Thảm kịch Las Vegas: Mỹ lại sục sôi chuyện cũ

Vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ xảy ra ở TP Las Vegas đêm 1-10 đã làm sục sôi trở lại vấn đề gây tranh cãi dai dẳng tại nước này: Quyền sở hữu súng.

Theo hãng tin CNN, khi xông vào căn phòng của nghi phạm Stephen Paddock trên tầng 32 ở khách sạn Mandalay Bay, cảnh sát đã phát hiện có ít nhất 23 khẩu súng các loại và hàng trăm băng đạn. Tính thêm số súng cảnh sát phát hiện tại nhà riêng và xe của hung thủ, tổng cộng kẻ thủ ác sở hữu đến 49 khẩu súng các loại, theo CNN. Thông tin này khiến báo, đài và người dân Mỹ không khỏi băn khoăn: Vì sao nghi phạm có thể sở hữu và đem một lượng vũ khí lớn như vậy trót lọt qua cổng khách sạn ở ngay khu trung tâm Las Vegas?

23 khẩu súng trong căn phòng tầng 32

Các thông tin từ cảnh sát Las Vegas cho thấy Paddock nhận phòng tại khách sạn Mandalay Bay từ ngày 29-9, ba ngày trước khi vụ xả súng diễn ra. Cảnh sát cho rằng để tuồn 23 khẩu súng vào khách sạn, nghi phạm đã chia nhỏ số vũ khí ra, đựng trong các valy hành lý và chuyển đi nhiều lần. “Nghi phạm hẳn đã nhận phòng như một vị khách bình thường. Thường thì các du khách sẽ có rất nhiều valy hành lý. Khá đơn giản để giấu vũ khí trong các valy” - ông Robert Gardner, chuyên gia an ninh tại TP Las Vegas, nhận định. Ông Gardner cũng cho biết các bộ phận an ninh thông thường chỉ kiểm soát được lượng vũ khí đem vào sòng bạc chứ không thể kiểm soát được vũ khí đựng trong valy mang vào khách sạn.

Tại Mỹ cứ 100 người thì sẽ có 88 khẩu súng, theo báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm. Đây được xem là tỉ lệ sở hữu súng cao nhất thế giới. Tờ The Guardian cũng dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí Health Affairs cho biết hằng năm có hơn 100.000 người là nạn nhân của các vụ tấn công bằng súng ở Mỹ. Ngoài ra, theo khảo sát của hãng thăm dò dư luận Pew, có 2/3 số người sở hữu súng cho biết họ có nhiều loại súng. Phần lớn người sở hữu súng tại Mỹ đều biện bạch rằng họ cần súng trước nhất là để tự vệ, sau đó là các nguyên nhân như dùng súng cho săn, các hoạt động bắn súng thể thao…

Việc sở hữu súng, thứ vũ khí có khả năng sát thương cao, là một việc quá dễ dàng ở Mỹ. Nhưng ở tiểu bang Nevada, nơi nghi phạm Stephen Paddock sinh sống, sở hữu một khẩu súng thậm chí còn dễ dàng hơn mức tưởng tượng. Bang Nevada được mệnh danh là thủ đô của súng ống trên đất Mỹ vì đây là nơi có luật kiểm soát súng lỏng lẻo vào hàng bậc nhất đất nước. Người dân ở đây được phép mua các loại súng trường, súng săn hay súng lục mà không cần có giấy phép nào ràng buộc. Nevada cũng không hề giới hạn số lượng khẩu súng, số băng đạn và số viên đạn mỗi băng mà khách hàng có thể mua. Người ta thậm chí có thể nổ súng ở nơi công cộng, mang súng vào vũ trường, sòng bạc hay nhà hàng ở tiểu bang này như thể đang sống trong những bộ phim “miền Viễn Tây hoang dã”. Điều này có thể giải thích vì sao nghi phạm Paddock lại sở hữu một kho vũ khí khổng lồ đến vậy tại nhà riêng và chuyển chúng vào khách sạn, tờ Bangkok Post nhận định.

 Tổng thống Trump vẫn không thể đưa ra được giải pháp cho “đại dịch” tấn công bằng súng tại Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống Trump vẫn không thể đưa ra được giải pháp cho “đại dịch” tấn công bằng súng tại Mỹ. Ảnh: AP)
 Khu vực triển lãm súng tại hội nghị lần thứ 144 của NRA tại Nashville tháng 4-2015. Ảnh: BLOOMBERG
Khu vực triển lãm súng tại hội nghị lần thứ 144 của NRA tại Nashville tháng 4-2015. Ảnh: BLOOMBERG)

Hồi kết cho tranh cãi vẫn xa vời

Thảm kịch ở Las Vegas một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi về luật sở hữu súng vốn đã âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ suốt nhiều năm qua. Tờ The Guardian ngày 2-10 thậm chí đã gọi các vụ tấn công bằng súng là một “đại dịch” tại Mỹ, so sánh số người chết vì súng tại Mỹ còn cao hơn cả đại dịch HIV và nhiều bệnh hiểm nghèo khác. “Những thảm kịch như Las Vegas đã xảy ra quá nhiều lần. Chúng ta cần một cuộc thảo luận về vấn đề kiểm soát súng. Ngay bây giờ!” - thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusett tuyên bố. Theo bà, những lời bày tỏ “cảm thông và cầu nguyện là chưa bao giờ đủ” và nước Mỹ cần hành động. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng kêu gọi nước Mỹ đứng lên chống lại sức ảnh hưởng của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và giải quyết vấn đề súng đạn một cách cương quyết. Thế nhưng lời giải cho vấn nạn tấn công bằng súng tại Mỹ còn lâu mới xuất hiện.

