Thấy gì từ những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán ?

08/06/2021 09:40

(Pháp lý) – Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM(HOSE) đã đưa ra thông báo danh sách một loạt công ty nằm trong bảng cảnh báo cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán . Trong đó, có nhiều công ty bị hủy niêm yết và bị cảnh báo giao dịch… do những nguyên nhân chủ yếu như: vốn chủ sở hữu âm, làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm,…

Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM đưa ra hàng loạt cổ phiếu bị cảnh báo

Hàng loạt cổ phiếu “ông lớn” bị cảnh báo và hủy niêm yết

Đứng đầu danh sách phải kể đến mã cổ phiếu HVN của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) ra quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4/2021. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 lỗ 10.927 tỉ đồng. Tính đến hết 31/12/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận mức lỗ 9.327 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 9/4/2021, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ở mức 33.150 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu HVN lao dốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và đến nay vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán không được cấp margin (tiền ký quỹ) cho nhà đầu tư mua cổ phiếu này. Tuy nhiên, HVN đã không đủ điều kiện ký quỹ từ năm ngoái do thua lỗ hàng nghìn tỉ trong nửa đầu 2020. Vậy nên quyết định này của HOSE không làm thay đổi tình hình margin của cổ phiếu HVN.

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có các quyết định về việc đưa một số cổ phiếu vào diện cảnh báo do lợi nhuận của các công ty là con số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại tiết b, điểm 1.1, khoản 1, Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/34/2018.

Đó là cổ phiếu của các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (mã VNS); cổ phiếu MHC của Công ty Cổ phần MHC; cổ phiếu DAH của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á và cổ phiếu SMA của Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn.

Cụ thể: cổ phiếu MHC của Công ty Cổ phần MHC vào diện cảnh báo kể từ ngày 06/04/2021 là do công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -1,169 tỷ đồng; Cổ phiếu VNS của ông ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 12/4 tới do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -207,021 tỷ đồng căn cứ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020; Cổ phiếu DAH của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -33,14 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là -20,3 tỷ đồng căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2020; Cổ phiếu SMA của Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn vào diện cảnh báo từ ngày 9/4 do lợi nhuận sau thuế năm 2020 là -37,79 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là -37,79 tỷ đồng; Bên cạnh đó, HOSE đưa cổ phiếu YEG, HNG từ diện cảnh báo sang kiểm soát, giữ nguyên diện cảnh báo đối với DXV, PXI …

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O vào diện bị cảnh báo và có hiệu lực từ ngày 20/4/2021, do lỗ hơn 100 tỉ đồng vào năm 2020, giảm 711 tỉ đồng so với năm 2019.

Theo HNX, lý do cảnh báo là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của CTCP tập đoàn C.E.O do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam ký báo cáo kiểm toán ngày 9/4/2021 là số âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định tại mục 1.4 khoản 1 điều 13 Quy chế niêm yết. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất C.E.O giảm 117% so với năm 2019 (âm 103,3 tỉ đồng, giảm 711 tỉ đồng so với năm 2019).

Bên cạnh đó, HNX thông báo đưa một loạt cổ phiếu của nhiều công ty vào diện bị cảnh cáo do do lợi nhuận sau thuế là con số âm, thuộc trường hợp cảnh báo theo quy định tại điểm 1.4 khoản 1 Điều 13 Quy chế niêm yết.

Đó là các mã cổ phiếu KBC của CTCP Khoáng sản Bắc Cạn KBC; CMS của CTCP CMVIETNAM; KVC của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ; L61 của CTCP Lilama 69-1; FID của CTCP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam; PDC của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Ðông .

Đặc biệt, HNX cảnh báo cổ phiếu NGC của CTCP Chế biến Thuỷ sản Xuất khẩu Ngô Quyền có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết.

Tương tự như HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (mã CLG-HOSE).

Theo HOSE, HOSE đã nhận được báo cáo kiểm toán hợp nhất kiểm toán năm 2020 của công ty này đã được kiểm toán và công bố ra ngoài thị trường. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -284,85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là - 485,97 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2020 đã vượt quá vốn điều lệ của công ty này là 211,5 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại điểm e và điểm h Khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu CLG đã rơi vào diện huỷ niêm yết bắt buộc.

Chứng khoán niêm yết bị cảnh báo khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Vốn điều lệ đã góp của tổ chức niêm yết giảm xuống dưới 30 tỷ đồng Việt Nam (đối với cổ phiếu) hoặc dưới 10 tỷ đồng Việt Nam (đối với trái phiếu doanh nghiệp) tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất;

- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 3 tháng trở lên;

- Cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 6 tháng;

- Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất của tổ chức niêm yết là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến lưu ý, ngoại trừ của đơn vị kiểm toán).

Có dấu hiệu vi phạm luật thuế, cổ phiếu cũng bị xếp vào diện “cảnh báo”

Ngày 6/4/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu TDH của Thuduc House vào diện cảnh báo do những thông tin liên quan đến việc truy thu thuế. Nguyên nhân là thông tin về việc truy thu thuế ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty, HOSE xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trước đó, ngày 4/3/2021, Cục thuế TP HCM đã có thông báo yêu cầu Thuduc House (TDH) phải nộp số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với ngân sách nhà nước gần 456 tỷ đồng thay vì số tiền được yêu cầu trước đó gần 400 tỷ đồng.

Trước sự việc trên, đại diện phía doanh nghiệp đã có văn bản bác bỏ thông tin trốn thuế liên quan đến sự việc Cục thuế TP HCM đề nghị truy thu công ty gần 400 tỷ đồng tiền thuế và khẳng định: "Thuduc House không có bất kỳ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nào liên quan đến Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam (Công ty con của Công ty Satra) cũng như không có bất kỳ sự cấu kết hay móc nối với 70 công ty được đề cập trong báo cáo".

Sau các lùm xùm liên quan đến trốn thuế, cổ phiếu TDH liên tục lao dốc, từ vùng giá 12.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống còn 7.550 đồng/cp chốt phiên ngày 30/3/2021.

Theo thông tin từ cục Thuế TP.HCM, sau khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, cơ quan này đã áp dụng thêm biện pháp phong tỏa hóa đơn của Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House, HoSE: TDH) để truy thu hơn 451 tỷ đồng công ty này đã trục lợi và phạt chậm nộp. Thời hạn áp dụng tới 30/3/2022.

Được biết, cơ quan thuế đã thu hồi được hơn 200 triệu đồng trong tổng số hơn 400 tỷ đồng phải thu. Trong trường hợp Thuduc House sử dụng số hóa đơn trên thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Việc phải mở rộng biện pháp cưỡng chế hóa đơn với Thuduc House, theo cục Thuế TP.HCM, do công ty này nợ thuế quá 90 ngày, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

Tuy nhiên, Thuduc House không đồng ý với các quyết định của Cục thuế TP.HCM và khởi kiện Cục Thuế TP. HCM ra Tòa án nhân dân TP. HCM. Tòa án đã ra các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ các quyết định của Cục Thuế TP. HCM. Sau đó vài ngày, Tòa án quyết định hủy các quyết định này.

Trong một diễn biến liên quan, sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có văn bản thông báo đưa cổ phiếu TDH của Thuduc House vào diện cảnh báo từ ngày 6/4/2021. Nguyên nhân là do việc truy thuế ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty, HoSE xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Điểm h, Khoản 1.1, Điều 22 quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE

Công khai minh bạch và Công bố thông tin báo cáo tài chính và kiểm toán là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam. Việc tuân thủ đúng các quy định không chỉ là thủ tục hành chính mà còn là một trong những thước đo quan trọng trong việc đánh giá trách nhiệm với nhà đầu tư. Những doanh nghiệp liên tục bị cảnh báo cũng bị nhà đầu tư xem như không đảm bảo uy tín, cổ phiếu sẽ bị định giá thấp… Và như vậy hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư sẽ bị hạn chế giao dịch ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Minh bạch về pháp lý và tài chính – quyền lợi nhà đầu tư mới được đảm bảo (!)
Theo tìm hiểu của PV thì mức độ vi phạm để cảnh báo nhà đầu tư căn cứ vào mức độ từ nhẹ đến nặng thì Ủy ban Chứng khoán phân nhóm làm 6 loại: Cổ phiếu bị Nhắc nhở Vi phạm trên Toàn thị trường; Cổ phiếu bị Cảnh báo; Cổ phiếu bị Kiểm soát; Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Chỉ có ở HOSE, riêng HNX không có loại này); Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch; Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc.

Tổ chức niêm yết có chứng khoán thuộc diện "bị cảnh báo" phải giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị cảnh báo và công bố thông tin theo yêu cầu của sở giao dịch chứng khoán. Tổ chức niêm yết bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường khi vi phạm công bố thông tin từ 03 lần trở lên trong vòng 01 năm. Tổ chức niêm yết phải thực hiện giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường và công bố thông tin theo yêu cầu.

Hơn nữa, có thể bị tạm ngừng giao dịch chứng khoán niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như: Giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; Tổ chức niêm yết không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện kiểm soát hoặc và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát; Thực hiện việc tách, gộp cổ phiếu; bị tách doanh nghiệp; Trong trường hợp SGDCKHN xét thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN.

Pháp luật quy định có rất nhiều trường hợp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch và thẩm quyền quyết định là do Sở Giao dịch Chứng khoán quyết định.

Điều 120 Luật chứng khoán năm 2019, có hiệu lưc từ 1/1/2021 quy định về Công bố thông tin của công ty đại chúng, theo đó, Công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về một hoặc một số nội dung: Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính 06 tháng đã được soát xét bởi công ty kiểm toán độc lập hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận, báo cáo tài chính quý; Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 Điều 46 quy định về quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán cũng quy định rõ: Sở Giao dịch chứng khoán ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin và thành viên giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Và có quyền tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ giao dịch chứng khoán theo Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.

Để công khai, minh bạch trong hoạt động chứng khoán, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Điều 12, Luật chứng khoán 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.

Điều 132 Luật chứng khoán 2019 cũng quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin cũng quy định: Tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, đúng phương tiện theo quy định; công bố thông tin sai sự thật hoặc làm lộ bí mật số liệu, tài liệu hoặc không công bố thông tin theo quy định của Luật này thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc chấp hành đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán ?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin