(Pháp lý) - Vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến về các hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai”.
Đáng lưu ý, một thực tế mà dư luận quan tâm là động cơ mà hai cựu Chủ tịch này vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là gì? Có hay không động cơ vụ lợi? Trường hợp nếu hai bị can này vì mục đích vụ lợi mà cố ý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai”…, thì khi đó tội danh của hai bị can này có bị thay đổi?
Xung quanh các nội dung trên, Phóng viên Pháp lý đã trao đổi với TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng Bộ môn Luật hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật) .
Tội danh có thể thay đổi?
Phóng viên: Ông có bình luận gì về quyết định khởi tố bị can đối với hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng với 2 tội danh qui định tại Điều 219 và 229 BLHS ? Và kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thì đây có phải là hai bị can đầu tiên bị khởi tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” ?
TS. Đinh Thế Hưng: BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có sự sửa đổi, bổ sung rất quan trọng liên quan đến nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT). Theo đó có việc phân định, chia ra rõ ràng hơn tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thành nhiều tội danh cụ thể , trong đó có tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219).
Lý do hiện diện của tội danh này và nhiều tội danh mới trong chương tội phạm xâm phạm TTQLKT là trước đây “Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bị phàn nàn là có phạm vi điều chỉnh quá rộng dễ tùy tiện hoặc khó khăn khi áp dụng. Do đó, BLHS 2015 đã chia tội danh này ra thành nhiều tội danh mới nhằm cụ thể hóa các hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau như: cố ý làm trái trong lĩnh vực quản lý vốn, tài sản nhà nước, cố ý làm trái trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo hiểm….
Còn tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đã có trong BLHS 1999 và tiếp tục tồn tại trong BLHS 2015. Đây là tội danh không mới và đã có nhiều trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này.
Kể từ khi Bộ luật này có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018), theo thông tin tôi được biết thì đây là hai trường hợp đầu tiên bị khởi tố theo tội danh mới – tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Với những chứng cứ đã có về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai mà cơ quan điều tra đã có thì việc khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can với hai tội danh trên là hoàn toàn có căn cứ.
Phóng viên: Cả 2 bị can trong vụ án này đều từng giữ trọng trách lớn ở một thành phố, họ buộc phải nắm rõ và hiểu rõ các quy định về quản lý đất đai, quản lý tài sản Nhà nước, vậy vấn đề đặt ra tại sao họ vẫn cố tình vi phạm? Và trong trường hợp nếu sau này cơ quan điều tra chứng minh được các bị can cố tình vi phạm để trục lợi thì khi đó có thay đổi tội danh hoặc bổ sung tội danh hay không? Và đó là tội danh gì? Thưa ông?
TS. Đinh Thế Hưng: Hai tội danh mà hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng bị khởi tố có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý vốn, tài sản nhà nước hoặc trong quản lý đất đai. Họ hơn ai hết nắm vững các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản , đất đai được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Các đạo luật này và hàng loạt các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành đã quy định chặt chẽ thủ tục, thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, quản lý đất đai.
Điều đó cũng có nghĩa là người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực này buộc phải nhận thức đúng đắn nội dung, tinh thần của các quy định đó và đòi hỏi thực hiện nghiêm chỉnh. Nếu vi phạm (làm không đúng, làm không đầy đủ, làm ngược lại với yêu cầu qui định của luật) thì có nghĩa là họ đã vi phạm và nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về mặt luật định, hai tội này có lỗi cố ý. Về thực tế người phạm tội biết rõ các quy định của pháp luật, biết rõ là hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Trong vụ án ở Đà Nẵng mà cơ quan điều tra đang giải quyết thì những người có chức vụ quyền hạn đang là bị can không thể nói là không biết các quy định của pháp luật trong lĩnh vực họ được giao quản lý. Với chức vụ, quyền hạn, chuyên môn của mình họ mặc nhiên phải biết.
Còn vì sao mà họ biết mà vẫn làm (tức là động cơ mục đích phạm tội của họ) thì quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ chứng minh làm sáng tỏ. Nếu chứng minh có yếu tố vụ lợi thì rất có thể sẽ cấu thành tội danh khác ví dụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hoặc nếu họ có nhận tiền, tài sản, giá trị vật chất tinh thần để giao đất trái phép cho các đối tượng thì rất có thể cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Đây là các tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Chế tài xử lý đối với nhóm tội phạm về chức vụ sẽ nặng hơn chế tài các tội xâm phạm TTQLKT. Nếu có như vậy, theo Bộ luật TTHS hiện hành, cơ quan điều tra hoàn toàn có quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can với tội danh thay đổi.