Trong khảo sát của hãng thăm dò Gallup, có 55% người được hỏi cho biết họ muốn siết chặt hơn luật kiểm soát súng đạn, trong khi có 1/3 người được hỏi cho rằng họ muốn giữ nguyên luật sở hữu súng như hiện tại. Thế nhưng thành trì của cộng đồng ủng hộ sở hữu súng cùng túi tiền không đáy của các tập đoàn kinh doanh súng đã tạo sức chi phối khổng lồ lên chính trường ở Washington. Hiện có 2/3 nghị sĩ đảng Dân chủ khẳng định kiểm soát súng thật sự là “vấn đề lớn” cần giải quyết, trong khi chỉ có 1/3 nghị sĩ đảng Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện có suy nghĩ tương tự.

Theo tờ Straits Times, trong khi giới chính trị gia tranh cãi không có hồi kết về quyền sở hữu súng, những vụ bạo lực do súng vẫn hằng ngày xảy ra trên khắp nước Mỹ. Giới phân tích cho rằng thảm kịch tại Las Vegas vừa qua cũng sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào cho cuộc tranh luận này khi mà nó đang bị mắc kẹt trong bế tắc chính trị và hệ tư tưởng cốt lõi của người Mỹ. Hai năm trước đây, khi còn là một tỉ phú bất động sản, ông Trump đã từng khẳng định không có một giải pháp nào đối với việc kiểm soát súng. Đến nay, khi vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ diễn ra ở Las Vegas, tổng thống Mỹ một lần nữa cho rằng chính quyền Washington chưa sẵn sàng để có biện pháp xử lý vấn đề này. “Trong những thời điểm thế này, tôi biết chúng ta đang tìm kiếm một số giải pháp giữa những sự hỗn loạn. Tuy nhiên, câu trả lời là không dễ dàng” - ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 2-10.

Giới phân tích cho rằng vấn đề kiểm soát súng tại Mỹ sẽ không thể được giải quyết bởi vẫn luôn tồn tại sự ảnh hưởng quá lớn của NRA đối với truyền thông và chính trị Mỹ. Đặc biệt với 5 triệu thành viên và hàng triệu khẩu súng khắp nước Mỹ, đây cũng là lực lượng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Tổ chức này hồi tháng 2 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục là hậu thuẫn quan trọng cho ông Trump trong những năm cầm quyền tiếp theo ở Nhà Trắng.

Kiểm duyệt lý lịch cũng không ngăn nổi thảm sát?

Thân thế của nghi phạm xả súng khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương khiến nhiều người băn khoăn các biện pháp kiểm duyệt lý lịch người sở hữu súng cũng khó lòng ngăn được tội ác. Cảnh sát nhận định nghi phạm không hề có dấu hiệu nào đáng ngờ về lý lịch và việc sở hữu nhiều súng cũng quá bình thường.

Stephen Craig Paddock, 64 tuổi, là một kế toán đã nghỉ hưu. Người đàn ông 64 tuổi này sở hữu hai phi cơ và một căn nhà ở khu sân golf yên tĩnh tại Mesquite, Nevada, cách Las Vegas 130 km. Là một tay cờ bạc có máu liều, chịu chơi, giàu có, cuộc sống của ông không có dấu hiệu gì quá áp lực đến mức nghĩ quẩn. Theo điều tra của cảnh sát, Stephen không có dấu hiệu cho thấy ông có ý định tiến hành một vụ thảm sát.

FBI cho hay họ không thấy có mối liên hệ giữa Stephen và các nhóm khủng bố quốc tế, cũng chưa rõ động cơ thực sự đứng đằng sau thảm kịch. Trong khi đó Eric Paddock, em trai của nghi phạm, cho hay gia đình ông đã bị sốc và không thể nào hiểu được hà cớ gì người anh của mình lại gây ra chuyện động trời như vậy.

Yếu tố duy nhất khiến mọi người hoài nghi là gốc gác gia đình nghi phạm. Stephen có một người cha được liệt vào thành phần bất hảo, là một kẻ cướp ngân hàng khét tiếng, từng nằm trong danh sách “10 người bị truy nã gắt gao nhất” của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cha của Stephen được mô tả là người có thần kinh không ổn định.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin