Trong và sau đại dịch, giải pháp nào cho doanh nghiệp FDI?

04/09/2021 09:56

Khi làm việc với các địa phương phía Nam về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân và tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở rằng các giải pháp cần phải sát với thực tiễn mới có thể phát huy hiệu quả.

Cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sản xuất bị đình trệ, chi phí để duy trì được một phần năng lực sản xuất tăng cao, trong khi nguồn thu ít đi… Trong bối cảnh đó, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Cần những giải pháp nhanh, sát thực

Các giải pháp như “Ba tại chỗ”, “Hai điểm đến một cung đường”, “Ưu tiên tiêm chủng vaccin cho lao động tại các khu công nghiệp”… đã có những tác dụng thiết thực, giúp cho nhiều doanh nghiệp duy trì được một phần hoạt động sản xuất và giữ chân được người lao động.

Tuy vậy, các giải pháp trên vẫn còn có những hạn chế nhất định như: kiểm soát thái quá đối với doanh nghiệp, bao gồm đối với cả người lao động và hàng hóa đầu vào trên đường đi, khi đến cổng nhà máy; chưa có cách phân loại và chỉ dẫn cụ thế đối với từng đối tượng cần kiểm tra, giám sát…

Có lẽ chưa địa phương nào có phân loại rõ mức độ cần hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Đây là loại hình doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều lao động, tỷ trọng hàng xuất khẩu cao, có tác động dẫn dắt ngành sản xuất tại địa phương và trong cả nước thì sự hỗ trợ sẽ rất khác với các doanh nghiệp có quy mô, năng lực sản xuất nhỏ, ít lao động.

Sự hỗ trợ của địa phương về chỗ ở khi áp dụng “Ba tại chỗ” cho các doanh nghiệp có nhiều lao động chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thời gian đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, các địa phương vùng dịch để người lao động trở về quê, nên khi một số doanh nghiệp tìm ra giải pháp thích ứng mới, nâng sức sản xuất thì lại vấp phải vấn đề thiếu hụt lao động…

Các nhà quản lý FDI tại các địa phương cũng sẽ như các “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận kinh tế. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 hiện nay sẽ thực sự là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; là phương pháp, liều thuốc hiệu quả nhất trong công tác xúc tiến đầu tư.

Chúng ta đều nhận thức rõ, các giải pháp cụ thể trong các tình huống cụ thể, rất cần thiết cho thời gian vừa qua và cả hiện tại. Nó không phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách đang có hiệu lực về đầu tư, về doanh nghiệp, về các luật chuyên ngành khác, nên cần được vận dụng một cách sáng tạo, sát thực tiễn trong từng điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Trong quá trình triển khai, có những phát sinh khi thực hiện các chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch, cần được báo cáo khẩn cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, và kèm theo là các kiến nghị xử lý cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề “nóng” liên quan đến doanh nghiệp tại địa phương. “Chống dịch như chống giặc” là vậy.

5-1630724181.jpg
 Đằng sau mọi chính sách và giải pháp là sinh mệnh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trong ảnh: sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HÙNG LÊ

Chúng ta đều biết rằng, đằng sau mọi chính sách và giải pháp là sinh mệnh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Phòng chống đại dịch Covid-19 hiện nay không thể chấp nhận sự quan liêu, vô cảm, xử lý hành chính máy móc, thiếu kịp thời của các cá nhân thừa hành công vụ ở mọi vị trí. Nên chăng cho phép họ hội ý nhanh tập thể tại các điểm chốt chống dịch để giải quyết thỏa đáng ngay các trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương xem xét thêm các đề xuất sau để giải quyết các khó khăn hiện tại cho các doanh nghiệp FDI nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung:

– Rà soát lại ngay các giải pháp đang áp dụng hiện nay như “Ba tại chỗ”, “Hai điểm đến một cung đường”, “Ba điểm xanh”,… xem có còn bất cập gì đối với từng doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời lắng nghe ý kiến trực tiếp, cụ thể của từng doanh nghiệp để chọn ra giải pháp thích hợp nhất với họ (như có doanh nghiệp đề nghị là “Hai xanh” khi công nhân của họ đang sống tại “vùng xanh”); hỗ trợ doanh nghiệp một phần chỗ ở cho công nhân khi thực hiện “Ba tại chỗ”, nhất là với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn làm hàng xuất khẩu;…

– Có quy định rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận quản lý nhà nước (giữa các địa phương với nhau, giữa ngành giao thông với cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, kiểm dịch, hải quan,… tại địa phương) trên đường vận tải, thông quan, nhập và lưu kho hàng hóa, nguyên vật liệu, từ nhà máy đến bến cảng được thông suốt;…

– Cơ quan quản lý về FDI tại các địa phương cần đánh giá ngay tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp FDI. Chủ động phân loại các loại doanh nghiệp thiết yếu trong giai đoạn hiện nay (về quy mô sản xuất, về tác động của doanh nghiệp đến kinh tế ngành, đến kinh tế – xã hội tại địa phương), không dàn đều sự hỗ trợ còn hạn chế hiện nay cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn, để các doanh nghiệp đầu đàn này vượt qua khó khăn, giữ được mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đến khi dịch được khống chế các doanh nghiệp này sẽ có tác động tích cực vực dậy nền kinh tế và các doanh nghiệp khác.

Chuẩn bị cho hậu Covid-19

Các địa phương là nơi hiện thực hóa chính sách của Nhà nước về đầu tư nước ngoài nói riêng và tất cả các chính sách khác nói chung; do vậy cũng là nơi có đủ điều kiện để cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành, để đề xuất tháo gỡ khó khăn hoặc sửa đổi pháp luật có liên quan.

Hiện Chính phủ đã ban hành chương trình hành động tại Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 27-4-2020 thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây cũng được xem như là việc chuẩn bị điều kiện để đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 và bảy tháng đầu năm 2021 được đánh giá là tương đối khả quan so với một số nước khi dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm tới 42,8% (báo cáo của UNCTAD) trong năm 2020. Tuy vậy, đánh giá này cũng vẫn cần phải “sát thực” khi tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2020 giảm 20,3% so với năm 2019 (tuy vẫn đạt mức cao 31,05 tỉ đô la Mỹ), và nguồn vốn này trong bảy tháng đầu 2021 chỉ bằng 88,9% so cùng kỳ năm 2020. Cùng với những khó khăn của các doanh nghiệp FDI nêu trên, càng không được chủ quan trong việc chuẩn bị điều kiện để đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.

Vì thế, cần rà soát, đánh giá các dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn, nhưng phải phân rõ ra các loại (đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đang hoạt động bình thường, cân bằng thu chi hướng tới có lãi; đang hoạt động thua lỗ; đang xây dựng, hình thành nhà máy…) để có các giải pháp hỗ trợ, quản lý sát thực tế đối với từng doanh nghiệp.

Các nhà quản lý FDI tại các địa phương cũng sẽ như các “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận kinh tế, tập trung giúp các doanh nghiệp đang thua lỗ vượt qua khó khăn hiện tại, giúp các doanh nghiệp đang xây dựng sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh… Các giải pháp hỗ trợ này thực sự là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; là phương pháp, liều thuốc hiệu quả nhất trong công tác xúc tiến đầu tư.

Với nhiệm vụ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm rõ và định vị lại lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh sau đại dịch Covid-19, từ đó các địa phương điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với chương trình xúc tiến đầu tư của quốc gia.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/trong-va-sau-dai-dich-giai-phap-nao-cho-doanh-nghiep-fdi.html

Bạn đang đọc bài viết "Trong và sau đại dịch, giải pháp nào cho doanh nghiệp FDI?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin