Một tòa án thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/5 sẽ ra phán quyết đối với đơn kháng cáo của Amazon chống lại yêu cầu nộp 250 triệu euro (295 triệu USD) tiền thuế chưa trả cho Luxembourg.
Vụ kháng cáo xảy ra sau khi bê bối LuxLeaks bị phanh phui hồi năm 2014 tiết lộ 500 thỏa thuận thuế giữa Luxembourg và hơn 350 doanh nghiệp quốc tế, trong đó có nhiều vụ gian lận thuế hàng tỷ USD và dính líu tới các tập đoàn lớn như Apple, IKEA, Pepsi…
Các tập đoàn này đã có những thỏa thuận ngầm với cơ quan thuế Luxembourg để được hưởng thuế suất thấp hơn quy định.
Trong trường hợp của Amazon, vào năm 2017, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của châu Âu Margrethe Vestager đã cáo buộc Luxembourg có một thỏa thuận bất hợp pháp với “đại gia” thương mại trực tuyến để trả thuế ít hơn các doanh nghiệp khác.
Theo đó, Luxembourg đã đưa ra chính sách thuế ưu đãi cho Amazon, giúp gần 3/4 lợi nhuận của công ty không bị đánh thuế.
Trọng tâm cáo buộc của EU là việc Amazon vi phạm cái gọi là "nguyên tắc giá thị trường", vốn nhằm đảm bảo rằng các giao dịch giữa các công ty con dựa trên mức giá mà các công ty độc lập khác trên thị trường sẽ phải trả.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc của EU, Amazon cho biết họ không nhận được bất kỳ đối xử đặc biệt nào từ Luxembourg, đồng thời khẳng định đã nộp thuế đầy đủ theo quy định của cả Luxembourg và luật thuế quốc tế.
Tuy nhiên, giới phân tích không quá lạc quan về khả năng các yêu cầu của EU được giữ nguyên. Chưa đầy một năm trước, nhà sản xuất iPhone là Apple thắng một cách ngoạn mục tại cùng tòa án này trước yêu cầu của Ủy ban châu Âu về việc Apple phải trả 13 tỷ euro tiền thuế cho Ireland vào năm 2016.
Nhưng dù thắng hay thua trong vụ kháng cáo, Ủy ban châu Âu có thể sẽ nhấn mạnh mục tiêu nhắm tới hoạt động chuyển dịch lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng đang xây dựng các quy tắc mới để bịt các lỗ hổng thuế, đặc biệt là đối với các “đại gia” công nghệ.
Trong những tuần gần đây, phía Mỹ đã dần chấp nhận ý tưởng về một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu.
Các cuộc đàm phán về thuế doanh nghiệp xuyên biên giới đang được tiến hành tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nếu thành công, chính sách thuế này sẽ biến các giao dịch đặc biệt dành cho các công ty đa quốc gia trở thành dĩ vãng./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/toa-an-chau-au-sap-ra-phan-quyet-ve-khang-cao-gian-lan-thue-cua-amazon/195442.html