Chế tài xử lý nhóm tội chức vụ nặng hơn tội xâm phạm TTQLKT
Phóng viên: Xin ông cho biết những dấu hiệu pháp lý đặc trưng để phân biệt tội danh “vi phạm các qui định của Nhà nước về quản lý đất đai” và tội “ vi phạm các quy định của Nhà nước gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước” với các tội danh khác thuộc nhóm tội chức vụ và nhóm tội tham nhũng?
TS. Đinh Thế Hưng: Có thể tưởng tượng, cấu thành của các tội phạm nói chung, các tội xâm phạm TTQLKT và các tội về chức vụ như các vòng tròn giao nhau. Có nghĩa là chúng có nhiều dấu hiệu giống nhau nên dễ nhầm lẫn, nhưng bản chất – tính nguy hiểm cho xã hội của chúng khác nhau.
Các tội về chức vụ xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động công quyền và các hoạt động có tính chất công khác nên nó nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, về mặt lập pháp đòi hỏi nhà làm luật phải thiết kế quy phạm làm sao để thể hiện rõ sự khác nhau này. Về mặt thực tiễn đòi hỏi người áp dụng nhận thức đúng đắn dấu hiệu của các tội này để áp dụng chính xác.
Các tội ở 2 nhóm này giống nhau ở chỗ nó đều do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, đều lợi dụng chức vụ quyền hạn mình đang có để phạm tội. Nhưng điểm khác nhau cơ bản đó là tính chất vụ lợi - mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình cho người thân của mình. Các tội xâm phạm TTQLKT thì chỉ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả , chứ tuyệt đối không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay vì động cơ vụ lợi. Họ chỉ cố ý làm trái và gây thiệt hại. Còn các tội về chức vụ: tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…..thuộc nhóm tội tham nhũng thì phải có động cơ vụ lợi tức là lợi dụng chức vụ quyền hạn để hưởng “lợi ích không chính đáng- undue advantage” (nói theo Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng) hoặc chiếm đoạt tài sản (hành vi tham ô tài sản).
Phóng viên: Do mức độ và tính chất nguy hiểm mà các tội danh trên gây ra cho xã hội khác nhau nên chế tài xử lý chắc cũng khác nhau, đúng không thưa ông?
TS. Đinh Thế Hưng: BLHS 2015 đã thể hiện khá rõ chính sách hình sự của chúng ta đối với các tội xâm phạm TTQLKT và các tội về chức vụ.
Theo đó, đối với các tội xâm phạm TTQLKT thì các chế tài theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền. Đối với các tội về chức vụ thì quy định và xử phạt theo hướng nghiêm khắc và nhấn mạnh khả năng thu hồi tài sản công bị chiếm đoạt bởi hành vi tham nhũng. Ví dụ tội “tham ô tài sản” quy định không áp dụng thời hiệu, vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình nhưng nếu người phạm tội khắc phục được ¾ tài sản chiếm đoạt thì có thể không áp dụng hình phạt tử hình. Quy định như vậy theo tôi là linh động, mềm dẻo và hợp lý trong bối cảnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang quyết liệt như hiện nay.
Khó khăn trong việc chứng minh quan chức làm trái để trục lợi?
Phóng viên: Thời gian qua có nhiều vụ đại án kinh tế xảy ra, nhưng ít thấy có bị can bị khởi tố nhóm tội danh chức vụ, tham nhũng, chủ yếu các bị cam bị khởi tố tội danh vi phạm quy định quản lý kinh tế hoặc cố ý làm trái. Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng các bị can cố ý làm trái không đơn thuần là họ không thuộc luật, không đơn thuần họ giúp không cho không người khác, mà nhiều trường hợp họ có động cơ mục đích cá nhân- vụ lợi khi thực hiện các hành vi cố ý làm trái đó. Tuy nhiên như ông phân tích ở trên, để khởi tố tội danh tham nhũng thì phải chứng minh yếu tố vụ lợi? Vậy, theo ông việc chứng minh các dấu hiệu trục lợi, tham nhũng trong một số vụ án kinh tế xảy ra thời gian vừa qua và vụ án này có gặp trở ngại, khó khăn gì không?
TS. Đinh Thế Hưng : Luật thì quy định khá rõ ràng như vậy, nhưng đúng như Phóng viên nói là câu chuyện thực tiễn giải quyết vụ án hình sự làm sao chứng minh được các dấu hiệu vụ lợi, chiếm đoạt tài sản là có khó khăn.
Cái khó thứ nhất là dưới góc độ tội phạm, họ - các đối tượng phạm tội thuộc nhóm tội kinh tế, chức vụ thường là những người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật. Khi phạm tội họ tính toán nhiều khả năng trong đó có khả năng để che dấu tội phạm.
