Các tin tặc đang tham gia cùng với các viện nghiên cứu và thống đốc các bang tại Mỹ để lập một nhóm nhằm ngăn chặn việc thao túng hệ thống máy tính bầu cử và máy bỏ phiếu để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết các thành viên chính thức của liên minh chống tin tặc này sẽ được công bố trong ngày hôm nay 10-10 (theo giờ Mỹ).
Một số thành viên nổi bật bao gồm những người tổ chức diễn đàn tin tặc Def Con tại Las Vegas hồi mùa hè vừa qua, Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Mỹ và Trung tâm An ninh Mạng Internet.
Hội đồng cố vấn Atlantic và nhiều trường đại học tại Mỹ cũng thuộc một phần của dự án trên.
Ngoài ra những nhà tổ chức diễn đàn Def Con sẽ đại diện liên minh chống tin tặc để phát hành một bản báo cáo mô tả các lỗ hổng dễ bị khai thác trong các máy bỏ phiếu và các công nghệ liên quan vừa được phát hiện hồi tháng 7.
Trong sự kiện kéo dài 3 ngày hồi tháng 7, các tin tặc tham gia sự kiện đã thâm nhập một phần vào hệ thống các máy tính bầu cử và máy bỏ phiếu, phát hiện các lỗ hổng an ninh mà các nhà tổ chức cho biết có thể dùng để thao túng kết quả bầu cử.
Người dân tham dự diễn đàn tại Las Vegas còn biết thêm cách để tấn công các máy bỏ phiếu trong vài phút hoặc vài giờ.
Ngày càng có nhiều người quan ngại về những nỗ lực can thiệp bầu cử kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái ở Mỹ.
Lo ngại này đặc biệt nghiêm trọng khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc chính quyền Mátxcơva đứng sau các vụ tin tặc tấn công hệ thống thư điện tử của đảng Dân chủ để giúp ông Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng các tin tặc Nga đã nhắm đến 21 hệ thống bầu cử tiểu bang tại Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Nhiều ủy ban quốc hội cũng đang tiến hành điều tra các nỗ lực can thiệp bầu cử liên quan đến Nga.
Nga đã phủ nhận các cáo buộc từ các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ.
Theo báo cáo soạn trước của các nhà tổ chức diễn đàn Def Con để trình bày ngày 10-10 (giờ Mỹ), nhóm này đề xuất biện pháp phòng ngừa khả thi là giảm số lượng các bộ phận và phần mềm không phải của Mỹ dùng trong hệ thống máy bỏ phiếu của nước này.
"Thông qua chuỗi cung ứng ở nước ngoài, các phần mềm và trang thiết bị bỏ phiếu có thể bị tổn hại ngay từ những giai đoạn đầu tiên trong quy trình sản xuất" - báo cáo trên thông tin.
Theo Tuoitre