pháp luật và do cán bộ. Ta đã bàn về yếu tố pháp luật ở trên, bằng kinh nghiệm cá nhân, xin ông chia sẻ vài nhận định về công tác cán bộ giải quyết KNTC hiện nay?

Cán bộ giải quyết KNTC còn nhiều hạn chế. Theo tôi có phần do năng lực trình độ nhưng chủ yếu vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều khi họ còn thờ ơ, giải quyết hình thức. Nhiều nơi, người có thẩm quyền giải quyết KNTC không tiếp dân định kì, ngại nhận sai. Cán bộ tham mưu thì không có quyền quyết định giải quyết. Điều đó dẫn đến nhiều việc giải quyết không thực chất, không được dân đồng tình.

Về phía các cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC, theo ông phải có những thay đổi gì để nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC đang rất phức tạp hiện nay? Ông đánh giá thế nào về biện pháp quy trách nhiệm cho người đứng đầu để giảm bớt tình trạng đùn đẩy né tránh giải quyết KNTC?

Cần có rất nhiều biện pháp ứng với các hạn chế tôi đã nêu ở trên. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, quan trọng nhất là vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ra các quyết định hành chính và giải quyết KNTC. Người đứng đầu phải cân nhắc thận trọng mỗi khi ra quyết định hành chính đụng chạm đến quyền lợi người dân; việc thu hồi đất, bồi thường phải rõ ràng, minh bạch, nhất là các dự án kinh tế-xã hội thì doanh nghiệp phải thỏa thuận và đạt sự đồng thuận của người dân; phải tích cực tiếp công dân, đối thoại với dân khi giải quyết khiếu nại. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp tiếp dân thì dân đến đông hơn và việc giải quyết KNTC rất hiệu quả. Tôi có kiến nghị nhưng người có thẩm quyền ra quyết định hành chính và thẩm quyền giải quyết KNTC phải định kỳ tiếp dân, đối thoại với người dân; nếu có vướng mắc thì phải phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành địa phương với các Bộ, ngành hữu quan ở trung ương trong việc giải quyết KNTC.

Sự tham gia của luật sư, luật gia là rất cần thiết

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các ĐBQH, các luật gia, luật sư và báo chí trong việc tham gia vào công tác giải quyết KNTC trong dân thời gian qua? Tới đây cần sửa đổi trong luật thế nào để tạo cơ chế cho các ĐBQH, MTTQVN, giới Luật gia, Luật sư, Báo chí tham gia đóng góp hiệu quả hơn vào công tác tham gia giải quyết KNTC.

Theo tôi, ĐBQH là nơi để người dân gửi gắm tâm tư nguyện vọng. Khi người dân tin tưởng chuyển đơn thư đến, đại biểu cần xem xét, chuyển đơn đúng cơ quan có thẩm quyền và theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết KNTC cho dân. Trên thực tế, có một số đại biểu nhiệt tâm, nhiệt tình với đơn thư công dân nhưng còn nhiều đại biểu chỉ chuyển đơn (như chim bồ câu đưa thư). Theo tôi, người đại biểu cần phải có tấm lòng khi xem xét đơn, phải đặt vào vị trí người dân có quyền lợi bị thiệt thòi và do đó phải nghiên cứu kĩ lưỡng nội dung đơn thư để chuyển đúng cơ quan có thẩm quyền và tích cực đôn đốc việc giải quyết.
Còn các luật sư, luật gia, báo chí là nhịp cầu trợ giúp cho người dân giải quyết KNTC. Họ tham gia tư vấn về sự đúng, sai của quyết định hành chính, của bản án và nội dung đơn, về cách thức khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định pháp luật vì hiện nay, người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, sự tham gia của luật sư, luật gia là rất cần thiết.

Trong Luật chưa có quy định về vai trò của Luật sư, Luật gia, nên tới đây, khi sửa luật phải chú trọng đến quy định vị trí, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức này để tăng hiệu quả hoạt động của họ trong việc giải quyết KNTC.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lãnh đạo tỉnh phải đón dân về

“Với những trường hợp người dân nộp đơn cầu may thì chúng tôi giải thích để họ rút đơn. Với những trường hợp người dân khiếu kiện có căn cứ, chúng tôi hướng dẫn họ gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trường hợp những đoàn đông người đến khiếu kiện, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo cấp tỉnh nơi có dân khiếu kiện đến để họ có trách nhiệm tiếp dân, vận động người dân về địa phương, tránh tụ tập gây mất trật tự tại Trụ sở tiếp dân trung ương” ... Chia sẻ của ông Đỗ Văn Đương về trách nhiệm của Ban Dân nguyện với việc giải quyết KNTC của người dân

Phan Tĩnh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "TS. Đỗ Văn Đương –Phó Trưởng Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội: “Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu”" tại chuyên mục Xây dựng pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin