Một số ĐBQH đã đặt vấn đề tại sao cơ quan gây ra oan sai không chủ động xin lỗi mà bắt buộc phải có yêu cầu của người bị oan sai? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã lý giải điều này.
Chiều nay (11/11), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, các ĐBQH khóa XIV đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) sửa đổi. Các ĐB đã chung quan điểm khẳng định tầm quan trọng của Dự thảo luật, cũng như tính cấp thiết phải sửa đổi luật cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cũng còn một số băn khoăn.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu: “Ai trong chúng ta cũng thấy day dứt khi nghe chuyện án oan” sau khi dẫn những vụ án oan gần đây của ông Thêm, ông Nén, ông Chấn.
Bà cũng nhận định: “Số tỉ lệ án oan ít nhưng hậu quả gây ra rất nghiệm trọng. Qua theo dõi công tác giải quyết, bồi thường oan ai, tôi thấy rất mừng, tuy nhiên, còn nhiều bất cập. Mà bất cập ở đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhân về cơ chế.”
Theo bà Thủy, quy định về việc phải có yêu cầu mới tính đến việc xin lỗi, bồi thường oan sai là một trong những bất cập của luật hiện hành.
“Tôi cho rằng không hợp lý. Vì cơ quan nhà nước đã làm oan, họ có đòi bồi thường hay không là việc của họ. Còn việc xin lỗi là trách nhiệm của người đã gây ra oan sai.” – bà nói.
ĐB phân tích thêm: Trong tố tụng, để phát hiện ra hành vi phạm tội, pháp luật đã trao cho các cơ quan tố tụng nhiều quyền lực mạnh. Nếu áp dụng tốt thì phát hiện tội phạm, nếu sai, thì sẽ ảnh hưởng lớn… Ví dụ nếu chỉ cần khởi tố bị can, đến nhà khám xét, còng tay bắt đi, họ đã bị ảnh hưởng rất lớn vì danh dự, cả người bị bắt và gia đình họ đã bị tổn thương rất lớn. Do đó, nếu chỉ yêu cầu mới xin lỗi là không được. “Tôi đề nghị phải xin lỗi trong mọi trường hợp phát hiện ra có oan sai” – ĐB đề nghị.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, Dự thảo Luật cũng cần phải quy định rõ hình thức xin lỗi phải được quy định cụ thể, không để xảy ra việc xin lỗi theo hình thức tùy tiện. “Tôi đã chứng kiến một trường hợp vị giam oan là 4 năm, nhưng thời gian xin lỗi chỉ là 5 phút. Sau khi thủ tục xin lỗi tiến hành xong, người bị oan bật khóc ngay tại chỗ” bà Thủy đưa ví dụ.
Tương tự quy định về yêu cầu xin lỗi, ĐB Thủy cũng đưa ý kiến đóng góp về quy định về việc chỉ bồi thường những khoản có nhu cầu. Theo bà, như vậy là không phù hợp. “Không thể hiện sự thực tâm, thực lòng, bù đắp cho người bị oan. Có những vấn đề không thể bồi thường cho người dân, đó là niềm tin vào nền tư pháp.”
Cũng theo bà Thủy, việc quy trách nhiệm phải theo quá trình tố tụng, sai ở khâu nào thì đơn vị tiến hành công tác ở khâu đó phải chịu trách nhiệm. Nếu như dự thảo chỉ xác định cơ quan làm oan cuối cùng mới phải chịu trách nhiệm là chưa hợp lý.
“Tất cả những cơ quan nào góp phần làm oan, đều phải chịu trách nhiệm, có như vậy, mới hướng đến nền tư pháp không có oan sai.” – ĐB nói.
Chung quan điểm với ĐB tỉnh Bắc Kạn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định Luật Bồi thường nhà nước thể hiện sự đề cao quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn khi Luật quy định việc bồi thường được tiến hành “trên cơ sở thương lượng”.
“Chúng ta có quy định việc thương lượng là nguyên tắc trong quá trình bồi thường không? Có những thiệt hại về thể chất, tinh thần mà không xác định được bằng vật chất. Thương lượng là mặc cả với nhau về giá trị bồi thường là không phù hợp. Hai nữa, nếu thương lượng, quá trình giải quyết sẽ thương lượng nên sẽ đưa yêu cầu cao, còn cơ quan giải quyết thì lại đưa ra mức ít để nâng lên. Vô hình chung sẽ kéo dài thời gian..” ĐB nói.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ ( An Giang) khẳng định: Luật Bồi thường nhà nước có vị trí rất lớn trong việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ nhà nước và là một công cụ để chống tham nhũng. Nhưng ĐB nhận định luật nặng về bồi thường tố tụng và xem nhẹ trách nhiệm của cơ quan hành chính. Theo ông, cứ gây ra thiệt hại là phải bồi thường, không cần biết đó là cơ quan nào.
ĐB minh chứng: Tham nhũng, cửa quyền từ cơ quan hành chính. Một số hành vi của cơ quan hành chính đã làm mất cơ hội làm ăn, mất thời gian đi lại của công dân khi cố tình chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Đảng và nhà nước có chính sách rất nhận đạo với các cháu dưới 6 tuổi, nhưng việc xin thẻ này, nhiều trường hợp các cháu đi viện phải bỏ tiền… Đây là một trong những chứng cứ cho việc cố tình giải quyết chậm, đã gây thiệt hại.
“Theo Hiến pháp như vậy là phải bồi thường, nhưng luật này không đưa vào. Hay Luật dân sự đã quy định nếu chậm nộp thuế là phải chịu phạt. Tại sao Nhà nước bắt công dân phạt khi bị chậm, còn cán bộ chậm thì không phạt?” ĐB đặt câu hỏi.
ĐB nhấn mạnh: “Nếu liêm chính thì phải đền bù dân khi cán bộ của mình gây ra thiệt hại.”
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định: Quy định về bồi thường đã khiến các cơ quan tố tụng tăng cường trách nhiệm, cơ quan Tư pháp đã rất cầu thị, khẩn trương. Tuy nhiên, bà lo ngại cũng từ những quy định bồi thường oan sai này khiến một số cơ quan có dấu hiệu “chùn tay” với tâm lý “thà bỏ lọt còn hơn làm oan”.
Do đó, theo bà, việc bồi thường cần cân đối quyền của công dân với quyền của cơ quan tố tụng, không làm ảnh hưởng đến cơ quan tiến hành tố tụng.
Quan hệ hành chính nhưng giải quyết theo nguyên tắc dân sự
Sau khi các ĐBQH đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Ban soạn thảo đã giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, đây là luật về quy trình, thủ tục, cách tính thiệt hại, thời gian. Không phải là luật nội dung, nên không nói về tính đúng sai của các hành vi, không xác định các loại tài sản, không xác định tại sao lại sai. Luật chỉ điều chỉnh quan hệ của nhà nước, công dân trong phạm vi thi hành công vụ.
Bộ trưởng cũng cho biết có nhiều hành vi gây ra thiệt hại cho công dân, nhưng việc giải quyết những mối quan hệ đó đã được quy định ở các văn bản luật khác, đặc biệt là quy định về bồi thường trách nhiệm dân sự được quy định rất rõ ràng tại Bộ luật Dân sự.
“Quan hệ của luật này với các luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự. Chúng ta đã thống nhất nó là luật về thủ tục, trình tự trong quan hệ nhà nước với công dân” Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đặc tính điều chỉnh vấn đề thủ tục của Luật này, Bộ trưởng nhắc lại: Luật này không tính đến đúng sai, mà phải có văn bản làm căn cứ.”
Giải đáp băn khoăn của ĐB về vấn đề tại sao cơ quan làm sai không chủ động xin lỗi và chủ động bồi thường.
Bộ trưởng nói: “Luật này điều chỉnh mối quan hệ hành chính, nhưng xử lý theo nguyên tắc dân sự. Mà theo nguyên tắc dân sự thì có quyền, nghĩa vụ, và có thương lượng. Đã là nguyên tắc dân sự thì người có quyền phải chủ động thực hiện quyền của mình nếu không thì không có căn cứ để bắt đầu. Chính vì vậy, trong mọi trường hợp, phải chủ động đưa ra yêu cầu.”
Về quan điểm của ĐB tại sao không cho khởi kiện ở tòa ngay lập tức, Bộ trưởng nói: “Có những nước, quy định việc yêu cầu bồi thường có thể đưa ra toà ngay, nhưng ở tòa thì cũng phải qua quá trình thương lượng. Như vậy, xét về thực tế, nó vẫn là quá trình thương lượng.”
Bộ trưởng cũng cho biết, thực tế trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời gian qua, hơn 80% vụ việc được xử lý bằng thương lượng. “Thời gian thì dài, ở Dự thảo lần này, ban soạn thảo chúng tôi cố gắng để từng công đọan sẽ ngắn hơn, tiết kiệm khoảng 50 ngày. Hơn nữa, tôi không nói rằng tòa án chậm, nhưng nếu với quy trình tố tụng của tòa hiện nay, thời gian chưa chắc đã nhanh hơn so với thương lượng hành chính.” Bộ trưởng phân tích
Dự thảo Luật TNBTNN sửa đổi sẽ được Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, lấy ký kiến các ĐBQH và thông qua tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV.
Theo Bao Phapluat