Tách riêng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Chính phủ đã thống nhất chủ trương tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Ảnh T.L
Ảnh T.L)

Tại Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2019, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động chuẩn bị hồ sơ, tờ trình của Chính phủ theo hướng tách thành 2 dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất theo hướng phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của dự án luật này, tháo gỡ triệt để các vướng mắc, thiếu đồng bộ với các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, quy định rõ trách nhiệm thẩm định của các cơ quan quản lý chuyên ngành… Tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định giao Chính phủ quy định quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ thống nhất hoàn thiện quy định theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tại Điều 31 luật hiện hành. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường hậu kiểm; chỉ quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng với các dự án quy mô vốn lớn, hạ tầng trọng yếu, tác động lớn đến kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh,...

Về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài: thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong quản lý các nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Về quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu bổ sung quy định ngăn chặn và chế tài với hoạt động đầu tư "núp bóng", đầu tư vi phạm pháp luật.

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất theo hướng hoàn thiện các quy định liên quan đến các loại hình doanh nghiệp, thời hạn góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, bảo đảm quyền chủ động, thuận lợi trong hoạt động và quản trị doanh nghiệp. Quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh; giao Chính phủ quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách phát triển hộ kinh doanh./.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/tach-rieng-viec-sua-doi-luat-dau-tu-va-luat-doanh-nghiep.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin