Thiên nhiên tươi đẹp của mùa hè phương Bắc

Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Phần Lan duy nhất từng đoạt giải Nobel đem tới cho người đọc những xúc cảm tuyệt đẹp về mùa hè ở đất nước Phần Lan.

Người trong đêm hè tái hiện lại không khí mùa hè tươi đẹp của miền quê phương Bắc, “Mùa hè phương Bắc gần như không có đêm, chỉ có ánh sáng mờ ảo nhập nhoạng ngập ngừng, chầm chậm trôi qua”. Đó chính là lời thì thầm của ánh sáng hè đang tới gần.

Trong cái không khí mùa hè rạo rực lấp lánh ánh nắng ấy, những gương mặt con người dần được hiện ra. Mỗi người một câu chuyện, một số phận, đan xen vào nhau, tất cả đã cùng hòa vào nhau tạo nên một bản nhạc mùa hè sôi động và rạng rỡ.

Đó là mối tình chớm nở của cô gái Helka với người bạn nhảy, chàng sinh viên Arvid giàu có, hào hoa chiếm phần nhiều những trang viết. Tâm tư của họ, những ngượng ngùng, bối rối và những rung động đã được F.E.Sillanpää miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, vừa thong thả vừa da diết.

Đó là những người phụ nữ thôn quê, luôn dồn hết sức lực và tuổi trẻ của mình để chăm sóc cho chồng con, bên cạnh những người đàn ông khỏe mạnh, thích những cuộc phiêu lưu...

Người kể chuyện, kể về các cảnh khác nhau với những giọng điệu khác nhau từ trẻ tới già, từ giàu tới nghèo, từ người không có học đến người học thức, có cả mặt tốt và mặt xấu.

Ngôn ngữ của tác giả rất chân thật, biểu cảm và giàu chất thơ ngay từ những đoạn văn khởi đầu của cuốn tiểu thuyết mini đã tạo nên một tấm gương phản chiếu đời sống nông thôn điển hình của đất nước Phần Lan những năm 1930 nơi thiên nhiên và con người gần như hòa làm một, nơi mọi hoạt động đều chứa đựng nhiều xúc cảm, nơi trong sinh và tử đan xen niềm vui, nỗi đau, sự trăn trở, tiếc nuối, những khát khao giới tính kỳ lạ…

Dù vậy, nhân vật trung tâm của câu chuyện, sợi dây xuyên suốt, kết nối các nhân vật có lẽ chính là khung cảnh thiên nhiên phương Bắc xinh đẹp.

Ánh sáng và âm thanh, mặt trời và đêm trắng, cánh đồng lúa, rừng cây, mặt hồ nước, trang viên… một vùng quê với đủ mọi thăng trầm và cuộc sống của những người dân đủ mọi tầng lớp trong ánh sáng mờ ảo của đêm hè hiện lên thật hoàn hảo dưới ngòi bút của Sillanpää. Đây là tác phẩm văn xuôi mang tính trữ tình đậm đặc nhất, nhiều tính nhạc nhất của nhà văn.

Đọc Người trong đêm hè của Sillanpää thật dễ liên tưởng đến một đêm hè của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ, hay một nước Nga với những hàng bạch dương lãng đãng, trong Những lối đi dưới hàng cây tăm tối.

Mùa hè là một mùa hư ảo, giữa lấp lánh ánh nắng và những cơn say, giữa những cơn mê buổi chiều và ánh hoàng hôn diệu vợi, một mùa dễ khơi dậy nên niềm rung động tha thiết khiến con người ngây ngất. Mỗi nhà văn đều có một cách khác nhau để khơi gợi vẻ đẹp của mùa hè, như với Thạch Lam, Bunin hay Sillanpää, cái chất văn chương tinh tế như thơ này đều xuất phát từ sự quan sát tỉ mỉ trìu mến và yêu tha thiết một đời sống con người bình thường.

 Tiểu thuyết Người trong đêm hè của nhà văn người Phần Lan F.E.Sillanpää.
Tiểu thuyết Người trong đêm hè của nhà văn người Phần Lan F.E.Sillanpää.)

Dù không mới ở cốt truyện hay cách xây dựng nhân vật, nhưng văn chương của Người trong đêm hè như một bài thơ, đậm đà cảm xúc, dễ si mê lòng người.

Tác phẩm xuất bản năm 1934, là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Phần Lan duy nhất vinh dự nhận giải thương Nobel, F.E.Sillanpää.

Chỉ một năm sau khi ra đời, tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển năm 1935 và hai năm tiếp theo được dịch và xuất bản ở Estonia (1936), Đan Mạch (1937), Na Uy (1937) và Latvia (1937), Anh (1966). Cho đến nay, tiểu thuyết này đã được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1948 và nhận nhiều giải thưởng cũng như đánh giá tích cực của công chúng.

Năm 1936, nàh văn F.E.Sillanpää được Đại học Helsinki trao bằng Tiến sĩ Danh dự và năm 1939 được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel. Do chiến tranh, buổi lễ trao giải không tổ chức được nhưng ông đã nhận bằng trong một cuộc họp của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào tháng 12/1939.

Thời gian này, sức khỏe của ông giảm sút, Sillanpää rơi vào trạng thái trầm cảm nặng vì vợ mất và đất nước bị chiến tranh tàn phá, phải điều trị tại bệnh viện tâm thần đến năm 1943. Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ hồi ký gồm ba cuốn xuất bản từ năm 1953 đến năm 1956.

Frans Sillanpää được toàn thể nhân dân Phần Lan yêu quý, ông thường được mời phát biểu trên đài phát thanh. Ông mất ở Helsinki năm 66 tuổi.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin