(Pháp lý) - Phần trách nhiệm bồi thường dân sự kinh tế trong các vụ án hình sự liên quan chặt chẽ đến quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên trên thực tế, quyền và lợi ích đó thường không được đảm bảo một phần do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng và hạn chế của các quy định pháp luật…
Không kê biên tài sản của người phạm tội
Phiên tòa xét xử hành vi vi phạm pháp luật của ông Đinh La Thăng khi làm Chủ tịch PVN gần đây gây chú ý dư luận bởi quyết định tuyên xử số tiền khủng mà các bị cáo phải bồi thường dân sự. Ông Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng này phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng. Tuy nhiên, ông này đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới là các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức lúc ấy là thành viên HĐTV PVN cùng ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh (thời điểm đó giữ chức Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng) phải thực hiện chỉ đạo và chủ trương của ông Thăng.
Do Oceanbank mắc nhiều sai phạm và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào giữa năm 2015, 800 tỷ đồng vốn góp của PVN bị mất. Bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí - PVN) và các thuộc cấp đã bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Theo đó, về trách nhiệm dân sự, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN, ông Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ, ông Vũ Khánh Trường 40 tỷ, các bị cáo còn lại mỗi người 15 tỷ.
Như vậy, tổng số tiền mà ông Đinh La Thăng sẽ phải bồi thường trong hai vụ án lên tới 630 tỷ đồng. Điều dư luận đặc biệt quan tâm là tính khả thi của việc thu hồi số tài sản rất lớn này từ ông Đinh La Thăng, bởi trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không kê biên tài sản nào của ông Đinh La Thăng. Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nhiều lần nhấn mạnh rằng các vụ án không có tài sản bị kê biên, phong toả trong quá trình điều tra, truy tố nên khi bản án có hiệu lực, thi hành phần dân sự cơ quan thi hành án dân sự rất vất vả để xác minh, thu hồi tài sản; nhiều vụ án phải thu hồi số tiền rất lớn nhưng không có tài sản đảm bảo, hoặc có rất ít ỏi. Đến nay, không có một thống kê cụ thể nào về tài sản của ông Đinh La Thăng. Khả năng bồi thường của bị cáo này đối với thiệt hại của PVN hiện còn đang “bỏ ngỏ”? Nếu tội phạm tẩu tán tài sản, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Hoạt động lấy danh nghĩa pháp nhân, nhưng cá nhân phải bồi thường?
Trong giai đoạn 1 của đại án Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM, Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân. Tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 4000 tỉ đồng.
Tính đến đầu năm 2017, tổng số tiền phải thi hành án trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, đã lĩnh án tù chung thân) khoảng 14.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền chiếm đoạt và lãi suất theo quy định của pháp luật). Huyền Như có 22 tài sản nhà, đất đã bị kê biên, nếu phát mãi sẽ thu được khoảng 500 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong trách nhiệm dân sự mà bị cáo này phải gánh chịu.
Năm 2017, đại án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2 cũng được đưa ra xét xử. Lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Ngân hàng Vietinbank đã trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của 5 Công ty lớn để nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định. Như hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (lãi suất theo quy định do Vietinbank trả, còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do Như trả bằng tiền cá nhân). Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như.
Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt được 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong đó, Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, 124 tỷ đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, 209,9 tỷ đồng của Công ty SBBS. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì HĐXX cho rằng: "Cả 5 nguyên đơn đã ký hợp đồng giả mạo nhằm hưởng lãi suất cao của ngân hàng. Xét về mặt hình thức đã vi phạm pháp luật. Căn cứ vào BLHS, do Như bị truy tố về tội Lừa đảo nên Như phải có trách nhiệm hoàn trả cho 5 công ty về số tiền đã chiếm đoạt”. Theo đó, HĐXX buộc Như và Tuấn liên đới bồi thường cho công ty Hưng Yên 200 tỷ. Ngoài ra, bị cáo Huyền Như còn phải bồi thường cho 4 công ty còn lại hơn 860 tỷ đồng. HĐXX vụ án Huyền Như giai đoạn 2 cho rằng các nguyên đơn dân sự gửi tiền nhưng đã bỏ mặc cho Như chiếm đoạt nên phải chịu trách nhiệm về sai sót do lỗi của mình. Các nguyên đơn dân sự đã cùng với Như tạo lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng tiền gửi nên đã vi phạm Bộ luật Dân sự về hợp đồng giao dịch.
Trong vụ án này, có nhiều tranh cãi về trách nhiệm bồi thường dân sự của pháp nhân trong trường hợp người của pháp nhân có lỗi. Có nhiều ý kiến cho rằng, Huyền Như là người của Vietinbank, tiền đã vào tài khoản ngân hàng… trách nhiệm bồi thường cho khách hàng là của ngân hàng. Với quan điểm nêu trên, luồng ý kiến này cho rằng phán quyết của Tòa án đã tạo tiền lệ không tốt cho nhiều vụ việc lẩn trốn trách nhiệm bồi thường của pháp nhân cho khách hàng. Không ít người của pháp nhân đã lấy uy tín, danh nghĩa của pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng pháp nhân vô can trong trách nhiệm bồi thường.
Nhận diện tài sản tham nhũng rất khó khăn
Thu hồi được tài sản tham nhũng là một trong những mục tiêu cốt yếu trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên hiệu quả của việc thu hồi tài sản tham nhũng rất ít ỏi qua thực tế thi hành phần dân sự của các đại án. Vào năm 2014, Dương Chí Dũng bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên phạt tử hình vì tội Tham ô tài sản, 18 năm tù vì tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp mới hình phạt chung là tử hình. Bên cạnh đó, Tòa tuyên Dũng phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng. Thông qua sự giáo dục, thuyết phục, động viên của lực lượng thi hành án, người nhà của Dương Chí Dũng đã nộp được gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kê biên, xử lý dứt điểm 3 căn nhà của Dương Chí Dũng tại Hà Nội gồm căn nhà ở 83 Lý Thường Kiệt (đã tổ chức bán đấu giá được trên 4 tỷ đồng); căn hộ ở số 88 Láng Hạ (đã thu được 4,9 tỷ đồng). Còn căn nhà tại đường Nguyên Hồng (50% tài sản thuộc Dương Chí Dũng và 50% thuộc về người vợ, cơ quan chức năng cũng đã kê biên thẩm định). Người vợ sau đó đã tự nguyện nộp 50% giá trị tài sản này. Tất cả số tiền xử lý tài sản và vận động gia đình Dương Chí Dũng trong vụ án này là trên 21 tỷ đồng. Có thể nói, số tiền mà Dương Chí Dũng tham nhũng đã bị sử dụng đến mức tiêu tán, không có khả năng thu hồi. Trước đó là vụ án Vinashin, tòa án tuyên các bị cáo phải bồi thường 1.000 tỷ, trong đó Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Vinashin) phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 500 tỷ đồng, nhưng đến nay thi hành được rất ít ỏi.
Nguyên nhân của những hạn chế trên đã được nhiều chuyên gia cắt nghĩa. Cụ thể, việc quản lý tài sản của cán bộ, công chức còn bất cập. Số liệu của năm 2017 cho thấy tới trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016). Kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, phản ánh của báo chí cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý. Thực tế thì việc quản lý đồng tiền của chúng ta còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường thiếu minh bạch nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để khi người đó vi phạm pháp luật còn kê biên. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội, làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng là rất khó khăn...
Minh Minh (tổng hợp)