Thứ hai, trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thường là vụ án lớn rất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai…còn gặp nhiều lúng túng. Pháp luật về sở hữu, tài sản chưa rõ ràng. Lấy ví dụ hiện nay chưa có cách tính toán tài sản nhà nước bị thiệt hại đối với một số tội như lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Tài sản công và tài sản tư chưa được minh định rõ ràng nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn nhà nước…..
Thứ ba, việc minh bạch , kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, kê khai tài sản thiếu trung thực, việc kiểm tra, giám sát tài sản của công chức còn chưa chặt chẽ nên rất khó xác định tài sản của họ có phải là do từ việc tham nhũng mà có hay không…
Nguyên nhân và giải pháp
Phóng viên: Dưới góc độ của một nhà khoa học pháp luật hình sự, theo ông, nguyên nhân của những sai phạm trong quản lý kinh tế xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng trong thời gian qua ?
TS. Đinh Thế Hưng: Bất kỳ một vụ phạm tội kinh tế nào xảy ra đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là từ bản thân người phạm tội do yếu kém về trình độ quản lý kinh tế, do tham lam, hư hỏng về đạo đức và nguyên nhân khách quan tức là những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động đến hành vi phạm tội. Trong đó nguyên nhân từ con người giữ vị trí quyết định. Tuy nhiên để khắc phục nguyên nhân tội phạm kinh tế, chức vụ, từ phía công tác cán bộ là việc làm không thể ngày 1 ngày 2. Trước mắt là khắc phục ngay những nguyên nhân khách quan
Về nguyên nhân khách quan có thể kể đến trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện. Điều đó không thể tránh khỏi những khoảng trống, những bất cập chưa được điều chỉnh kịp thời bằng pháp luật để người có chức vụ quyền hạn lợi dụng gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động của Tập đoàn kinh tế được nhà nước giao khối lượng tài sản lớn và nguồn lực khác nhưng cơ chế giám sát hoạt động của nó còn nhiều bất cập. Các hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Gần như các sai phạm chỉ được phát hiện và xử lý khi có quyết tâm chính trị và chỉ đạo quyết liệt xử lý từ cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước. Cơ chế kiểm soát hoạt động của các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua đang có vấn đề.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường của chúng ta còn non trẻ nên việc tập trung nguồn lực kinh tế, tập trung cả về quản lý quá lớn đối với các Tập đoàn; cho phép các Tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nhưng thiếu sự kiểm soát như đã nói cộng với trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý của cán bộ còn chưa theo kịp với thực tế dẫn đến những sai phạm về quản lý kinh tế trong thời gian qua. Bởi quản lý một Tập đoàn kinh tế với số vốn hàng tỷ đô la không phải là việc làm đơn giản. Không có năng lực, kinh nghiệm và hệ thống giám sát chặt chẽ thì việc xảy ra sai phạm là điều tất yếu.
Phóng viên: Để đấu tranh với những sai phạm trong quản lý kinh tế, theo ông tới đây cần có những giải pháp hữu hiệu nào? Xin ông có những đánh giá, phân tích về những giải pháp đó?
TS. Đinh Thế Hưng: Có nhiều giải pháp trong đó giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như: Rành mạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh và kinh doanh của các Bộ chủ quản. Phân biệt quyền quản lý và quyền sở hữu của các chủ thể quản lý. Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, Nhà nước nên tập trung kiến tạo môi trường thể chế lành mạnh, thông thoáng, duy trì trật tự của thể chế kinh tế bằng cách xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các chủ thể quản lý và kinh doanh.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về sở hữu, tài sản, vốn, hợp đồng, phá sản doanh nghiệp. Đồng thời tập trung hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực đặc thù như tài chính, ngân hàng, đầu tư, chi tiêu công…Bởi tội phạm về kinh tế trong thời gian qua lợi dụng những bất cập, kẽ hở của pháp luật trong các lĩnh vực này để phạm tội.
Việc xử lý các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này đòi hỏi nghiêm khắc nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, người lao động, của nền kinh tế , đồng thời thu hồi tối đa tài sản của nhà nước của nhân dân bị thiệt hại.
Điều quan trọng nữa là hoàn thiện, tăng cường và nâng cao hiệu quả cơ chế giám sát các hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, của doanh nghiệp nhà nước. Phải thiết kế các tầng lớp giám sát khác nhau: giám sát trong nội bộ doanh nghiệp, giám sát của thị trường, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của Quốc hội, của nhân dân…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông !
Thành Nguyễn (thực hiện)